• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cảnh giác một số hải sản gây ngộ độc

Nguồn tin: Khoa học phổ thông,14/11/2017
Ngày cập nhật: 16/11/2017

Kéo lưới bắt được vài con so biển, nghĩ là con sam, hai ngư dân tại huyện Cần Giờ luộc làm mồi nhậu. Một giờ sau khi ăn thịt so biển, cả hai đều có cảm giác tê tay chân, chóng mặt, tê lưỡi, đi đứng loạng choạng, mờ mắt. Người nhà vội đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân 115.

Hai bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Có biểu hiện yếu liệt tay chân, phát âm khó, khó thở, phải thở oxy. Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc so biển và cấp cứu kịp thời, vượt khỏi cơn nguy kịch. Sau 24 giờ tích cực điều trị triệu chứng, bệnh nhân được chuyển ra phòng ngoài theo dõi tiếp, xuất viện sau 2 ngày điều trị.

Phân biệt sam biển và so biển

Do hình dáng bên ngoài khá giống nhau nên nhiều người thường bị nhầm lẫn giữa so biển và sam biển. Nếu như sam biển là hải sản bổ dưỡng không chứa độc tố thì so biển lại chứa chất độc, có thể gây chết người. So biển thường sống ở những lạch nước ngọt nhỏ, trong khi sam biển sống ở các dải cát nơi có thủy triều cao.

Sam biển sống thành từng cặp, con đực bám phía trên con cái. Mỗi cặp sam khi làm tổ đều sinh sống kiểu một vợ một chồng và sống cùng nhau cho đến hết đời. So biển sống riêng lẻ, không đi theo từng cặp. Về kích thước, sam có thể nặng đến 1,5 - 2 kg, còn so biển chỉ bằng một nửa hoặc khoảng 1 kg.

Ở phần đuôi con sam nhận thấy tiết diện đuôi hình tam giác, có gai nhọn kiểu lưỡi cưa ở đỉnh của tam giác. Còn tiết diện đuôi so biển có hình bầu dục hoặc tròn, không có gai ở đỉnh như hình lưỡi cưa.

Một mẹo dễ nhớ: chữ cái “A” trong từ “sam” có hình tam giác, trong khi chữ “O” của “so” có hình tròn!

Vì sao nhiều hải sản lại độc?

Trong cơ thể của so biển chứa độc tố có tên là tetrodotoxin. Độc tố này đã được TS. Yoshizumi Tahara, Nhật Bản, tìm thấy vào tháng 7/1894, đặt tên dựa theo tên của họ cá nóc đầu tiên phân lập được độc chất, Tetraodontidae.

Tetrodotoxin được phát hiện không chỉ ở các hải sản (cá nóc, so biển, bạch tuộc đốm xanh, sao biển, một số loài ốc, cua…) mà còn ở các động vật trên cạn (cóc, ếch, kỳ nhông…), tập trung nồng độ cao ở da, gan, trứng của các động vật kể trên.

Ác một nỗi, các hải sản này thịt rất ngon nên thực khách rất ưa chuộng.

Tại Nhật, chỉ có những đầu bếp lành nghề, có chứng chỉ đào tạo hẳn hoi mới được phép chế biến thịt cá nóc, ấy vậy thỉnh thoảng vẫn có nạn nhân ngộ độc. Vì vậy nên mới “vừa ăn, vừa run”!

Độc tố nguy hiểm ra sao?

Tetrodotoxin là một trong những chất độc thần kinh cực mạnh từng được biết đến. Khi thâm nhập vào cơ thể, nó sẽ tác động lên hệ thần kinh gây tê liệt tay, chân, cơ hô hấp. Chỉ với một liều rất thấp, chúng sẽ gây ngừng thở, tử vong nhanh chóng. Độc tố không bị nhiệt phá hủy, vẫn tồn tại khi nấu chín hay phơi khô, sấy. Nấu ăn thông thường không làm mất độc tính, có thể làm tăng tác động độc hại do đặc tính tan trong nước.

Khi ăn phải, chỉ sau 30 phút đến 2 giờ, nạn nhân sẽ có cảm giác tê môi và đầu lưỡi, các ngón tay bị tê cứng, đau đầu, vã mồ hôi, đau bụng, đôi khi kèm theo nôn mửa. Sau đó là tê liệt vận động, đứng ngồi khó khăn, thay đổi tri giác, phát âm khó, khó thở… và có thể tử vong nếu bệnh nhân không được đưa đến bệnh viện kịp thời.

Tuy nhiên, trước khi khám phá ra tetrodotoxin, cá nóc đã được sử dụng trong y học dân gian Nhật Bản làm giảm đau trong điều trị bệnh phong. Sau này, khi được chiết xuất theo phương pháp của Yoshizumi Tahara, chất độc này còn được sử dụng để giảm co thắt cơ do uốn ván vào đầu thế kỷ 20. Ngoài ra, nó còn được dùng cho bệnh nhân viêm khớp dạng thấp.

Tại Mỹ và Canada, tetrodotoxin hiện đang được thử nghiệm trong điều trị giảm đau do ung thư và hóa trị gây ra.

Điều trị ngộ độc kịp thời có thể cứu sống

Hiện tại vẫn chưa có thuốc điều trị, giải độc đặc hiệu, phần lớn là điều trị triệu chứng, chú trọng hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn, chống co giật. Tất cả trường hợp ngộ độc dù nặng hay nhẹ đều cần phải nhập viện theo dõi sát sao.

Nếu có dấu hiệu bị ngộ độc, phải ngừng ngay không ăn món đó nữa. Khẩn trương gây nôn cho bệnh nhân để tống hết thức ăn ra ngoài. Lưu ý, chỉ gây nôn khi bệnh nhân tỉnh và không gây nôn nếu là trẻ em, vì dễ bị sặc.

Nếu bị co giật và ngừng thở, ngừng tim phải cấp cứu khẩn bằng cách hà hơi thổi ngạt và ép tim. Nếu hôn mê, để bệnh nhân nằm đầu thấp, nghiêng về một bên phòng chất nôn sặc vào phổi. Sau khi sơ cứu, khẩn trương đưa người bị ngộ độc đến bệnh viện để xử lý tiếp.

Đề phòng ngộ độc

Chỉ mua và sử dụng hải sản tại các nhà hàng đáng tin cậy vì đôi khi người đánh bắt không phân biệt được loại nào có thể ăn được, không ăn hải sản lạ, quý hiếm khi chưa biết rõ độc tính bên trong.

ThS.BS. Khâu Minh Tuấn (Phụ trách khoa cấp cứu tổng hợp, Bệnh viện Nhân dân 115 - TP.HCM)

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang