• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đồng bằng Sông Cửu Long lo chống hạn, mặn từ đầu mùa khô

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng, 09/01/2017
Ngày cập nhật: 10/1/2017

Nước mặn vừa xuất hiện ở Bến Tre, cùng với dự báo đợt hạn, mặn năm 2017 sẽ sớm hơn trung bình nhiều năm đang đặt ĐBSCL trước những thử thách. Để tránh những thiệt hại lên tới hàng ngàn tỷ đồng như năm ngoái, các tỉnh đang khẩn trương triển khai phòng chống hạn, mặn ngay từ đầu mùa khô.

Lo mặn xâm nhập từ hai hướng

Vùng ĐBSCL hiện đóng góp trên 60% tổng sản lượng lương thực (hơn 90% cho xuất khẩu), cung cấp khoảng 70% lượng trái cây, trên 40% sản lượng thủy sản đánh bắt và trên 74,6% sản lượng thủy sản nuôi trồng của cả nước. Thế nhưng, 4 mặt hàng sản xuất nông nghiệp chủ lực của ĐBSCL gồm tôm, lúa, mía, cây ăn trái đã bị thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng trong đợt hạn, mặn lịch sử năm 2016.

Nhưng khi thiệt hại chưa kịp khắc phục, thì bước sang trung tuần tháng Chạp, người dân ở ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đã lo nước mặn xâm nhập do ở đây chưa có công trình cống đập bảo vệ. Bà Nguyễn Thị Thùa, ngụ ở ấp 7 cho biết, không có công trình ngăn mặn, nước mặn tràn về thì sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân sẽ ảnh hưởng lớn. Trong khi đó, dự báo của ngành chức năng, tình trạng xâm nhập mặn sẽ không thua đầu năm 2016.

Nông dân Bạc Liêu xuống giống sớm vụ Đông-Xuân để né hạn, mặn. Ảnh: QUANG HÙNG

“Tầm ngày 27-29 tết năm ngoái, triều cường dâng cao, kèm theo nước mặn đã tràn vào làm thiệt hại cho hoa màu, lúa đông xuân, vườn cây ăn trái của người dân nơi đây, trong đó có gia đình tôi. Còn mới đây, triều cường cũng lên cao, 1ha khóm của gia đình bị ngập lên 1 tấc nước”, bà Thùa nói. Cận nhà bà Thùa, bà Võ Thị Léo, cũng “đứng ngồi không yên” vì 1ha vườn cây ăn trái (400 cây quýt và 1.000 cây cam sành đang cho trái). Bà Léo lý giải: “Vườn cây ăn trái này rất nhạy cảm với nước mặn, nếu mặn đến bất ngờ thì nguy cơ mất trắng. 400 cây quýt đã có khách hàng đặt mua trước, nếu nước mặn đến sớm thì tôi không biết lấy đâu ra lượng trái để giao cho khách”. Ông Trịnh Bạch Duyên, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Viễn A, cho hay, những lo lắng và phản ánh của người dân là có cơ sở. UBND xã đã kiến nghị ngành chức năng tỉnh sớm xây dựng tuyến đê bảo vệ sản xuất và ngăn mặn trong thời gian tới.

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, hiện nay nguồn nước đầu nguồn thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,9 - 1m. Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn sẽ gay gắt. Hậu Giang là địa phương nằm ở trung tâm tiểu vùng Tây sông Hậu, có địa hình trũng thấp, ảnh hưởng của 2 thủy triều biển Đông và biển Tây nên thường chịu tác động của xâm nhập mặn. Ngay từ cuối tháng 11-2016, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành kế hoạch yêu cầu các địa phương trong tỉnh chủ động ứng phó với hạn, mặn bất thường vào những tháng mùa khô sắp tới, đặc biệt là xây dựng các đập thời vụ ngăn mặn. Loại đập này đã mang lại hiệu quả cao tại TP Vị Thanh trong đợt mặn đầu năm 2016. Hiện ngành nông nghiệp cùng các địa phương bố trí cán bộ đo độ mặn mỗi ngày để kịp thời xây dựng các đập thời vụ, đóng các hệ thống cống ngăn mặn.

Chuẩn bị “sống chung với hạn, mặn”

Hiện các tỉnh dọc theo sông Tiền và sông Hậu đang khẩn trương triển khai các biện pháp để trữ nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Tỉnh Tiền Giang đã lập đoàn công tác khảo sát tình hình xâm nhập mặn dọc sông Tiền. Theo ghi nhận, độ mặn hiện vẫn ở mức nhẹ hơn so với cùng kỳ năm 2016, nhưng do lượng mưa ít, gió chướng gia tăng nên nước mặn có khả năng sẽ sớm xâm nhập vào nội đồng trong thời gian tới. Tỉnh đang gấp rút triển khai các biện pháp phục vụ sản xuất lúa đông xuân 2016 - 2017 tại vùng dự án Ngọt hóa Gò Công; đồng thời yêu cầu Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi cũng như chính quyền các địa phương rà soát kế hoạch vận hành công trình để bổ sung, phù hợp với tình hình thực tế, đẩy mạnh việc trục vớt lục bình; ngoài ra, tăng cường giữ gìn vệ sinh nguồn nước, chủ động chống rò rỉ mặn và xây dựng kế hoạch bơm chuyền từ các tuyến kênh để đối phó với hạn, mặn.

Người dân Cà Mau trữ nước ngọt ngay từ đầu mùa khô. Ảnh: NGỌC CHÁNH

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, sau đợt hạn, mặn năm 2016, ngành nông nghiệp đã nhiều lần họp, bàn đưa ra các giải pháp ứng phó trong tương lai. Hiện mực nước đầu nguồn xuống thấp nên dự báo sẽ không đảm bảo nước cho sản xuất. Trước mắt, tỉnh Kiên Giang giao cho Chi cục Thủy lợi đóng tất cả các cống ở huyện Hòn Đất, huyện Kiên Lương để giữ nước, đồng thời theo dõi sát diễn biến thời tiết, xâm nhập mặn để có biện pháp đắp đập tại kênh T3 - Hòa Điền và kênh Nhánh.

Tiền Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng là các tỉnh chịu thiệt hại nặng nhất khi hạn, mặn khốc liệt. Các tỉnh này đang khẩn trương lo tích nước ngọt để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, yêu cầu các công ty cấp nước sửa chữa, nâng hệ thống cấp nước đang quản lý, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở các vùng khó khăn.

Năm ngoái, dù đã có những dự báo sớm về hạn, mặn khốc liệt nhưng nhiều tỉnh trong vùng vẫn chuyển bộ khá chậm, dẫn đến thiệt hại hàng tỷ đồng. Do đó, chính quyền và người dân ĐBSCL phải ở tư thế “sống chung với hạn, mặn”, mọi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải tính đến yếu tố hạn, mặn. Các giải pháp ứng phó được lãnh đạo các địa phương nhấn mạnh, gồm: chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng thích ứng với tình hình hạn, mặn; kiểm tra toàn bộ hệ thống kênh mương thủy lợi; kịp thời bồi đắp bờ bao còn yếu, thấp, xử lý bờ, đập bị rò nước; sửa chữa nắp cống bị hư hỏng, nạo vét kênh, mương, đặc biệt là kênh tạo nguồn, nhằm bảo đảm ngăn mặn, giữ ngọt; cập nhật thông tin về diễn biến mực nước ở các tỉnh đầu nguồn và độ mặn trên các sông, rạch chính, dự báo và thông tin kịp thời nhằm phục vụ hữu hiệu cho công tác phòng chống hạn, mặn.

CAO PHONG

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang