• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cần sớm có biện pháp để quản lý chặt chẽ các sinh vật ngoại lai

Nguồn tin: Báo Ninh Bình, 02/06/2017
Ngày cập nhật: 5/6/2017

Những năm gần đây, sinh vật ngoại lai (SVNL) được nhắc đến bởi những tác động xấu tới môi trường và gây hại cho sản xuất nông nghiệp. Nhiều giống loài ngoại lai mới đang là mối nguy hại, trực tiếp đe dọa sinh vật bản địa, làm mất cân bằng sinh thái. Đáng nói, hiện nay các hoạt động ngăn chặn và kiểm soát SVNL hầu như rất yếu ớt.

Ốc bươu vàng gây hại phổ biến trong các ruộng lúa trên địa bàn tỉnh.

Mối đe dọa lớn đến môi trường và sản xuất nông nghiệp

Gần 20 năm trước, ốc bươu vàng được đưa vào nuôi thử nghiệm ở nước ta với kỳ vọng là “cần câu” kinh tế, trở thành nguồn thực phẩm, cung cấp cho người và động vật. Những lợi ích kinh tế chưa thấy, chỉ ít năm sau, nạn ốc bươu vàng đã bùng phát trên phạm vi cả nước gây ảnh hưởng đến hơn 8.500ha lúa, hơn 6.000ha ao hồ và hàng trăm km sông ngòi, kênh, mương. Tại Ninh Bình, hàng năm cũng có tới hàng trăm ha lúa bị loài ốc này gây hại.

Chị Đặng Thị Huyền, Trung tâm Khuyến nông, Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: ốc bươu vàng là loại phàm ăn, ăn khỏe và ăn cả ngày lẫn đêm,nhưng thích ăn nhất là lá non và lá bánh tẻ.

Trên ruộng lúa, chúng thường ăn từng đám, ăn nhiều ở ruộng trũng, ruộng lúa non, lúa mới cấy, lúa gieo thẳng, chúng thường cắn đứt thân lúa non gây nên khuyết dảnh, khuyết khóm.

Để khắc phục, nông dân trong tỉnh đã phải bỏ rất nhiều công để thu gom ổ trứng, bắt ốc. Thậm chí những nơi có mật độ ốc cao bà con phải sử dụng thuốc hóa học để phun trừ.

Tuy nhiên, việc này lợi bất cập hại vì các loại thuốc trừ ốc thường có độ độc cao ảnh hưởng trực tiếp đến các động vật thủy sinh và nguồn nước sinh hoạt.

Tác hại của ốc bươu vàng thì đã rõ nhưng có một loại SVNL khác mà ngay tại thời điểm này nhiều người dân vẫn nghĩ nó là một loại có ích, vẫn đang nuôi trong các bể cá cảnh của gia đình, thậm chí còn mang đi phóng sinh ở các con sông đó chính là cá lau kính.

Tuy nhiên thực tế thì loại cá này rất nguy hại. Ông Trần Văn Tốt, một người dân sống bằng nghề đánh bắt cá trên sông Vân cho biết: Vài năm trở lại đây, cá lau kính xuất hiện với mật độ khá dày. Hầu như mẻ lưới nào cất lên cũng “thu hoạch” được vài con cá lau kính. Chúng phá rách hết lưới, ăn trứng của các loài cá khác.

Số lượng, chủng loại các loài cá trên sông hiện đã suy giảm nhiều có lẽ một phần do cá lau kính. Những thuyền chài như chúng tôi hễ bắt được cá lau kính là gom lại và đem chôn nhưng thực ra là bắt không xuể, nhiều người dân thiếu hiểu biết vẫn đem loại cá này thả xuống sông ngòi, kênh rạch.

Kỹ sư NguyễnVăn Hà, Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết thêm: Thời gian gần đây chúng tôi đã ghi nhận sự xuất hiện của đối tượng cá lau kính hay còn gọi là cá tì bà, cá cọ bể (Hypotstomus punstatus) trên hầu hết các hệ thống các sông, ao hồ, kênh rạch trên địa bàn tỉnh.

Đây là một loài có nguồn gốc từ Nam Mỹ được nhập vào Việt Nam qua con đường buôn bán cá cảnh. Trước đây, cá lau kính được bày bán công khai tại các điểm bán cá cảnh, từ khi có văn bản chỉ đạo của Tổng cục Thủy sản thì đối tượng này vẫn được phát tán lén lút tại nhiều nơi trong tỉnh.

Về đặc tính sinh học: Cá chủ yếu sống ở đáy các thủy vực nước ngọt, nước lợ, thức ăn chính là rong, tảo bám trên bề mặt thực vật hoặc nền đáy, là loại ăn tạp có thể giành hết thức ăn và ăn trứng của các loài cá khác khiến một số loài cá có nguy cơ tuyệt chủng lớn, việc đào hang của chúng cũng gây ra sạt lở, sói mòn bờ sông.

Cá lau kính có khả năng sinh sản nhanh, tỷ lệ sống của cá con lên tới 70% nên có thể dẫn đến một sự bùng phát “dân số” cá lau kính.

Điều đáng lo ngại là cá lau kính có thể tiếp cận loài cá khác để hút nhớt làm cho các loài khác giảm khả năng phát triển và có thể chết.

Không thể phủ nhận các SVNL cũng có đóng góp đối với đa dạng sinh học ở Việt Nam. Thậm chí, một số giống ngoại lai được nhập khẩu như ngô, táo, thanh long, cừu… đã mang đến lợi ích kinh tế nhất định. Tuy nhiên, với các SVNL xâm hại, nếu không được quản lý chặt chẽ nó sẽ là mối đe dọa lớn đối với môi trường và sản xuất nông nghiệp.

Nâng cao nhận thức cho người dân

Việc quản lý đa dạng sinh học, trong đó có SVNL được quy định trong Luật đa dạng sinh học năm 2008. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát đối với các loài SVNL xâm hại trên địa bàn cả nước cũng như ở tỉnh ta còn khá lỏng lẻo, thiếu thống nhất và kém hiệu quả.

Qua tìm hiểu của chúng tôi thì hiện nguồn lực tài chính đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học ở Ninh Bình rất hạn chế; phần lớn người dân chưa có hiểu biết về SVNL và những tác động bất lợi của SVNL đối với môi trường, kinh tế, sức khoẻ của con người nên chưa chủ động trong công tác phòng ngừa, diệt trừ SVNL xâm hại...

Thiết nghĩ, trước tình trạng này, các sở, ban, ngành, địa phương cần tuyên truyền sâu rộng chủ trương, văn bản pháp luật mới cho cán bộ quản lý các cấp nhận thức đầy đủ về bảo tồn đa dạng sinh học nói chung, SVNL xâm hại nói riêng; từ đó có ý thức, trách nhiệm, thấy rõ hơn quyền lợi và nghĩa vụ công dân để tự giác chấp hành, thực thi pháp luật được tốt hơn.

Cùng với đó, các sở, ban, ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát không để xảy ra tình trạng nuôi, trồng, phát tán, phóng sinh loài ngoại lai xâm hại và có nguy cơ xâm hại trái với quy định của pháp luật...

Tỉnh cũng cần kiến nghị, đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ kinh phí điều tra tổng thể về SVNL trên địa bàn tỉnh làm cơ sở dữ liệu cho công tác quản lý; xây dựng mô hình xử lý một số loài SVNL phổ biến như: ốc bươu vàng, cá lau kính, rùa tai đỏ...

Một động thái tích cực là mới đây trong công tác phòng ngừa SVNL là Chi cục Thủy sản, Sở NN&PTNT vừa phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh tổ chức lễ ký kết kế hoạch phối hợp, thực hiện trong lĩnh vực thả giống phóng sinh, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn 2017-2020.

Theo kế hoạch phối hợp, Sở Nông nghiệp & PTNT, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh sẽ tổ chức tuyên truyền đến các tăng ni, phật tử và nhân dân trong toàn tỉnh biết ý nghĩa về công tác bảo tồn và tái tạo nguồn lợi các loài thủy sản quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng và tác hại của các loại thủy sinh ngoại lai xâm hại, các quy định xử phạt trong việc nuôi giữ, buôn bán, vận chuyển, phát tán SVNL.

Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tăng ni, phật tử và nhân dân trong tỉnh về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tránh việc trong quá trình thả phóng sinh lại vô tình phát tán các đối tượng là SVNL, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học trên địa bàn.

Hà Phương

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang