• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hơn 1.300 cá thể Voọc Chà Vá chân nâu trên bán đảo Sơn Trà cần được bảo vệ

Nguồn tin: Báo Công Thương, 23/05/2017
Ngày cập nhật: 24/5/2017

Đó là thông tin được công bố tại Hội thảo Công bố kết quả nghiên cứu hiện trạng quần thể Voọc Chà Vá chân nâu và giải pháp bảo tồn loài tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Việt Nam (GreenViet) tổ chức chiều 22/5, tại Đà Nẵng.

Toàn cảnh hội thảo

Dự án nghiên cứu hiện trạng quần thể Voọc Chà Vá chân nâu và giải pháp bảo tồn loài tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) tập trung vào 3 vấn đề lớn đó là Voọc Chà Vá chân nâu ở Sơn Trà có bao nhiêu con, bao nhiêu đàn, phân bố như thế nào?; Các khó khăn và thách thức đối với công tác bảo tồn loài?; Giải pháp gì cho công tác bảo toàn?

Theo kết quả nghiên cứu, hiện toàn bán đảo Sơn Trà có khoảng 1.335 con sống tập trung thành 237 đàn trên diện tích 3.130ha (30km2).

Báo cáo nghiên cứu cũng cho thấy, hiện nay Voọc Chà Vá chân nâu trên Sơn Trà đang chịu nhiều yếu tố tác động như: Nguy cơ suy giảm diện tích vùng sống do quy hoạch các dự án phát triển du lịch sinh thái; Việc xây dựng hạ tầng giao thông trên bán đảo Sơn Trà gây chia cắt vùng sống; Nguy cơ gia tăng nạn săn bắn, bẫy bắt khi phát triển du lịch thiếu kiểm soát; Nguy cơ truyền bệnh từ người sang khỉ và Vọoc qua việc cho động vật ăn; Hạn chế trong công tác kiểm soát hoạt động con người trên bán đảo.

Gia đình Voọc trên Sơn Trà. Ảnh: Bùi Văn Tuấn

Để bảo vệ Voọc Chà Vá chân nâu, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số đề xuất như tăng cường sự giám sát hoạt động của du khách tại các trạm gác tại các điểm ra – vào bán đảo Sơn Trà; Dừng và loại bỏ các dự án phát triển nằm trong vùng phân bố quan trọng của Voọc Chà Vá ở phía Bắc bán đảo Sơn Trà; giám sát và ngăn chặn hoạt động săn bắn, bẫy bắt, phá rừng làm mất môi trường sống của Vọoc; lắp các biển hiệu cảnh báo tại các điểm có Vọoc đi qua đường và giám sát việc tự do đi lại của con người trên các tuyến đường có nhiều Vọoc phân bố; nâng cao nhận thức cho du khách trong việc ứng xử với động vật hoang dã.

Ngoài ra, về lâu dài, cần thực hiện các chương trình giám sát, theo dõi biến động và tình trạng phân bố của quần thể Vọoc; nghiên cứu về sự đa dạng di truyền (DNA) để đánh giá sự suy giảm nguồn gen do ảnh hưởng của giao phối cận huyết; nghiên cứu sức chứa của bán đảo Sơn Trà đối với quần thể Vọoc Chà Vá chân nâu; kiểm soát chặt chẽ việc tái thả các loại khỉ tịch thu được trong các vụ vi phạm động bật hoang dã vào bán đảo Sơn Trà nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh; phục hồi các sinh cảnh sống của Vọoc, tạo các cầu cây xanh bằng các loài cây bản địa giúp Vọoc di chuyển qua đường và là thức ăn của Vọoc.

Bán đảo Sơn Trà hiện hữu một hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền với biển với 985 loài thực vật bậc cao có mạch, gần 300 loài động vật có sương sống ở cạn. Khu vực biển xung quanh bán đảo Sơn Trà còn có hệ sinh thái san hô và cỏ biển quan trọng, với 191 loài san hô cứng tạo rạn, 72 loài rong biển và 3 loài cỏ biển. Đây là nơi dễ dàng nhất trên thế giới có thể quan sát Voọc chà vá chân nâu ngoài tự nhiên. Voọc chà vá chân nâu là loài đặc hữu của khu vực Đông Dương (chỉ phân bố tại Lào và Việt Nam). Theo phân hạng của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), loài đứng thứ 4/7 trong thang Danh sách đỏ các loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Sự bùng nổ dự án phát triển kinh tế, đặc biệt là các dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng trên bán đảo Sơn Trà trong những năm gần đây tạo những áp lực rất lớn và đe dọa sự bền vững sinh cảnh sống của loài Voọc chà vá chân nâu. Để bảo vệ loại động vật “nữ hoàng linh trưởng” này, thời gian qua, rất nhiều ý kiến, kiến nghị của người dân, các cơ quan, tổ chức đã đồng loạt lên tiếng đề nghị điều chỉnh quy hoạch bán đảo Sơn Trà hướng đến bảo vệ môi trường sinh thái.

Ngày 12/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có công văn gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND TP. Đà Nẵng, trong đó yêu cầu khẩn trương xem xét một cách thực sự khoa học và cầu thị các kiến nghị về việc điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà, có báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/5. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030.

Vũ Lê

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang