• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bảo tồn nguồn gen động, thực vật đặc hữu

Nguồn tin: Báo Quảng Ninh, 31/03/2017
Ngày cập nhật: 1/4/2017

Quảng Ninh có nguồn gen động, thực vật phong phú, đa dạng, có giá trị cao trong đời sống và sản xuất. Tuy nhiên, nhiều loài động, thực vật đang bị đe doạ tuyệt chủng hoặc nguồn gen địa phương bị thoái hoá, mất độ thuần chủng của giống do lai tạp. Trước nguy cơ đó, trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp bảo tồn.

Gà Bang Trới thế hệ 1, 2 được Trường Cao đẳng Nông lâm Đông Bắc nhân thuần giống.

Từ năm 2013, trên cơ sở chủ trương của Bộ KH&CN, UBND tỉnh đã phê duyệt “Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh, giai đoạn 2015-2020”. Theo đó, mục tiêu đặt ra là bảo tồn các hệ sinh thái, loài, nguồn gen và các chức năng của chúng, phục vụ cho sự nghiệp phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh quốc phòng. Đồng thời nhằm tăng cường năng lực quản lý nhà nước, nghiên cứu khoa học về đa dạng sinh học và nâng cao nhận thức bảo tồn nguồn gen cho người dân. Cụ thể, 12 nguồn gen được điều tra, khảo sát, thu thập; tư liệu hoá; đánh giá về một số chỉ tiêu sinh học, di truyền; bảo tồn an toàn. Trong đó, 3-5 nguồn gen được phục tráng, thuần chủng. Tổng kinh phí thực hiện là 15,5 tỷ đồng từ kinh phí sự nghiệp KH&CN hằng năm của tỉnh.

Đối với bảo tồn nguồn gen động vật, Quảng Ninh thực hiện bảo tồn gà Bang Trới, ngán, tu hài, ốc đĩa, hải sâm đen, sá sùng, cá tráp vàng. Theo kế hoạch, từ năm 2015 Trường Cao đẳng Nông lâm Đông Bắc được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Nhân thuần, lưu giữ bảo tồn giống gà Bang Trới”, với tổng kinh phí trên 1,3 tỷ đồng. Mục tiêu là bảo tồn được nguồn gen đặc hữu gà Bang Trới nhằm duy trì đa dạng sinh học, góp phần an sinh xã hội và cải thiện sinh kế cho người dân trong khu vực nguồn gen. Trường Cao đẳng Nông lâm Đông Bắc đã tiến hành điều tra, đánh giá đặc điểm ngoại hình, hiện trạng về tình hình chăn nuôi gà Bang Trới tại 10 xã của huyện Hoành Bồ. Đồng thời tuyển chọn 100 con gà giống tại các xã Đồng Lâm, Lê Lợi, Vũ Oai mang đặc trưng điển hình nhất về nhân thuần. Ở thế hệ thứ 2, các nhà khoa học đang tiến hành nhân thuần 250 con gà giống mang đặc trưng của đàn gà thuần. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, chọn lọc nhân thuần tiếp thế hệ 3, 4 đàn gà Bang Trới, để gây dựng đàn gà giống gốc, sản xuất và cung cấp gà bố mẹ, gà thương phẩm. Bà Mai Thị Thanh Nga, giảng viên Trường Cao đẳng Nông lâm Đông Bắc, thư ký đề tài, cho biết: Nguồn gen gà Bang Trới bị lai tạp, thoái hoá giống nên việc nhân thuần cũng gặp nhiều khó khăn. Đồng thời tình hình trên đàn nuôi bảo tồn cũng hay mắc các bệnh phân xanh, phân trắng, hen... Tuy nhiên, chúng tôi đang tích cực thực hiện các nội dung nhân thuần gà Bang Trới. Dự kiến đầu năm 2018, đề tài sẽ xây dựng mô hình nuôi gà quy mô 2.000 con tại Hoành Bồ.

Trung tâm Khoa học kỹ thuật và Sản xuất giống thuỷ sản Quảng Ninh đã thực hiện điều tra, đánh giá hiện trạng phân bố, môi trường sống và khai thác nguồn gen sá sùng tại Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái. Hiện nay, Trung tâm đang tiến hành xây dựng mô hình lưu giữ nguồn gen trên diện tích 10ha tại xã Minh Châu, huyện Vân Đồn (từ tháng 4-2017 đến tháng 10-2018). Bà Lê Thị Hồng Hà, Chủ nhiệm nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen sá sùng, cho biết: “Trong thời gian tiếp theo của nhiệm vụ, chúng tôi mong muốn cơ quan quản lý tiếp tục quan tâm hướng dẫn, chỉ đạo để các nội dung trong nhiệm vụ được thực hiện theo đúng tiến độ một cách khoa học. Đồng thời thực hiện chuyển kinh phí sớm cho Trung tâm thực hiện các công việc tiếp theo của nhiệm vụ”. Bên cạnh đó, Trung tâm Khoa học và Sản xuất giống thuỷ sản Quảng Ninh còn được giao thực hiện nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen ngán (2016-2018), tu hài (2017-2019), ốc đĩa (2018-2020), hải sâm đen (2018-2020).

Đối với việc bảo tồn nguồn gen thực vật, Quảng Ninh tập trung bảo tồn một số cây dược liệu, như: Bảy lá một hoa, hoa tiên, bình vôi hoa đầu, trà hoa vàng, ba kích tím. Theo kế hoạch, bảo tồn các loại dược liệu bảy lá một hoa, hoa tiên, bình vôi hoa đầu, trà hoa vàng sẽ được thực hiện từ năm 2018. Còn cây dược liệu ba kích tím được giao nhiệm vụ cho Trung tâm Khoa học và sản xuất lâm nông nghiệp, thực hiện từ năm 2015-2020. Đến nay, Trung tâm đã tiến hành điều tra xác định đặc điểm lâm học, sinh thái và thu thập nguồn giống ba kích tím. Từ đó so sánh nguồn gen thu thập tại các tỉnh lân cận với Quảng Ninh, qua đó đánh giá chi tiết về hình thái, đa dạng di truyền, định danh loài, chất lượng ba kích tím. Bên cạnh đó, Trung tâm đã ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để thực hiện khoanh vùng bảo tồn tại chỗ 10ha ba kích tím tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (Vân Đồn), Khu Bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ thượng (Hoành Bồ). Đồng thời xây dựng mô hình chuyên canh 4ha cây ba kích tím bằng nguồn cây giống nuôi cấy mô. Trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục thực hiện tư liệu hoá nguồn gen, đồng thời giới thiệu, cung cấp, trao đổi nguồn gen và các thông tin liên quan cho tổ chức, cá nhân trong nước theo quy định của pháp luật.

Tin tưởng rằng, với việc tích cực quan tâm thực hiện bảo tồn nguồn gen thực vật, động vật, Quảng Ninh sẽ giữ được đa dạng sinh học, từ đó tiếp tục khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên theo hướng bền vững.

Nguyễn Hoa

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang