• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Biến đổi khí hậu không còn là chuyện xa vời

Nguồn tin: Báo An Giang, 14/03/2017
Ngày cập nhật: 15/3/2017

“10 năm trước, khi nghe nói đến biến đổi khí hậu (BĐKH), tôi cứ nghĩ đây là chuyện xa vời. Nay, đối mặt với tình trạng mưa, nắng bất thường, gây thiệt hại lớn đến cây trồng, vật nuôi, tôi nhận ra rằng, con người đang đối mặt với tình trạng BĐKH toàn cầu và sống “thích nghi” là điều bắt buộc…”- ông Trần Đức Trọng (xã Phú Long, Phú Tân) trần tình.

Mới đây, tại Hội thảo tham vấn “Xây dựng kế hoạch phục hồi dựa vào khả năng chống chịu để giảm thiểu tác động của Elnino và Lanina tại Việt Nam”, do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai phối hợp Cơ quan Thường trú của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam tổ chức, nhiều nhà khoa học đã thống kê thiệt hại do ảnh hưởng của tình trạng BĐKH là không hề nhỏ. Cụ thể, chỉ trong 2 năm 2015, 2016, tác động của hiện tượng thời tiết Elnino khiến 18 tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL phải hứng chịu hạn hán trên diện rộng, mặn xâm nhập làm ảnh hưởng đến cuộc sống khoảng 2 triệu người. Hiện tượng thời tiết bất thường đã gây thiệt hại trên 15.000 tỷ đồng. Riêng ở An Giang, BĐKH đã gây thiệt hại nặng trên các lĩnh vực đời sống xã hội, từ nuôi trồng thủy sản đến trồng lúa, hoa màu kể cả những hộ trồng hoa kiểng để bán trong dịp Tết Đinh Dậu vừa qua. “Mỗi năm, nhà vườn trồng hoa kiểng chỉ trông cậy vào mùa hoa Tết, vậy mà năm nay mưa bất thường đã làm cho cây mai trổ hoa trước Tết, đa phần nhà vườn thất thu…” - ông Mai Văn Tiếng, phường Mỹ Hòa (TP. Long Xuyên), chia sẻ.

Tình trạng khô hạn làm cho hệ thống kênh rạch thiếu nước phục vụ sản xuất

Gia đình ông Trần Đức Trọng (xã Phú Long, Phú Tân) là hộ chuyên trồng nếp để xuất khẩu. Trong 2 vụ sản xuất thu đông và đông xuân 2016- 2017 vừa qua, do mưa bão vào thời điểm nếp đang trổ bông và lúc sắp thu hoạch đã gây ra tình trạng nếp đổ ngã hàng loạt, làm ảnh hưởng đến năng suất rất lớn. Trước đây, bình quân mỗi công nếp cho năng suất từ 750kg đến 850kg/công thì 2 vụ sản xuất vừa qua, mỗi công chỉ thu hoạch được 350- 400 kg/công. “Nông dân vùng này đi Bình Dương để làm thuê rất nhiều. Tính chất bất thường của thời tiết trong 2 vụ sản xuất vừa qua khiến họ mất rất nhiều tiền của. Không chỉ có những hộ trồng nếp bị ảnh hưởng mà những hộ nuôi trồng thủy sản cũng cùng chung số phận. Thời tiết như vậy khiến cá lóc trong ao (sắp thu hoạch) chết hàng loạt, cá tra, cá nàng hai cũng vậy. Mỗi ao nuôi cá thiệt hại không dưới 500 triệu đồng. Thiệt hại 2 vụ liên tiếp, họ đã khánh kiệt, bỏ xứ ra đi…” - ông Trọng thông tin.

Trồng lúa, nuôi cá tra xuất khẩu là 2 ngành hàng mang tính chủ lực của tỉnh. Đối với cá tra, ngoài sự biến động thất thường của thị trường nhập khẩu, ngành này còn chịu tác động rất lớn của tình trạng BĐKH. Hiện tỷ lệ sống trong quá trình nuôi từ cá ương lên cá giống, từ cá giống lên cá thịt, có vụ chỉ còn ở mức 40%. Điều này có nghĩa trong quá trình nuôi, tỷ lệ thiệt hại lên đến 60%. Với tỷ lệ này, ngành hàng cá tra đang đối mặt với tình trạng thua lỗ, bởi giá thành sản xuất cao, trong khi giá xuất khẩu tăng không đáng kể. “Người nuôi cá tra rất sợ thời tiết biến đổi bất thường. Ban ngày trời nắng, nhiệt độ cao, trong khi ban đêm, trời mưa to, nhiệt độ ao nuôi xuống thấp, điều này cá rất dễ bị bệnh bởi thân nhiệt của cá không kịp thích nghi. Thực tế 2 năm qua, nhiều hộ đã bỏ hầm, đi Bình Dương kiếm sống vì không còn tiền trả ngân hàng…” - ông Nguyễn Văn Cảnh, hộ nuôi cá tra xã Vĩnh Thạnh Trung (Châu Phú), chia sẻ.

Đã đến lúc mỗi người dân cần có những hành động thiết thực nhằm góp phần phòng, chống tình trạng BĐKH diễn ra như hiện nay. Cụ thể, cần nhận thức rằng, ứng phó với BĐkH phải gắn liền với phát triển bền vững, hướng tới nền kinh tế các-bon thấp. Cần tiến hành đồng thời các hoạt động thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để ứng phó hiệu quả với BĐKH, trong đó ở thời kỳ đầu thích ứng là trọng tâm. nông dân cần nghiên cứu và thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp với điều kiện BĐKH. Cần hướng đến một nền nông nghiệp hữu cơ, sinh thái hơn là việc sử dụng vô tội vạ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học tràn lan như hiện nay.

“Trước mắt, từ nay đến thập niên 2030 - 2040, vùng ĐBSCL nên tập trung đẩy mạnh việc trồng, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn và hệ thống đê nhỏ ven biển; xây dựng những mô hình canh tác - sản xuất và sinh kế linh hoạt với sự thay đổi môi trường và khí hậu. Việc này sẽ ít tốn kém kinh phí hơn mà hiệu quả có thể không thua gì những công trình đê biển đồ sộ. Nghĩa là, chúng ta áp dụng linh hoạt các giải pháp phi công trình hơn là giải pháp công trình để thích nghi với tình trạng BĐKH …” - PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH, Đại học Cần Thơ, đề xuất.

MINH HIỂN

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang