• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ghi nhận 11 loài sinh vật ngoại lai xâm hại

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa, 03/03/2017
Ngày cập nhật: 4/3/2017

Việc hoàn thành đề tài “Đánh giá hiện trạng sinh vật ngoại lai trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và đề xuất biện pháp quản lý” đã góp phần ngăn ngừa, kiểm soát và quản lý các loài sinh vật gây hại.

Theo Tiến sĩ Lê Hoài Nam - Giám đốc Chi nhánh phía nam, Trung tâm Tư vấn công nghệ, thuộc Tổng cục Môi trường - chủ nhiệm đề tài, sinh vật ngoại lai là những loài không có nguồn gốc bản địa, nhưng khi thích nghi ở điều kiện sống mới sẽ sinh sôi nảy nở rất nhanh, phá vỡ thế cân bằng sinh thái, vượt khỏi tầm kiểm soát của con người và gây tổn thất rất lớn về đa dạng sinh học. Vì vậy, việc điều tra sinh vật ngoại lai rất cần thiết và cấp bách để quản lý.

Cây mai dương là loài ngoại lai xâm hại phát triển nhiều tại khu vực sông, suối trong tỉnh

Để thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã bố trí 15 tuyến, 135 điểm khảo sát, 60 ô tiêu chuẩn (kích thước 5m x 5m) đi qua 3 vùng sinh thái rộng lớn của tỉnh là: vùng cửa sông ven biển, vùng đồng bằng và vùng núi cao phía tây, có chiều dài hàng trăm kilomet. Đối với thực vật trên cạn và dưới nước, tập trung quan sát ghi nhận đặc điểm sinh cảnh, thành phần loài, nguy cơ xâm hại và nhận định, đánh giá mức độ xâm hại của từng loài ngoại lai. Đối với động vật, thực hiện thu thập thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước, nhằm thống kê các nguồn tài liệu về sự hiện diện của các loài động vật ngoại lai xâm hại nằm trong danh mục do Việt Nam ghi nhận. Đối với các loài khó xác định như: côn trùng, vi khuẩn, nấm thì ghi nhận sự hiện diện của các loài này thông qua tài liệu các ngành ở địa phương, kết hợp quan sát, phỏng vấn về bệnh hại trong các vườn cây ăn quả, nương rẫy, ao nuôi, trang trại...

Sau 2 năm triển khai (2015 - 2016), nhóm nghiên cứu đã ghi nhận: về thực vật có 5 loài ngoại lai xâm hại là: cỏ lào (tên khoa học Chromolaena odorata), trinh nữ móc (Mimosa diplotricha), mai dương (Mimosa pigra), ngũ sắc (Lantana camara) và lục bình (Eichhornia crassipes); 3 loài thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại là: keo giậu (Leucaena leucocephala), tuy-lip châu Phi (Spathodea campanulata) và cỏ cứt lợn (Ageratum conyzoides). Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện các loài thực vật ngoại lai xâm hại khác, không nằm trong danh mục của Thông tư liên tịch số 27/2013 là: cỏ tranh (Imperata cylindrica), cúc xuyến chi (Weledia trilobata) và bìm Bois (Merremia boisiana - một loại dây leo).

Về động vật, ghi nhận 3 loài ngoại lai xâm hại là: rùa tai đỏ (Trachemys scripta elegans), cá tỳ bà lớn (Pterygoplichthys pardalis), cá ăn muỗi (Gambusia affinis); 2 loài có nguy cơ xâm hại là: cá trê phi (Clarias gariepinus) và cá rô phi đen (Oreochromis mossambicus). Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn ghi nhận 3 loài động vật không xương sống ngoại lai xâm hại là: ốc bươu vàng (Pomacea canaliculata), ốc sên châu Phi (Achatina fulica) và bọ hại dừa (Brontispa longissima).

Bên cạnh việc điều tra tình hình các loài ngoại lai xâm hại và có nguy cơ xâm hại, nhóm nghiên cứu còn phát 500 phiếu phỏng vấn cộng đồng. Qua đó, nhận thấy nhận thức của cộng đồng về sinh vật ngoại lai còn nhiều hạn chế: 86% chưa biết đến sinh vật ngoại lai; 90% chưa biết ảnh hưởng của sinh vật ngoại lai đối với môi trường, thậm chí nhiều người còn cho rằng một số loài ngoại lai xâm hại là thức ăn, đối tượng nuôi trồng của kinh tế hộ nên chưa có biện pháp tiêu diệt.

Từ kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu đề xuất đưa cây keo giậu, cỏ cứt lợn vào danh mục xâm hại ở tỉnh, vì mức độ xâm lấn hiện nay tại Khánh Hòa khá cao; đồng thời đề nghị xếp bìm Bois, rùa tai đỏ, cá ăn muỗi vào loài có nguy cơ xâm hại ở tỉnh. Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất các giải pháp quản lý, kiểm soát sinh vật ngoại lai trên địa bàn tỉnh thông qua những biện pháp tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cộng đồng về sinh vật ngoại lai; ngăn chặn sự xâm nhập các loài ngoại lai xâm hại và có nguy cơ xâm hại bằng tăng cường khung pháp luật; các giải pháp tổng hợp (tuyên truyền, kiểm tra, kiểm dịch, cơ chế phối hợp…); các giải pháp kỹ thuật kiểm soát, tiêu diệt các loài ngoại lai…

Bà Đỗ Thị Hoàng Dung - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường: Đánh giá, khảo sát sinh vật ngoại lai là nhiệm vụ tỉnh giao cho sở chủ trì; Trung tâm Tư vấn công nghệ, thuộc Tổng cục Môi trường là đơn vị thực hiện. Kết quả nhiệm vụ đã được UBND tỉnh phê duyệt, nghiệm thu, giao Sở Tài nguyên và Môi trường sử dụng, công bố kết quả trên website của Sở Tài nguyên và Môi trường; đồng thời chuyển giao kết quả cho các sở, ngành, địa phương liên quan phục vụ công tác tham mưu, quản lý.

V.L

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang