• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Xóm núi Cù Lao Ô Loan

Nguồn tin: Báo Phú Yên, 05/05/2016
Ngày cập nhật: 6/5/2016

Một góc mặt nước đầm Ô Loan viền dưới chân núi Cù Lao - Ảnh: H.NAM

Ô Loan là đầm nước lợ ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, có diện tích mặt nước hơn 1.200ha, chạy viền qua 5 xã ven đầm: An Cư, An Ninh Đông, An Hòa, An Hải, An Hiệp. Giữa đầm có những hòn núi đá nhỏ gọi là Hòn Chùa, Hòn Khô và núi Cù Lao nhưng chỉ có núi Cù Lao (xã An Cư), dân cư sinh sống từ lâu đời. Núi Cù Lao có 4 xóm nhà, đó là xóm Gõ, xóm Gò Giăng, xóm Đầu Mũi và xóm Vũng Trâu.

Từ xóm Chiếu (xã An Cư) đi theo đường bê tông chạy qua bờ Gò Khâu (tuyến đường xuyên qua đầm Ô Loan, nối xóm Chiếu với xóm Hòn Lao) khoảng 50m là đến ngã ba Cù Lao. Tại đây rẽ phải là đến xóm Gõ, khu vực này cư dân sống đông đúc nhất, dãy nhà cất nhô ra sát mé đầm hướng vào xã An Hiệp. Tiếp đến qua xóm Gò Giăng thì ta thấy xóm nhà “thượng” trên cao, dựa lưng vào vách núi hướng về xã An Hòa. Xuống xóm Đầu Mũi nơi núi đá chòm ra đầm thì xóm nhà hướng qua xã An Ninh Đông, An Hải. Vòng lại xóm Vũng Trâu, mặt nước đầm ăn sâu váo vách núi thì dãy nhà ngửa mặt ra cầu Long Phú của xã An Cư. Xóm nhà chạy viền dưới chân Hòn Lao nhìn ra các xã, vì vậy dạo quanh Cù Lao giáp vòng cũng như đi qua 5 xã ven đầm.

Theo nhiều người dân quanh vùng, sở dĩ xóm nhà ở núi Cù Lao có tên gọi khác thường là vì mỗi địa danh đều gắn với sự tích lâu đời tại vùng đất này. Đối với xóm Gõ, người dân ở đây chuyên làm nghề chài lưới, tối bơi sõng ra Vũng Lắm, Vũng Diều… mực nước sâu thả lưới, khi thả lưới xong thường dùng dầm gõ thành sõng đuổi cá chạy dính lưới nên gọi là xóm Gõ. Còn xóm Gò Giăng, hồi đó xóm nhà thưa thớt, người ở xa đi ngang qua thấy động gò trải dài nên gọi xóm Gò Giăng. Xóm Đầu Mũi hiện còn có mỏm đá nhô ra đầm giống như mũi chiếc sõng. Riêng xóm Vũng Trâu thì hồi đó đến mùa nắng nóng người dân quanh vùng lùa trâu về đây nằm bùn, sau này người dân mới làm hồ nuôi tôm.

Xóm nhà dưới chân núi Cù Lao đều quay mặt ra đầm. Thời gian qua, các loại hải sản trong đầm có năm xuất hiện nhiều, có năm vắng bóng, thế nhưng hải sản dù không có bán nhưng cũng có ăn. Xóm núi Cù Lao lại ở giữa đầm nên mỗi mùa hải sản xuất hiện trong đầm thì người dân xóm Cù Lao được “ăn trước” (phát hiện đánh bắt sớm) các loại hải sản như: Sò huyết, hàu sữa, tôm đất, sứa đầm, lịch huyết, cá bống...

Mùa sò huyết thường bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 5. Bắt sò huyết, phụ nữ quanh đầm mặc quần ống túm lội ra đầm dàn hàng ngang khu vực nước cạn gần bờ duỗi chân dưới bùn “rà”... Thấy cộm, họ dùng ngón chân cái và ngón trỏ kẹp lại đưa ra sau rồi với tay bắt bỏ trong thau nhôm. Sò huyết nổi tiếng là đặc sản ở đầm Ô Loan vì có vị ngọt, thịt dai, giòn, bổ dưỡng. Chị Đỗ Thị Mai, một người dân Xóm Gõ, cho hay: Những tháng sò huyết xuất hiện, không ngày nào chân chúng tôi không duỗi bùn. Thế nhưng thời gian gần đây, sò huyết bị mất mùa.

Đến xóm Gò Giăng chúng tôi tìm hỏi mùa sinh sản con hàu sữa, chị Lê Thị Ngọc Trinh, một người dân ở đây đang be lại bờ đá của hồ nuôi cua, chia sẻ: Qua mỗi mùa mưa lũ, con hàu bắt đầu “rạy” (hình thành), con nhỏ bằng hạt sạn, đầu đũa, sau đó lớn dần bám dày trên bờ đá, đu trên những cây tre đóng chấn. Người dân ở xóm núi Cù Lao dùng rựa trành (rựa cùn) dạt bỏ vào bao mang về rồi cần mẫn ngồi dùng dao cạy tách vỏ lấy thịt đem bán. Vỏ hàu cứng như đá nên nghề cạy vỏ hàu “trầy da tróc vảy”. Làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm, người dân quanh xóm lui cui cạy hàu trước hiên nhà trong những đêm dài. Tối đến, nhà nào cũng bật điện thắp suốt đêm, nhìn từ xa xóm núi Cù Lao như phố nhỏ nổi trên đầm Ô Loan.

Len lỏi qua Đầu Mũi, chúng tôi hỏi thăm về mùa bắt tôm đất, ông Trần Quyên lật úp chiếc sõng câu, lui cui rà chỗ mấy lỗ thủng trét dầu hắc, xởi lởi: Ở đây phụ nữ tay yếu chân mềm mưu sinh bắt những con “hàng nằm” như hàu, sò, còn đàn ông sức dài vai rộng bắt con bơi lội, rong ruổi. Năm ngoái, tôm đất xuất hiện nhiều trở lại. Đêm, tôi bơi sõng câu (xuồng nhỏ) ra giữa đầm chỗ Vũng Lắm nằm chếch về phía đông xóm Cù Lao chong đèn dầu đóng chấn bắt tôm. Bơi sõng đến nơi toàn gặp người quen, đàn ông ở các xã An Hiệp, An Hòa ven đầm cũng ra đây mưu sinh. Có hôm trúng tôm đựng đầy thúng gánh nước. Những năm gần đây tôm đất hụt dần, có đêm đóng chấn “mót” vài lạng tôm đất. Tuy nhiên một tín hiệu vui là năm qua, ngành chức năng thả con giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trong đầm, đồng thời nâng cấp cơ sở hạ tầng hỗ trợ đa dạng hóa vùng nuôi.

Con đường dài 3km chạy vòng trước xóm nhà dưới chân núi Hòn Lao, mới đây được Ban Quản lý dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (thuộc Sở NN-PTNT Phú Yên) bê tông hóa phẳng phiu, thoáng đãng. Từ ngày tuyến đường chính được đổ bê tông, nhiều gia đình cũng làm đường bê tông nối rẽ vô cổng nhà, xóm nhà nơi đây “sang” hẳn ra.

Từ ngày được bê tông, kè vùng này không còn sạt lở. Con đường đẹp đi giáp vòng, được người dân ở đây ví là “mặt tiền” xóm Cù Lao. Ông Trần Khả Trọng, quê ở xã An Chấn ra Vũng Trâu làm nghề nuôi cua, tôm, khi địa phương mở rộng thi công tuyến đường “mặt tiền”, ông tiên phong trong việc hiến đất làm đường. “Hồ nuôi tôm, cua của tôi sát mặt đường, khi xã vận động tôi sẵn sàng hiến chiều rộng 1m, dài 50m. Từ ngày có con đường, không chỉ mình đi lại thuận lợi mà bà con trong xóm đều vui” - ông Trọng nói.

Người dân xóm núi Cù Lao sống ở giữa đầm nhưng có người lại làm ruộng. Bà Phan Thị Hiền ở xóm Vũng Trâu nhưng lại làm ruộng xâm canh bên kia cánh đồng Gò Bùn (xã An Cư). Nhà cách xa ruộng nên đến mùa gieo sạ lúa, bà nhờ người quen làm ruộng bên đó thăm nom lấy nước giùm, có hôm be thêm bờ ruộng giữ nước. Từ lúc có con đường bê tông thì việc vận chuyển lúa, rơm rạ càng thuận lợi hơn. “Lúc trước con đường qua xóm nhà nhỏ hẹp nên đến mùa thu hoạch, xe chở rơm qua khỏi xóm Chiếu rồi chúng tôi phải gánh về, nay xe chạy thẳng vô tới nhà lại còn vòng ra tận sau hè”- bà Hiền nói.

Ông Tiếu Văn Cừ, Chủ tịch UBND xã An Cư, cho biết: Xóm nhà ở núi Cù Lao có trên 100 hộ dân sống từ lâu đời. Tuyến đường đi quanh Cù Lao được đầu tư từ dự án Nâng cấp cơ sở hạ tầng hỗ trợ đa dạng hóa nuôi trồng thủy sản do Ban quản lý dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững làm chủ đầu tư. Dự án triển khai nâng cấp bằng bê tông xi măng vừa được nghiệm thu kỹ thuật. Việc đầu tư tuyến đường này nhằm đảm bảo giao thông thuận lợi cho vùng nuôi thủy sản sò huyết, hàu… ven đầm Ô Loan.

MẠNH HOÀI NAM

Các tin khác

27/12/2016
27/12/2016
16/12/2016
10/12/2016
2/12/2016
1/12/2016
1/12/2016
29/11/2016
28/11/2016

 

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18

Các tin cũ: năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang