• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phú Yên: Tăng cường bảo vệ môi trường vùng biển ven bờ

Nguồn tin: Báo Phú Yên, 01/12/2016
Ngày cập nhật: 2/12/2016

Nuôi trồng thủy sản cũng dẫn đến ô nhiễm môi trường nước biển ven bờ - Ảnh: ANH NGỌC

Hiện môi trường biển ven bờ và các sông, đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Phú Yên bị ô nhiễm và việc khai thác hủy diệt đã làm nhiều loài thủy sinh suy giảm, cạn kiệt. Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường biển, UBND tỉnh đã có chỉ thị tăng cường công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng biển ven bờ trên địa bàn tỉnh.

Nguồn lợi thủy sản suy giảm

Phú Yên có bờ biển dài khoảng 189km, rất thuận lợi để phát triển các ngành công nghiệp, thương mại, du lịch, đặc biệt là đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, việc khai thác bất hợp lý tài nguyên ven biển đã và đang gây ra nhiều vấn đề lớn. Đó là tình trạng khai thác cạn kiệt nguồn lợi thủy sản ven bờ, nhiều hệ sinh thái biển như san hô, cỏ biển… bị khai thác hoặc phá hủy do các hoạt động neo đậu tàu thuyền, nuôi trồng và khai thác thủy sản. Tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng tại nhiều vùng nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là tại các đầm, vịnh đang ở mức báo động. Chất thải từ các hoạt động sản xuất, dân sinh và du lịch không được thu gom, xử lý kịp thời đã gây ảnh hưởng lớn đến môi trường ven biển. Theo kết quả điều tra của Sở TN-MT, từ năm 2013-2014, vùng biển ven bờ Phú Yên có hơn 1.310 loài thủy sản, trong đó cá là loài có số lượng nhiều nhất. Riêng diện tích cỏ biển khoảng 555ha, tập trung ở đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài, đầm Ô Loan và vùng ven biển thuộc các thôn Vịnh Hòa (xã Xuân Thịnh, TX Sông Cầu), Mỹ Quang Bắc (xã An Chấn, huyện Tuy An). Hiện một số loài thủy sản bị suy giảm, diện tích các thảm cỏ biển đang bị thu hẹp dần do sự xâm lấn của các ao nuôi thủy sản và môi trường ô nhiễm cục bộ ở một số khu vực.

Ông Trần Trung Trực, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT), cho biết: Tại các thôn Hòa Mỹ, Hòa Thạnh, Hòa Lợi (xã Xuân Cảnh, TX Sông Cầu) thuộc đầm Cù Mông và các khu vực từ xã An Hiệp đến An Hòa (huyện Tuy An) thuộc đầm Ô Loan, cỏ biển chỉ còn phía bên ngoài khu vực ao nuôi thủy sản. Trong khi đó, phần lớn rừng ngập mặn cũng mất đi do phát triển nuôi trồng thủy sản khu vực biển ven đầm, vịnh. Đây là một mất mát lớn vì khó khôi phục lại những rừng ngập mặn, cỏ biển đã mất và sẽ ảnh hưởng đến một số loài thủy sinh quý hiếm.

Khảo sát của Sở TN-MT cho thấy ô nhiễm nguồn nước do nhiều nguyên nhân, hiện vùng biển ven bờ dần xấu đi do ô nhiễm nhiều loại nguồn thải. Sự ô nhiễm môi trường nước từ nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, sự mất cân bằng sinh thái trong phát triển nông nghiệp, hay các hoạt động khai thác khoáng sản, khai thác rừng trái phép đã làm cho môi trường nước trên các sông, đầm, vịnh mất cân bằng sinh thái, giảm đa dạng sinh học, giảm số lượng loài trong tự nhiên. Các loài thủy sinh hấp thụ chất độc trong nước, lâu ngày gây biến đổi trong cơ thể, gây đột biến gen, tạo nhiều loài mới hoặc làm cho nhiều loài thủy sinh chết. Chất lượng nước biển ven bờ, hiện có dấu hiệu ô nhiễm kim loại nặng, hàm lượng này tại hầu hết các điểm quan trắc đều vượt quy chuẩn cho phép. Hoạt động nuôi trồng thủy sản mang tính tự phát, không theo quy hoạch tại các đầm, vịnh ven biển, cửa sông, nguồn nước thải sau vụ nuôi thải trực tiếp ra môi trường chưa qua xử lý cũng góp phần làm ô nhiễm môi trường nước, bùng phát dịch bệnh gây thiệt hại về kinh tế và môi trường.

Đẩy mạnh quản lý

Theo Sở TN-MT, các hệ sinh thái rừng ven biển trong 5 năm trở lại đây bị tác động mạnh, đa dạng loài và nguồn gen có khả năng suy giảm. Nguyên nhân do chuyển đổi mục đích sử dụng thiếu quy hoạch, khai thác và sử dụng không bền vững tài nguyên sinh học, ô nhiễm môi trường và quản lý còn nhiều bất cập. Hiện trạng môi trường trên địa bàn tỉnh còn nằm trong tầm kiểm soát, chưa đến mức báo động, công tác quan trắc, dự báo môi trường được quan tâm, tần suất quan trắc được duy trì, đảm bảo khả năng kiểm soát. Tuy nhiên, tại một số điểm ở hạ lưu các con sông nơi tiếp nhận nước thải tổng hợp từ đô thị, sinh hoạt, hoạt động nông nghiệp… có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ về hữu cơ, vi sinh vào mùa khô và mùa mưa. Ông Trần Sáu, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, cho rằng: Các ngành chức năng và địa phương cần bảo vệ diện tích rừng ngập mặn còn sót lại ở ven đầm Ô Loan nhằm giữ vùng đệm tự nhiên giữa hai môi trường nước lợ và nước ngọt đồng thời bảo vệ một số nguồn lợi sinh vật quan trọng như cua xanh, cua huỳnh đế, sò huyết… và các loài chim nước về cư trú. Ngành chức năng cũng cần bảo vệ các thảm cỏ biển ở đầm Ô Loan, nơi tái tạo tài nguyên thủy sinh và mang lại nguồn lợi thủy sản….

Ông Nguyễn Như Thức, Giám đốc Sở TN-MT thông tin, sở đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương liên quan rà soát, điều chỉnh các quy hoạch của ngành, địa phương mình quản lý phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Tỉnh cũng cần xây dựng chính sách hỗ trợ các đơn vị thu gom rác thải trên địa bàn (đơn vị tư nhân), khuyến khích sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, các chương trình nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới về bảo vệ môi trường, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp và xử lý chất thải. Phú Yên cần đưa nội dung bảo vệ môi trường vào cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa vào tiêu chuẩn thi đua; đồng thời nhân rộng các mô hình tiên tiến trong hoạt động bảo vệ môi trường. Các ngành chức năng và địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra liên ngành, giám sát chặt chẽ và thường xuyên các hoạt động bảo vệ môi trường.

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN-MT phối hợp với các sở, ngành và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường; đồng thời kiểm tra, kiểm soát các nguồn thải trực tiếp gây ô nhiễm, làm suy thoái môi trường vùng biển ven bờ. UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở NN-PTNT và các địa phương rà soát quy hoạch nuôi trồng thủy sản, kiên quyết xử lý tình trạng nuôi trồng thủy sản trái phép, tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác, đánh bắt thủy sản hủy diệt gây suy giảm nguồn lợi và tính đa dạng sinh học của biển.

ANH NGỌC

Các tin khác

27/12/2016
27/12/2016
16/12/2016
10/12/2016
2/12/2016
1/12/2016
1/12/2016
29/11/2016
28/11/2016

 

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18

Các tin cũ: năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang