• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Matsuo đi làm nông dân ở cao nguyên phương xa

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 28/04/2016
Ngày cập nhật: 29/4/2016

Trang trại này trồng hoa, và duy nhất một loài: hoa Cúc. Chủ trang trại không phải người Cill bản địa, cũng không phải người Việt, mà là người Nhật, nghĩa là đến từ đất nước hải đảo xa xôi. Ông chủ vừa ngoài ba mươi tuổi này lặng lẽ như cái trang trại của mình trong cái thung lũng Darahoa của xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng của Việt Nam kia…

Cận cảnh khuôn mặt Matsuo và hoa cúc

Anh ta có vẻ bí ẩn. Người Cill ở làng Darahoa thấy anh ta hay đi về một mình với thung lũng đây. Anh ta sống trong căn biệt thự bé xinh cất ngay trong trang trại của mình. Biệt thự cất là để có chỗ chui vào chui ra, để làm nông, chứ không phải để nghỉ dưỡng. Anh ta tự đi chợ, nấu ăn, giặt giũ và… điều hành cái trang trại này. Dáng dấp và phong thái không khác gì nông dân xứ ta, ăn mặc cũng vậy; chỉ có điều bên trong là nội lực, trí tuệ và cách thức làm nông của nông dân đến từ một nước văn minh, có nền nông nghiệp tiên tiến thượng hạng thế giới bây giờ. Quái chiêu hơn, anh ta mời một Cử nhân văn chương trẻ ở Đà Lạt để làm trợ lý, và làm quản đốc cho mình. Anh ta tự tin sẽ đào tạo anh chàng văn chương này thành chuyên gia hoa cúc, “kỹ sư nông nghiệp”. Ta quen nghe thấy người Nhật sang Việt Nam để đầu tư sản xuất xe hơi, xe máy, đồ xa xỉ, điện tử thì anh ta đi làm nông. Tôi bảo anh ta như thế là “chịu chơi”. Anh ta bảo rằng, nông nghiệp là một ngành kinh tế, nó cũng mạnh mẽ, sang trọng, hấp dẫn và dễ kiếm tiền.

Dòng họ của anh ta ở xứ Amaterasu Omikami (Nữ Thần Mặt Trời - biểu tượng cội nguồn của dân tộc Nhật) đã ba đời trồng hoa cúc, và anh là đời thứ tư. Cúc là loài hoa yêu thích và cắm dùng chính hàng ngày của người Nhật mà. Anh ta đi thẳng đến Đà Lạt để trồng hoa, đến lần đầu, đơn giản vì Đà Lạt đã quá nổi tiếng, và sự mát mẻ, tốt lành của nó anh đã biết trước qua thông tin trên mạng lâu nay rồi. Có anh bạn người Việt mới quen khi anh đặt chân đến Đà Lạt đã chỉ cho anh ta chỗ thung lũng này đây. Anh ta thuê đất của một nông dân tại chỗ để trồng hoa ngay mà không cần nghĩ đến chuyện được giao đất, lập dự án, như một nhà đầu tư nước ngoài thường thấy. Nông dân Việt kia của ta canh tác đã lâu ở thung lũng này, nhưng gặp anh nông dân Nhật thuê thì cho thuê ngay để kiếm tiền nhiều mà khỏi phải lao động. Đất thì thuê của nông dân nước người, nhưng doanh nghiệp để hoạt động đúng lề phép nước người thì vẫn lập đàng hoàng: Công ty Marine Viet Nam Agri Farm. Và cái tấm biển đề tên đó vẫn đặt lên giữa chốn hoang vu này, trước lối vào trang trại. Hoa trồng ở đây không cần giành thị trường, cạnh tranh với nông dân hay bất cứ doanh nghiệp nào của địa phương. Mọc lên từ chỗ đây, trổ bông thì nó đưa thẳng một mạch sang Nhật. Nhưng theo lời anh, cái khó khăn nhất không phải thổ nhưỡng, khí hậu, cách để “hiểu” thiên nhiên, mà là văn hóa, ngôn ngữ, con người xứ ta, cách thức để làm việc với họ suôn sẻ, trôi chảy, êm ái, hiệu quả nhất. Và hình như anh cũng đã giải mã được điều đó. Anh ta đang học tiếng Việt, và tiếng Cill, đã bắt đầu nói được chút chút rồi. Thật dễ thương. Và ở nông trại này ánh mắt nào trông cũng trìu mến về anh ta.

Trang trại ra đời mới ba năm mà cứ thấy như đã lâu lắm rồi. Mọi thứ ổn định vững chắc, vận hành đồng điệu như cỗ máy ở từng khâu, bộ phận, từ những khu làm giống, đến khu phát triển bông, hồ nước sạch, xe cày, lưới điện, đường nước tưới tự động, đèn chiếu sáng cho hoa, hệ thống điều khiển dinh dưỡng cho cây bằng máy tính, nhà nghỉ nhân công, đóng gói… Dĩ nhiên toàn bộ qui trình trồng hoa này là của Nhật. Tôi đang như trong nền nông nghiệp Nhật, đang ở nước Nhật. Nhưng anh ta nói với mấy chục công nhân của mình là nông trại này, công ty này hoạt động theo mô hình gia đình. Nghĩa là thực chất, hiệu quả, tinh gọn, ấm cúng, tình thương, và không cần phô trương. Hoa sản xuất ra từ đây cứ mỗi tuần đưa về Tp.HCM dưới kia để lên tàu sang trung tâm đấu xảo hoa Osaka ở Nhật. Anh chỉ việc trồng, vì bán đã thiết lập sẵn với bạn bè từ lâu ở nơi anh từng học đại học nông nghiệp là thành phố Osaka đó bán. Ba năm nay, mỗi tuần hai chục ngàn cành sang Nhật. Tiền từ Osaka sẽ chảy ngược qua Việt Nam cho anh qua hệ thống tài chính điện tử quốc tế.

Tôi hỏi có khác nhau giữa trồng cúc ở Nhật và trồng cúc ở Việt Nam? Với đặc tính trung thực của người dòng dõi tinh thần võ đạo - dám cả Harakiri (xả thân, thể hiện sự dũng cảm, trung thành, và bảo vệ danh dự qua hành động tự mổ bụng trong truyền thống xưa kia) mà anh rằng “Hoa cúc vẫn là hoa cúc. Đất đai, khí hậu có khác thì cũng tìm cách mà hiểu đất đai và khí hậu để trồng được hoa. Và đã học trồng trọt ở đây từ những người dân tộc thiểu số, người Việt trong vùng.” Anh ta nói thêm: “Rồi kết tri thức Nhật của mình vào hiểu biết của người tại chỗ”. Tuổi ba mươi mà nhận thức chín nồng hơn cả những đóa hoa rực rỡ mà ánh mắt tôi đang lướt qua những luống hoa của nông trại giữa thung lũng Darahoa.

Tôi hỏi anh ta tự dưng sang Việt Nam trồng hoa thế này có “xin phép” cha mẹ không. Anh ta bảo, đàn ông là phải làm theo ý mình. Không cần hỏi anh vốn đầu tư được thế này, tôi cũng biết nó từ hoa cúc.

Một mình trong heo hút ở thung lũng luôn ngập sương hoang vắng đó, người mạnh mẽ lắm mới không lay động được những nỗi niềm con người. Thế mà gặng hỏi mãi tâm tư, anh ta mới chịu nói ra: “Cũng nhớ nhà!”. Nhà thì ở tít ngoài Thái Bình Dương, chỗ đất ngoại ô của cố đô Kyoto, nước Nhật.

Matsuo trong những “Farm” hoa cúc vào kỳ thu hoạch

Hôm tôi từ biệt thung lũng cô độc của anh lúc trời vào xế chiều, anh ta vẫn đi vòng quanh các “Farm” - những khu trồng hoa trong các dãy nhà kính. Anh trợ lý người Việt xuất thân dân học văn chương đó cho hay, có một nhà đầu tư lớn của Nhật đang đổ vốn để thực hiện dự án trồng ba mươi hécta hoa ở vùng Đạ Đờn, huyện Lâm Hà đã mời anh ta liên kết và làm CEO (Tổng giám đốc) cho liên doanh này. Dự án trồng hoa khổng lồ này đang chuẩn bị triển khai, nó ở cách trang trại khởi đầu của anh chín mươi lăm cây số. Anh ta nói dù dự án kia có hình thành thì nông trại ở thung lũng Darahoa, xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương này vẫn cứ tiếp tục tiến lên, phát triển, bởi anh yêu nó.

Chiều qua, tôi rẽ vào cà phê Harazuki ở Chi Lăng (Đà Lạt) để tiếp tục mơ mộng thì thấy anh ta vẫn ăn mặc như khi ở trang trại đang cưỡi chiếc xe máy lướt qua. Hai mươi lăm cây số để anh ta từ đó ra tới đây đấy. Chắc anh ta ra rút tiền, hoặc đi siêu thị Big C (siêu thị tử tế duy nhất ở Đà Lạt) để mua thực phẩm về trữ trong tủ lạnh mà sống, vì ở thung lũng trong rừng kia làm gì có trụ ATM hay siêu thị, và còn nhớ hôm nọ anh nói sống ở đó cái khổ duy nhất với mình là không có giao dịch, xa chợ.

TPP nó đến thì nó đến, cơ hội tự nhiên, thuận lợi và tốt đẹp hơn cho nông nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam, cho hoa, và cho anh ta. Chứ mục đích đời anh ta là chỉ trồng hoa, và chỗ nào đất trời tốt thì đến mà trồng thôi. Bởi hoa đẹp thì có bao giờ không người mê thích đâu mà lo. Nhưng nên nhớ, như triết lý đóng đinh của anh ta, vấn đề là hoa phải đẹp hơn hoa của người.

Như anh hay tâm sự với người trợ lý Trần Văn Lâm, mục tiêu có mặt ở Đà Lạt của anh là “để mang những cành hoa đẹp nhất về Nhật Bản”. Dĩ nhiên cùng đó, tạo chút ít việc làm cho người Việt Nam, và đóng góp thuế để dựng xây đất nước bạn bè tin cậy đặc biệt này của nước Nhật. Người vợ mới cưới của anh ở Kyodo kia không biết có rung tim lên, mong điều ấy.

Anh ta tên là Matsuo.

Bút ký: NGUYỄN HÀNG TÌNH

Các tin khác

27/12/2016
27/12/2016
16/12/2016
10/12/2016
2/12/2016
1/12/2016
1/12/2016
29/11/2016
28/11/2016

 

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18

Các tin cũ: năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang