• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tây Nguyên: Đồng khô, người khát

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng, 04/03/2016
Ngày cập nhật: 5/3/2016

Mới đầu mùa khô nhưng Tây Nguyên đã bị hạn hán nghiêm trọng. Nhiều hồ thủy lợi trơ bùn, cây cối chết khô, giếng nước cạn đáy, người dân nhiều khu vực phải thức trắng đêm để “mót” nước cứu cây trồng.

Hồ thủy lợi trơ đáy

Trên cánh đồng ở buôn Bét, xã Dun (huyện Chư Sê, Gia Lai), nhiều ruộng lúa đã bị cháy khô, đất nứt nẻ. Thống kê của ngành chức năng tỉnh Gia Lai cho thấy, mực nước ở các hồ đập năm nay thấp hơn các năm trước từ 1m - 6m, làm giảm năng lực tưới. Hiện diện tích cây trồng bị hạn lên tới 2.900ha, trong đó có 850ha lúa nước, tập trung nhiều ở các huyện Chư Sê, Chư Pưh…

Suối Ia Châm chảy qua xã Ia Tô (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) cạn khô, nông dân tranh thủ vét một ít nước còn lại để cứu cà phê

Tại huyện Cư Mgar (tỉnh Đắk Lắk), nhiều hộ dân phải ra rẫy mắc võng canh nước tưới cà phê. Hai chiếc máy bơm đang dí vòi xuống đáy hồ Ea Nhuôl (xã Ea Drơng) để mót những giọt nước còn lại. Sau 15 phút, nước cạn, chủ máy phải dùng cuốc xẻng đào sâu lớp bùn rồi ngồi võng chờ nước ngầm chảy ra để bơm tiếp. Họ làm thế cho đến khi không thể vét được giọt nước nào thì tháo máy chở đi.

Anh Y Tuct Ktul (buôn Kroa, xã Ea Drơng) có 5 sào cà phê, lắc đầu: “Mọi năm, mình tưới xong đợt 3 thì hồ mới khô. Nay chưa kịp tưới đợt 2 thì đã hết nước, giờ chỉ biết cầu trời đổ mưa thôi!”. Ngoài hồ Ea Nhuôl, huyện Cư Mgar còn có 2 hồ khác đang trơ đáy là hồ Buôn Jun (xã Ea Kuêh) và hồ Ea Nhuôi (xã Cư Dliê M’nông).

Trên toàn tỉnh Đắk Lắk, mực nước các sông so với cùng kỳ trung bình nhiều năm đang ở mức rất thấp, thiếu hụt phổ biến từ 50% - 70%. Mực nước ngầm cũng thấp hơn cùng kỳ năm 2015 khoảng 3 - 6m. Một số vùng do khoan giếng để khai thác nước ngầm tầng sâu đã làm lượng nước ngầm ở tầng nông giảm mạnh hoặc không còn nước. Toàn tỉnh 770 công trình thủy lợi vừa và nhỏ (599 hồ chứa, 56 trạm bơm, 115 đập dâng) và dự báo đến cuối tháng 3-2016, khoảng 250 hồ chứa sẽ khô cạn và nhiều trạm bơm phải “thất nghiệp”, thậm chí nhiều vùng không còn nước ngầm để khai thác. Hạn hán cũng đã làm 189ha lúa và 755ha cà phê thiếu nước tưới; gần 2.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Tình hình khô hạn cũng đe dọa nhiều diện tích cây trồng tại các tỉnh Kon Tum, Đắk Nông và Lâm Đồng.

Tại Kon Tum, từ cuối năm 2015 đến nay, mực nước trên các nhánh chính của sông Sê San liên tục đạt thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 0,5 - 1,5m. Lưu lượng nước trên các sông cũng liên tục duy trì ở mức thấp hơn trung bình cùng kỳ nhiều năm từ 35% - 65%. Tổng cộng đã có 541ha cây trồng bị khô hạn, thiếu nước. Trong đó lúa là 458ha, cà phê và các cây trồng khác là 77ha. Còn tại các huyện Đắk Mil, Cư Jút (Đắk Nông), hạn hán đang chầu chực đe dọa “nuốt chửng” hàng trăm hécta cây trồng nơi đây khi các hồ đập như Đắc Ken (xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil), hồ Buôn Bua (xã Tâm Thắng) và hồ Chư Bu (xã Nam Dong, cùng thuộc huyện Cư Jút) trơ đáy.

Hồ Ea Nhuôl, xã Ea Drơng (huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk) cạn trơ đáy

Quyết liệt chống hạn

Ông Mai Trọng Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk, cho biết, ngay từ đầu mùa khô, UBND tỉnh đã thành lập các tiểu ban chỉ đạo chống hạn, xây dựng phương án phòng chống hạn; trong đó, khuyến cáo người dân nên gieo trồng ở những nơi có đủ nước. “Tỉnh đang dốc hết sức để chống hạn. Trước hết, ưu tiên nước sinh hoạt cho người, gia súc và gia cầm. Sau đó đến cây trồng có giá trị cao như cà phê, tiêu rồi mới đến cây lúa”, ông Dũng nhấn mạnh.

Ông Trần Văn Lực, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Kon Tum, cho biết, đơn vị thường xuyên trao đổi, phối hợp với các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, diễn biến hạn để triển khai các biện pháp chống hạn kịp thời. Các hộ dân phải sử dụng nước tiết kiệm, tránh lãng phí nguồn nước, tận dụng triệt để các nguồn nước để cứu cây trồng.

Còn tại Gia Lai, UBND tỉnh giao các địa phương tăng cường phối hợp với các đơn vị thủy nông để xác định khả năng cung cấp nước tưới của các công trình thủy lợi trên địa bàn, từ đó có những phương án bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp.Về lâu dài, cần xây dựng mô hình với các loại cây có khả năng chịu hạn. Tỉnh cũng giao Sở TN-MT, Sở Công thương đôn đốc, giám sát việc vận hành các hồ chứa của Công ty Thủy điện An Khê - Ka Nak, Công ty cổ phần Điện Gia Lai thực hiện nghiêm việc xả nước về hạ du trong mùa cạn theo quy định vận hành liên hồ chứa...

Theo tiến sĩ Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, do năm nay lượng mưa giảm 70% - 80% so với năm trước, cộng với ảnh hưởng của El - Nino nên hạn sẽ khốc liệt và kéo dài so mọi năm. Vì thế, các hộ dân cần sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước nhằm hạn chế nguồn nước thất thoát ra bên ngoài. Công nghệ này hiện được bán rất nhiều trên thị trường.

Hơn 2.800ha đất phải dừng sản xuất

Theo Bộ NN-PTNT, tại các tỉnh Tây Nguyên, diện tích cây trồng được tưới từ công trình thủy lợi chỉ đạt 30% diện tích canh tác. Hiện diện tích phải dừng sản xuất là hơn 2.800ha, trong đó Gia Lai hơn 2.650ha, Đắk Nông 215ha. Dự kiến, đến giữa tháng 3-2016, diện tích bị thiếu nước khoảng 180.000ha, tập trung nhiều ở các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông. Đối với cây công nghiệp lâu năm thì cà phê bị ảnh hưởng bởi khô hạn nhiều nhất. Hiện nay có hơn 1.100ha cà phê thiếu nước tưới đợt 2 và trên 11.200ha tiếp tục thiếu nước tưới. Dự báo đến cuối vụ có trên 100.000ha cà phê bị ảnh hưởng do hạn hán.

VÕ PHÚC

Các tin khác

27/12/2016
27/12/2016
16/12/2016
10/12/2016
2/12/2016
1/12/2016
1/12/2016
29/11/2016
28/11/2016

 

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18

Các tin cũ: năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang