• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu

Nguồn tin: Báo Quảng Ninh, 02/03/2016
Ngày cập nhật: 3/3/2016

Biến đổi khí hậu (BĐKH) không còn là câu chuyện xa xôi mà nó đã tác động trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân Quảng Ninh. Nông nghiệp là một trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi BĐKH và các loại hình tác động của BĐKH. Việc chủ động các giải pháp lâu dài để ứng phó với BĐKH đã và đang là vấn đề được ngành nông nghiệp quan tâm triển khai.

Nhiều diện tích mạ xuân tại TX Quảng Yên đã bị chết rét.

Nhìn lại hậu quả do BĐKH

Thời điểm này ở những năm trước, vải chín sớm ở xã Bình Khê, TX Đông Triều đang trong giai đoạn đậu quả. Tuy nhiên, năm nay hầu hết diện tích vải chín sớm của xã gần như không có hoa, cây nào có thì hoa cũng rất ít. Ông Phạm Văn Thành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Khê, cho biết: Xã Bình Khê hiện có trên 300ha vải thiều, trong đó khoảng 60ha vải chín sớm. Hàng năm, sản lượng vải chín sớm của xã luôn đạt khoảng 200 tấn, lại bán luôn được giá, doanh thu đạt từ 4,5 - 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, vải chín sớm năm nay nhiều khả năng giảm mạnh về năng suất và sản lượng do thời tiết không thuận lợi. Đúng thời điểm vải ra hoa thì gặp đợt rét đậm, rét hại, khiến hoa không đậu quả được.

Không chỉ nông dân Bình Khê, hàng trăm hộ dân trên địa bàn tỉnh cũng chịu thiệt hại nặng nề do đợt rét hại kéo dài vừa qua. Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh, đợt rét đậm, rét hại tháng 1-2016, không khí lạnh rất mạnh ảnh hưởng lớn đến thời tiết tỉnh Quảng Ninh, nhiệt độ trung bình dưới 8 độ C. Đặc biệt, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hiện tượng tuyết rơi phủ kín như trên 2 ngọn núi Cao Xiêm, xã Lục Hồn và Cao Ly, xã Húc Động (Bình Liêu); đỉnh chùa Đồng Yên Tử (TP Uông Bí). Đợt rét đậm, rét hại kỉ lục này đã tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân. Toàn tỉnh đã có 1.600 con gia súc, 4.154 con gia cầm bị chết, ảnh hưởng đến 487 hộ dân, ước tính thiệt hại 12 tỷ đồng; về thuỷ sản có 313 tấn cá bị chết, ước tính thiệt hại 27,7 tỷ đồng. Về cây trồng, đợt rét hại cũng đã làm 183ha lúa mới cấy, 2,6ha mạ, 40ha gieo sạ và hàng chục ha hoa màu bị ảnh hưởng.

Trước đó chưa lâu, đợt mưa lụt lịch sử cuối tháng 7-2015 với lượng mưa tập trung có ngày lên tới 800mm trên địa tỉnh Quảng Ninh đã gây thiệt hại lớn về người và của. Trong đó, riêng thiệt hại về sản xuất nông nghiệp đã lên tới 310,17 tỷ đồng với trên 4.800ha lúa, hoa màu bị ngập và hư hại; gần 1.500ha đầm nuôi trồng thuỷ sản bị ngập, hư hỏng trên 2.200 lồng bè; làm chết trên 8.800 con gia súc, gia cầm...

Có thể thấy, tình hình thời tiết, thiên tai diễn ra ngày càng bất thường, khó lường hơn và nông nghiệp là một trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi BĐKH. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như: Mưa lớn, nắng nóng, rét hại... diễn ra nhiều hơn. Riêng số lượng các đợt nắng nóng kéo dài bất thường đã tăng trong 10 năm vừa qua. BĐKH cũng đã làm tăng khả năng phát triển sâu bệnh, dịch bệnh, dẫn đến giảm năng suất và sản lượng trong sản xuất, tăng nguy cơ rủi ro đối với nông nghiệp, đặc biệt là các khu vực phát triển trọng điểm về nông nghiệp của tỉnh, như: Quảng Yên, Hải Hà, Đầm Hà và Đông Triều.

Giữa năm 2015, thời tiết nắng nóng kéo dài, độ mặn tăng cao đã khiến trên 500ha tôm nuôi trên địa bàn Móng Cái bị dịch bệnh. Trong ảnh: Người dân phường Hải Hòa, TP Móng Cái phun thuốc khử trùng ao nuôi. Ảnh: Phương Thuý

Chủ động ứng phó với BĐKH

Sau mỗi đợt thiên tai, dịch bệnh, việc tổ chức hỗ trợ, khắc phục thiệt hại chỉ là giải pháp tình thế để giúp nông dân khôi phục sản xuất. Song vấn đề đặt ra cho ngành nông nghiệp đó là cần có những giải pháp lâu dài để chủ động ứng phó với diễn biến khó lường và ngày càng không theo quy luật của thời tiết.

Những năm gần đây, cùng với việc tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vấn đề tổ chức sản xuất ứng phó với BĐKH cũng đã được ngành nông nghiệp tính đến. Đó là tích cực thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất, đẩy mạnh trồng, bảo vệ rừng, nâng tỷ lệ cơ giới hoá trong sản xuất lên trên 62%... Hiện ngành Nông nghiệp và các ban, ngành liên quan của tỉnh đang tích cực triển khai kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016 - 2020. Trong kế hoạch này, các yếu tố BĐKH cũng đã được lồng ghép vào các chương trình, quy hoạch, kế hoạch thuộc lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp. Đơn cử trong lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi), ngành nông nghiệp sẽ bổ sung thêm các giải pháp trong quy hoạch như: Bảo tồn giữ gìn các giống cây trồng bản địa, ứng dụng khoa học trong việc lai tạo giống mới năng suất cao thích ứng với điều kiện thiếu nước, xâm nhập mặn, chịu úng tại tỉnh Quảng Ninh. Nghiên cứu xây dựng chương trình chọn tạo, khảo nghiệm giống cây trồng mới thích ứng cho các vùng chịu ảnh hưởng bất lợi của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; quy trình kỹ thuật canh tác, nâng cao chất lượng đất, giảm diện tích đất thoái hoá, bạc màu. Bên cạnh đó, áp dụng các biện pháp canh tác trên đất dốc một cách khoa học, chống rửa trôi, xói mòn để giúp giảm nguy cơ sạt lở đất. Trong chăn nuôi, tích cực nghiên cứu lựa chọn giống cho phù hợp; áp dụng linh hoạt quy trình VietGAP; nhân rộng nhanh, mạnh mô hình Biogas trong chăn nuôi…

Cùng với đó, tỉnh sẽ giao ngành nông nghiệp triển khai một số dự án gắn với ứng phó với BĐKH, như dự án hỗ trợ phát triển phương thức sinh kế nuôi trồng thuỷ sản bền vững thích ứng với BĐKH tại Tiên Yên, kiểm định an toàn đập cho các hồ chứa vừa và lớn tỉnh Quảng Ninh, tăng cường trồng rừng ngập mặn, bảo vệ đê biển khu vực đảo Hà Nam...

Một trong những giải pháp quan trọng trong ứng phó với BĐKH được tỉnh và ngành Nông nghiệp tập trung triển khai đó là tăng cường trồng, bảo vệ rừng. Đặc biệt là phát triển hệ thống rừng ngập mặn ven biển nhằm phát huy vai trò là “lá chắn tự nhiên”, bảo đảm chống chịu được với thiên tai theo kịch bản BĐKH, nước biển dâng và xâm nhập mặn. Về trồng rừng, sẽ kết hợp bảo tồn thiên nhiên vào việc phát triển kinh tế cho người dân sống dựa vào rừng tại vùng cao. Trong đó tập trung vào việc tăng cường trồng rừng nâng cao độ che phủ rừng và chất lượng rừng, khuyến khích phát triển, tái sinh rừng tự nhiên, đặc biệt là tại khu vực đồi núi huyện Hoành Bồ, đông bắc Mông Dương và các lưu vực sông suối thuộc huyện Ba Chẽ, Bình Liêu, Hải Hà.

Phương Thuý

Các tin khác

27/12/2016
27/12/2016
16/12/2016
10/12/2016
2/12/2016
1/12/2016
1/12/2016
29/11/2016
28/11/2016

 

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18

Các tin cũ: năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang