• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

ĐBSCL: Chật vật đối phó với hạn mặn

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng, 26/01/2016
Ngày cập nhật: 27/1/2016

Do tác động của các hồ chứa thượng lưu, dòng chảy sông Mê Công về ĐBSCL khiến tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL diễn biến phức tạp. Ở nhiều vùng ven biển, nước mặn xâm nhập sâu và sớm hơn mọi năm, gây khó khăn cho sản xuất và đời sống. Nhiều khu vực nội đồng, đô thị… đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước ngọt cho sinh hoạt.

Dồn sức cứu lúa

Tính đến trung tuần tháng 1-2016, tỉnh Sóc Trăng có hơn 2.300ha lúa mùa và đông xuân bị ảnh hưởng do nhiễm mặn, trong đó hơn 780ha bị mất trắng, dù nông dân đã cố gắng làm đất sạ lại, bón thêm phân, thuốc dưỡng, nhưng vẫn thiệt hại trên 70% năng suất. Năm nay, nông dân vùng tôm lúa huyện Mỹ Xuyên xuống giống lúa mùa vượt hơn 11% kế hoạch, với trên 10.620ha. Ngoài 3.232ha đã thu hoạch, cho năng suất từ 4 - 6,5 tấn/ha, các diện tích còn lại chủ yếu đang làm đòng đến trổ, tuy vậy, đã có trên 480ha lúa bị ảnh hưởng do mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, trong đó 439ha bị mất trắng, diện tích còn lại cũng thiệt hại từ 20% - 50% năng suất. Một số xã của huyện Trần Đề đã có 1.834ha lúa bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn, trong đó hơn 340ha mất trắng. Theo kết quả quan trắc môi trường, độ mặn sông Mỹ Thanh hiện đạt mức cao nhất là 6,5%0, dự báo còn tăng trong những ngày tới. Ngoài ra, các huyện Long Phú, Châu Thành, Mỹ Tú… cũng có nguy cơ nhiễm mặn vào nội đồng cao, bởi hiện độ mặn trên sông Hậu đang ở mức báo động 2, đạt mức cao nhất là 19,5%0.

Nông dân tỉnh Sóc Trăng nhìn lúa chết vì hạn, mặn. Ảnh: TRUNG HIẾU

Diện tích lúa đông xuân 2015 - 2016 của Sóc Trăng còn hơn 100.000ha trên đồng, chủ yếu ở giai đoạn từ đẻ nhánh đến trổ chín, thời gian tới ngành chức năng khuyến cáo nông dân vui xuân nhưng không nên lơ là mà cần theo dõi sát tình hình độ mặn và thông báo của địa phương để canh lấy nước vào đồng, bảo đảm năng suất cho vụ lúa này.

Tại Tiền Giang, đến thời điểm này phần lớn diện tích lúa đông xuân đang ở giai đoạn tỉa dặm và đẻ nhánh nên nhu cầu dùng nước rất lớn. Trong khi đó, mực nước tại các kinh trong vùng rất thấp và đang tiếp tục xuống nhanh. Ngoài sông, độ mặn tiếp tục tăng, xâm nhập sâu vào nội đồng đe dọa đến các trà lúa hiện nay. Tại huyện Gò Công Đông, trên địa bàn huyện có khoảng 8.000ha lúa đang ở giai đoạn 30 ngày tuổi trong tổng số 11.000ha xuống giống trong vụ lúa đông xuân này. Nếu thời gian tới tình hình nước vẫn diễn biến theo hướng thế này, các trà lúa sẽ bị nguy kịch. Từ đó, huyện đã chỉ đạo các xã tổ chức bơm chuyền 2 cấp, trục vớt lục bình.

Nạo vét kênh mương dẫn nước phục vụ sản xuất tại tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: TRUNG HIẾU

Ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang cho biết, trước tình hình các kinh nội đồng cạn kiệt hiện nay, ngoài chỉ đạo tổ chức bơm chuyền, trục vớt lục bình, huyện chỉ đạo Phòng NN-PTNT, các xã giám sát chặt chẽ các công trình thủy lợi, tổ chức bơm chuyền từ kinh cấp 1 đến kinh cấp 2; đồng thời đã cho tiến hành rà soát, bổ sung phương án phòng, chống hạn, mặn từ huyện đến xã. Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống lụt bão tỉnh Tiền Giang cho biết, mặn diễn biến quá nhanh so với dự tính, trong khi đó vùng dự án có nhiều diện tích phải đến cuối tháng 3 mới cắt nước. Nếu trước đây việc bơm chuyền chỉ dự kiến tổ chức cho các diện tích trễ vụ, còn nay phải tổ chức bơm chuyền cho cả những diện tích xuống giống đúng lịch thời vụ. Không chỉ vậy, ngoài sản xuất lúa, trong vùng còn khoảng 10.000ha cây ăn trái, rau màu và nước phục vụ sinh hoạt cho người dân.

Lo nguồn nước sinh hoạt

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam dự báo, từ tháng 2-2016 trở đi, các thành phố như: Bến Tre (tỉnh Bến Tre), Rạch Giá (Kiên Giang), Vị Thanh (Hậu Giang) có khả năng thiếu nước ngọt nên cần có kế hoạch dự trữ để sinh hoạt... Trước tình hình này, TP Bến Tre đã chủ động đảm bảo nguồn nước từ Nhà máy nước Sơn Đông và lắp đặt trạm bơm và đường ống dẫn nước từ xã Phú Thành, huyện Châu Thành (nơi có độ mặn thấp nhất) đưa về Nhà máy nước Sơn Đông mỗi ngày khoảng 20.000m3 để pha loãng với nguồn nước tại chỗ. Ngoài ra, ngành cấp nước cũng tổ chức xe phục vụ nước ngọt cho các huyện ven biển, những nơi bị khô hạn và mặn xâm nhập sâu.

Theo ông Nguyễn Hữu Hoài Phương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Kiên Giang, trong trường hợp mặn xâm nhập 20 ngày liên tục, Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Kiên Giang cố gắng phân vùng và tách mạng cấp nước, bảo đảm cấp nước ổn định cho bệnh viện, trường học trên địa bàn thành phố Rạch Giá. Công ty chỉ bảo đảm cung cấp nước ổn định cho thành phố Rạch Giá và một phần huyện Hòn Đất khoảng 10 ngày, đêm. Ông Nguyễn Hữu Hoài Phương cho biết, để chủ động nguồn nước phục vụ sinh hoạt, công ty sẽ tiến hành khoan 16 giếng công cộng ở các phường trong nội ô thành phố Rạch Giá. Đồng thời, khôi phục một số giếng nước ngầm do công ty quản lý, bổ sung cụm xử lý nước đạt tiêu chuẩn cho phép, như giếng nước sân bay đường Cách Mạng Tháng Tám, Trạm cấp nước Rạch Sỏi tại khu dân cư bến xe tỉnh. Dự kiến những tháng đầu năm 2016, Nhà máy nước khu công nghiệp Thạnh Lộc có công suất 5.000m³/ngày, đêm đi vào hoạt động, bổ sung nước sinh hoạt cho người dân. Cống ngăn mặn tại cửa Sông Kiên dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trước Tết Bính Thân 2016 sẽ góp phần hạn chế nguồn nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng.

Trước tình hình trên, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam khuyến cáo: Để thông tin kịp thời về mặn xâm nhập, nguồn nước và xây dựng kế hoạch vận hành các cửa cống, các giải pháp chống hạn mặn, đề nghị các địa phương thường xuyên cập nhật các bản tin dự báo hạn mặn, từ đó có kế hoạch triển khai ứng phó kịp thời, tránh bị thiệt hại trong sản xuất và đời sống.

NHÓM PV

Các tin khác

27/12/2016
27/12/2016
16/12/2016
10/12/2016
2/12/2016
1/12/2016
1/12/2016
29/11/2016
28/11/2016

 

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18

Các tin cũ: năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang