• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nhớ lũ đầu nguồn

Nguồn tin: Báo An Giang, 14/10/2016
Ngày cập nhật: 15/10/2016

Theo thời gian, nước lũ không còn ào ạt tràn về phủ kín những cánh đồng biên giới như xưa. Và khi lũ không còn là lũ, người dân đầu nguồn càng cảm nhận được sự “mất mát” của mình hơn bao giờ hết.

Khi lũ không còn là lũ

Nói đến lũ, người ta nghĩ ngay đến những cánh đồng nước mênh mông với nguồn thủy sản dồi dào đã nuôi sống bao thế hệ người miền Tây. Và khi nói đến lũ, người ta cũng nghĩ ngay đến miệt đầu nguồn, bởi nơi đây vẫn còn những cánh đồng biên giới chưa sản xuất vụ 3, với khá nhiều hộ dân chuyên sống bằng nghề hạ bạc.

Tuyến Quốc lộ 91C đưa chúng tôi về với vùng đầu nguồn An Phú. Giờ đã là tháng 9 âm lịch nhưng con nước vẫn còn “xa lắc xa lơ” ngoài bãi sông. Ngay cả những vùng trước đây thường hay chịu ảnh hưởng sớm của nước lũ thì nay vẫn xuất hiện những rẫy hoa màu xanh um mà không phải lo “chạy lũ”. Ông Ngô Văn Tám, người dân xã Phước Hưng (An Phú), thiệt tình: “5 năm trước, đến giữa tháng 9 nước phân đồng là vùng này ngập linh binh. Đất ngoài bãi sông là nơi ngập sớm nhất rồi mới đến khu vực khác. Nhưng hiện giờ nông dân vẫn xuống giống thoải mái vì chẳng thấy nước lũ đâu. Nhiều anh em chỉ mong nước lũ ngập đồng 1 năm để đổi đất đổi cát, chứ bây giờ trồng cây gì cũng phải dùng phân hóa học liều lượng cao mới có ăn”.

Ông Tám cho biết, con nước năm nay xem như đã lớn hơn năm trước. Theo ước lượng của nông dân này, lũ năm nay cao hơn cùng kỳ năm trước chừng “3 tấc nước”, nhưng bấy nhiêu đó không đủ để người dân đầu nguồn thấy thỏa mãn. Với họ, lũ đầu nguồn phải là biển nước mênh mông tít tắp, là những rặng điên điển vàng ươm hay những mẻ lưới cá dính se viền. “Hồi trước, đến tháng nước lên là đàn ông xứ này chỉ độc chiếc quần đùi bởi đường sá ngập quá đầu gối. Muốn đi đâu chỉ có bơi xuồng. Tuy vất vả nhưng lại thấy gần gũi, thân thương, bởi bản thân tôi lớn lên từ mảnh đất biên giới mỗi năm có đến mấy tháng nước ngập lênh đênh này” - ông Tám chia sẻ.

Nói về nguyên nhân khiến lũ không còn như trước, ông Tám hiểu rằng, chính những công trình thủy điện ở thượng nguồn Mê Kông đã lấy đi nhiều lợi ích về mặt kinh tế và cả sinh thái của vùng hạ nguồn. Với góc nhìn của người nông dân, ông cũng đã nghĩ đến việc ngày nào đó không còn nhìn thấy con nước lũ tràn đồng. Vì thế, việc dân đầu nguồn sống chung với… “không có lũ” chỉ còn là yếu tố thời gian.

Khi “mất” lũ

Các xã bờ đông của huyện đầu nguồn An Phú vốn là cù lao bao quanh bốn bề là nước. Vì vậy, dân ở đây có thói quen đón lũ về như người bạn thâm giao. Tuy nhiên, người bạn này đã ít nhiều “trái tính trái nết” chứ không còn hào phóng như xưa. Ông Trần Văn Sên, người dân xã Phú Hữu (An Phú), bộc bạch: “Mấy năm nay không có nước nôi gì hết. Ngay cả những cánh đồng biên giới nước cũng chỉ ngập lé đé mặt cỏ, nếu là đất gò thì khô rang. Bông súng, bông điên điển mấy năm trước ăn không hết thì nay đã bắt đầu hiếm dần. Đó là chưa kể con cá, con cua cũng cạn kiệt nên anh em theo nghề hạ bạc coi như “treo” bổn nghệ”.

Ngoài nguồn lợi thủy sản, người dân đầu nguồn còn mất đi lượng phù sa bồi đắp ruộng đồng hàng năm. “Không nói đến nghề cá, cả nông dân trồng lúa, trồng rẫy ở khu vực biên giới này cũng khó khăn. Dạo trước, nông dân Phú Hữu nổi lên nhờ cây ớt và cây bắp lai nhưng hiện nay 2 loại nông sản này cũng gặp khó khăn đầu ra. Lũ không về nên người nông dân tốn thêm chi phí làm cỏ, chi phí phân bón cộng thêm yếu tố giá cả thị trường luôn ở mức thấp khiến ai cũng ngán ngẩm” - ông Sên cho hay.

Trước nguy cơ “mất” lũ như hiện nay, những địa phương đầu nguồn đã thực hiện nhiều phương án nhằm tạo điều kiện để dân câu lưới sống chung với việc không có lũ. “Chúng tôi đã hỗ trợ các hộ theo nghề câu lưới bằng những hoạt động thiết thực, như: Chương trình 135 của Chính phủ, chương trình ngân hàng bò của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn... Nhìn chung, các hoạt động này đều mang đến hiệu quả khi giúp những hộ theo nghề câu lưới không còn phụ thuộc vào con nước lũ hàng năm khi thiên nhiên không còn ưu đãi họ” - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lộc Lê Văn Dũng thông tin.

THANH TIẾN

Các tin khác

27/12/2016
27/12/2016
16/12/2016
10/12/2016
2/12/2016
1/12/2016
1/12/2016
29/11/2016
28/11/2016

 

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18

Các tin cũ: năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang