• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Mưu sinh dưới tán rừng ngập mặn

Nguồn tin: Báo Thái Bình, 03/10/2016
Ngày cập nhật: 4/10/2016

Những năm qua, rừng ngập mặn đã trở thành mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng nhiều gia đình nông dân ven biển. Công việc tưởng chừng thời vụ ấy lại là nghề chính của nhiều hộ dân. Phận người “dầm bùn, đãi nắng” nơi đây sẽ đi về đâu nếu không có rừng ngập mặn?

Luồn lách qua vòm cây rừng xum xuê khi đôi vai đã nặng còng.

Kỳ 1: "Phận cò" trong đêm

Những bàn chân trên bước đường mưu sinh trong vạt rừng ngập mặn ven biển Thụy Trường (Thái Thụy, Thái Bình) đã in hằn thành những lối mòn ngoằn ngoèo dưới tán cây rừng. Ở đó, mỗi đêm hàng trăm "phận cò" dầm mình trong bùn, nước để kiếm từng con còng, con cáy... Với người dân nơi đây, rời biển chính là tìm đến đói, nghèo.

"Phận cò"

Trời tháng 9 bắt đầu có những ngày se se lạnh, vì thế thủy triều cũng dữ dằn và mạnh hơn. Cánh rừng ngập mặn xã Thụy Trường xanh mướt, trải dài ngút ngàn. Chiều về, cái nắng nhạt dần, nhường lại màu đen huyền ảo cho miền biển. Đêm tối ở đây bình yên đến lạ, gió thổi, sóng ì ào ngoài khơi xa hòa với tiếng động cơ từ những đôi tàu kéo lưới. Khoảng thời gian yên ả ấy được khuấy động khi tiếng bước chân, tiếng nói cười của những người hành nghề bắt còng đêm rảo bước trên đê. Từng tốp người hòa vào màn đêm, thi thoảng có ánh đèn le lói phát ra rồi tắt lịm trong bóng tối. Đoạn đê biển dài chừng 100m, nhìn xuống là con lạch dẫn ra cửa Đại Bàng đã trở thành điểm tập kết của người dân xã Thụy Trường vào mỗi đêm. Mọi người ngồi trên mặt đê, tiếng gọi nhau rộn rã như chợ phiên. Khi đã tìm đủ thành viên, từng tốp vượt qua dải phân cách, tỏa xuống cánh rừng dưới chân đê bắt đầu một đêm lao động mệt nhọc.

7 tiếng đồng hồ trong rừng ngập mặn quả là cực hình với chúng tôi - những người lần đầu tiên trải nghiệm nghề bắt còng dưới cánh rừng ngập mặn vào ban đêm, cảm giác sợ hãi khi tắt đèn, dầm chân dưới lớp bùn nhầy nhụa, xung quanh là những cây bần, cây vẹt… ken dầy chằng chịt. Giữa mênh mông vô định ấy, con người dường như nhỏ bé, lạc lõng với thiên nhiên.

Người dân khéo léo cho còng vào túi lưới.

Để trở thành một người bắt còng thực thụ, chúng tôi phải chuẩn bị đôi giầy vải tự tạo dành riêng cho người đi biển, một chiếc đèn mỏ và bộ đồ dài tay và đôi bao tay để chống lại những mảnh hàu, mảnh ngao sắc lẹm, những cành cây đổ gẫy trong rừng và cả những con muỗi rừng nữa… 22 giờ 30 phút, chúng tôi bắt chuyện với một nhóm người bắt còng ở thôn Lỗ Trường (Thụy Trường). Nhóm này có 6 người, đa số là nữ ở độ tuổi từ 35 đến 55. Họ đồng ý cho chúng tôi đi cùng, ghi hình và học cách bắt còng nhưng không quên cảnh báo sự vất vả trong quá trình bắt còng. Phải nói, người dân miền biển họ thân thiện, dễ gần và thật thà, đi với họ, chúng tôi biết được nhiều điều về biển, về rừng và nỗi niềm của họ.

Càng về khuya, thủy triều càng xuống nhanh hơn, để lộ ra con lạch lớn như con rắn khổng lồ, uốn lượn đang trườn mình ra biển, dầm mình trong tán rừng um tùm. Người chèo thuyền đưa nhóm chúng tôi đến điểm "hành nghề" là anh Nguyễn Cao Chác, 41 tuổi. Anh được mọi người ca ngợi hết lời với biệt tài bắt còng nhanh như chớp, đôi mắt tinh như cú vọ, chỉ loáng qua ánh đèn là anh có thể tóm gọn những con còng gọng đỏ nằm ẩn khuất dưới lớp cành, lá mục ruỗng. Sau tiếng cười giòn tan, anh Chác khiêm tốn nói: Đi nhiều thì nhớ, làm nhiều thì quen thôi chứ không có tài năng gì cả. Các chị ấy quá khen rồi. Cũng vì cuộc sống gia đình, muốn các con ăn học đến nơi đến chốn mà phải ngủ ngày, thức đêm như vậy, trông vào hai sào lúa thì có mà chết đói. Ngoài nghề bắt còng, những ngày mưa gió hay tháng giáp hạt, trời trở rét, còng không lên, anh Chác lại cùng cánh đàn ông trong thôn đi phu hồ, cửu vạn khắp nơi.

Chừng 30 phút chèo thuyền, chúng tôi đến chỗ neo đậu. Theo anh Chác, trước đây không ai dám ra xa như thế, chỉ bắt còng, cáy men theo đê nhưng bây giờ con còng, con cáy nó không còn nhiều như trước, đông người đi bắt nên phải đi xa mới có tấm, có món. Chỉ những người già họ mới bắt ven bờ kiếm vài chục nghìn thôi. Chỗ chúng tôi đến cách chân đê chừng 5km, giáp với khu vực biển Hải Phòng. Gió ngoài biển vẫn không ngừng thổi ầm ĩ, những bóng người mang đầy những xô, chậu, giỏ lầm lũi tiến sâu vào lòng rừng, rồi lẩn dần sau những bụi bần, vẹt um tùm.

Dầm bùn để kiếm cơm

Luồn lách trong rừng ngập mặn, chúng tôi như lạc vào mê cung với những lối đi luồn cúi. Có chỗ, chúng tôi phải cúi rạp người sát mặt bùn để đi. Cứ thế với ánh đèn, người bắt còng như những con cò cặm cụi kiếm ăn trong đêm. Họ thông thuộc từng lối mòn, khoảng rừng, khéo léo như chú rái cá, chẳng mấy chốc, từng chiếc xô, chậu nặng dần những con còng, con cáy. Những ánh đèn tản mát ra xa, chúng tôi chỉ nghe thấy tiếng nói cười của họ. Thi thoảng, ánh đèn của ai đó vụt sáng, chiếu rọi vào những thân cây khẳng khiu, sần sùi rồi biến mất như những con đom đóm khổng lồ càng làm cánh rừng âm u hơn. Trời về đêm, tiếng nói cười vơi dần, có lẽ họ đã bắt đầu "say" với ánh đèn, chú tâm vào công việc bắt còng. Cũng chính công việc này đã rèn cho họ sự tinh nhanh, dứt khoát hơn với đôi tay liên tục sục sạo dưới lớp bùn. Theo anh Chác, con còng, con cáy đều bò rất nhanh. Khi thấy động, nó sẽ chui ngay vào lỗ hoặc trèo lên thân cây, lẩn vào trong lớp lá cây, nếu không nhanh thì không thể bắt được nó. Màu sắc của chúng cũng giống với màu lá cây khô, bùn đất nên rất khó phát hiện, phải chú ý đến đôi còng màu đỏ rất đặc trưng của nó. Với những người trong nghề nếu không mang bao tay mà bị còng cắp thì đau điếng chẳng khác nào ong đốt…

Nói đến những động tác: lăn lê, bò, trườn… ai cũng sẽ nghĩ ngay đến loài rắn với thân hình mềm mại, uyển chuyển. Thế nhưng với những người bắt còng, họ cũng phải học cách "đi" như loài rắn. Có thể nói, đây là những động tác khó, tốn nhiều sức lực nhất và dễ khiến người ta sinh bực tức. Chị Nguyễn Thị Được, thành viên của đội chúng tôi phân trần: Đàn ông lăn lê, bò, trườn còn om lưng, om gối huống gì chị em phụ nữ chúng tôi. Để có được 100.000 đồng đến 200.000 đồng/đêm, chúng tôi cũng đành chấp nhận như thế. Những ngày đầu đi làm, ai cũng om xương, sáng hôm sau nằm không trở mình được nhưng làm miết rồi cũng quen. Đau lưng, mỏi gối thì ngồi dựa vào gốc bần độ dăm phút rồi đi bắt tiếp. Biết là mệt lắm nhưng mỗi người góp nhau câu chuyện cười thì cũng đỡ đi phần nào.

Người dân khéo léo cho còng vào túi lưới.

Theo sát những người bắt còng trong cánh rừng Thụy Trường, nhìn họ mải mê bắt còng trong bộ quần áo nhuộm bùn đất ướt nhèm, chúng tôi càng thấu hiểu nỗi cực nhọc của họ. Dường như nhịp sinh học của họ bị đảo lộn hoàn toàn bởi triền miên ngày tháng họ gắn bó với công việc về đêm ấy. Khi màn đêm buông xuống là lúc người ta buông màn, nghỉ ngơi thì những người bắt còng mới bắt đầu làm công việc của họ. Khi tiếng gà gáy sáng, mọi người thức dậy thì lúc này họ mới bắt đầu được nghỉ ngơi. Vất vả, cực nhọc hơn cả đi phu hồ, cửu vạn nhưng đồng công của họ cũng chẳng đáng là bao. Với những người phụ nữ, đi làm về, giấc ngủ còn chập chờn với bộn bề công việc đồng áng, gia đình. Chị Được giãi bày: 5 giờ sáng bán xong mẻ còng thì tất tả về tắm giặt, cơm nước. Đặt lưng nghỉ ngơi được một lúc thì dậy lo bữa trưa. Ngày mùa thì ban ngày ở đồng gặt lúa, tối vẫn đi bắt còng. Phụ nữ ở vùng này là thế, họ tham công, tiếc việc lắm. Cũng may, trời độ cho cái sức khỏe để làm ăn. Âu cũng vì lo miếng cơm manh áo, lo cho con cái...

Đêm ở rừng ngập mặn nhanh như bước chân người bắt còng. Họ tất tả, "say" mình trong guồng quay mưu sinh. 3 giờ sáng, giọng nói từ khắp các ngả rừng ùa về theo ánh đèn mỏ ẩn hiện. Chúng tôi biết, hành trình mưu sinh nơi cánh rừng ngập mặn xã Thụy Trường sắp kết thúc. Nhìn đôi mắt họ trũng sâu vì thức đêm nhưng vẫn ánh lên nụ cười của như xua đi sự mệt mỏi trong người. Chúng tôi cùng với những người bắt còng tiếp tục hành trình ngược ra ngoài cửa lạch, thành quả sau một đêm của họ là những bao còng đầy ắp. Ánh trăng đêm phả xuống mặt nước lóng lánh soi vào mặt người không rõ. Trên con thuyền trở về, câu chuyện về cuộc sống mưu sinh dưới cánh rừng ngập mặn lại vang lên với những tiếng cười giòn tan.

Tất Đạt

Các tin khác

27/12/2016
27/12/2016
16/12/2016
10/12/2016
2/12/2016
1/12/2016
1/12/2016
29/11/2016
28/11/2016

 

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18

Các tin cũ: năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang