• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

An Giang: Lũ nhỏ, nhiều làng nghề sắp thu dọn bổn nghệ

Nguồn tin: Báo An Giang, 20/09/2016
Ngày cập nhật: 21/9/2016

Đó là những làng nghề sản xuất phương tiện mưu sinh trong lũ như: Làng sản xuất lưỡi câu Mỹ Hòa, dầm chèo Mỹ Thạnh (Long Xuyên, An Giang), đóng ghe xuồng Mỹ Hiệp (Chợ Mới) hay lợp đặt cá linh xã Phước Hưng (An Phú)… Nguyên nhân do thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp, hộ dân làm không đủ ăn.

Thị trường thu hẹp

“Vào những năm ĐBSCL có lũ lớn như năm 1995, 1996, 1997 và 2000, bình quân mỗi ngày làng nghề sản xuất lưỡi câu Mỹ Hòa tiêu thụ gần 5 tấn sản phẩm. Những năm gần đây lũ nhỏ, sản lượng tiêu thụ mỗi ngày chỉ còn 900 kg, dân trong làng nghèo đi rất nhiều vì sản phẩm tiêu thụ ít… ” – bà Trần Thị Mềm, khóm Tây Khánh 8, phường Mỹ Hòa (TP. Long Xuyên) chia sẻ.

Làng lưỡi câu Mỹ Hòa được hình thành cách đây gần 100 năm và nổi tiếng khắp khu vực Đông Nam Á. Sản phẩm của làng nghề bao gồm lưỡi câu cá sông và cá biển. Người làm nghề giăng câu ở khu vực Đông Nam Á, mê sản phẩm của làng nghề bởi kỹ thuật uốn và trui lưỡi. Dù cá cắn câu lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu cũng không làm lưỡi câu gãy hoặc bị quát ra. Đây là “bí quyết” của một làng nghề có tuổi gần 100 năm. Sản phẩm nổi tiếng, được tiêu thụ mạnh tại An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Đà Nẵng, Kiên Giang. Cách đây 30 năm, lưỡi câu Mỹ Hòa đã bán sang tận Lào, Campuchia, Brunei, Thái Lan, phục vụ cho những người sống bằng nghề câu cá. Nay lũ nhỏ, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp hơn 2/3. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều hộ gia đình trong làng nghề sắp thu dọn bổn nghệ, tìm cách chuyển đổi ngành nghề để tìm kế mưu sinh.

Lao động trong làng nghề sản xuất lưỡi câu, đa phần chỉ còn lại người già và trẻ em

Ngoài làng lưỡi câu Mỹ Hòa, các làng nghề khác cũng chịu chung số phận. “Thị trường tiêu thụ sản phẩm của Tổ hợp tác sản xuất dầm, chèo ở Mỹ Thạnh (TP. Long Xuyên) ngày càng bị thu hẹp là do lũ nhỏ. Cộng vào đó là những năm trước đây, sản xuất lúa vụ 3 có giá, nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL đã lên đê bao sản xuất 3 vụ, vì vậy lũ không tràn được lên đồng. Phương tiện đi lại đã thay đổi từ đi xuồng sang di chuyển bằng xe 2 bánh, nên sức tiêu thụ sản phẩm dầm, chèo đã giảm hơn 2/3. Trước đây, Tổ hợp tác có 32 hộ sản xuất thì nay chỉ còn lại 7 hộ sản xuất, các hộ khác đã chuyển đổi ngành nghề, đi Bình Dương, TP. HCM là để kiếm sống và mức lãi trên mỗi cây dầm sản xuất ra cũng ít đi so với trước. 1 cây dầm bán lời được chỉ có 5.000 đồng, 1 cây chèo lời chỉ 10.000 đồng…” – ông Lê Văn Tiến, Tổ trưởng Tổ hợp tác dầm, chèo phường Mỹ Thạnh, chia sẻ.

Làm không đủ sống

Lũ nhỏ, hàng chục ngàn hộ dân trong tỉnh chuyên sống với nghề nuôi trồng thủy sản mùa lũ phải chuyển lên bờ, tìm nghề khác để mưu sinh; hộ chuyên làm nghề giăng câu, đặt lọp, bắt ốc trong mùa lũ nay phải dắt nhau lên tận Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước để làm công nhân xây dựng, vào nhà máy chế biến hạt điều, các công ty may để làm kiếm sống. Nhiều hộ sản xuất lọp cua, lưới 3 màng ở xã Mỹ Đức (Châu Phú); sản xuất lưỡi câu ở phường Mỹ Hòa (Long Xuyên) cũng đã ngưng sản xuất, chuyển đổi nghề khác để mưu sinh. Gia đình ông Bảy Thoa, một trong những người đầu tiên khai sinh ra nghề sản xuất lưỡi câu ở Mỹ Hòa giờ đây cũng đã chuyển dần sang nghề khác để kiếm sống. Trong số 5 người con của ông sống với nghề sản xuất lưỡi câu thì nay có đến 3 người chuyển làm nghề khác, 2 người còn lại cũng sắp nghỉ vì làm không đủ sống. Ngoài gia đình ông bảy Thoa, nhiều hộ gia đình ở làng sản xuất lưỡi câu Mỹ Hòa cũng đã chuyển đổi sang nghề khác. “Trước đây, vào tháng 3 âm lịch hàng năm, làng lưỡi câu Mỹ Hòa bắt đầu khởi động một mùa làm lưỡi câu mới thì nay tháng 8, nước “phăng đồng” nhưng sản phẩm bán không chạy. Sự cố Công ty Formosa Hà Tĩnh xả nước thải chưa qua xử lý ra biển làm cá ở 4 tỉnh miền Trung chết hàng loạt khiến lưỡi câu biển bán cho miền Trung cũng không chạy. Trước đây, mỗi ngày một lao động của làng nghề thu nhập ít nhất 70.000 đồng/ngày thì nay, con số này chỉ còn 25.000 – 30.000 đồng/ngày, vì vậy họ tìm nghề khác để sinh nhai là chuyện bình thường ” – ông Trần Thiện Tam, một nghệ nhân của làng lưỡi câu Mỹ Hòa, chia sẻ.

“Sắp tới, khi 11 đập thủy điện trên sông Mê Kông hoàn thành, ĐBSCL sẽ không có lũ, cả hệ sinh thái của khu vực bị thay đổi thì việc mưu sinh của trên 20 triệu dân vùng ĐBSCL sẽ gặp khó hơn. Vì vậy, ngay từ bây giờ, để khẩn trương thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu, chính quyền cần hỗ trợ người dân làng nghề nhanh chóng chuyển đổi phương thức mưu sinh để thích ứng. Đây là điều rất cần thiết đối với chúng tôi…” – ông Nguyễn Văn Hội, khóm Tây Khánh 8, phường Mỹ Hòa chia sẻ.

MINH HIỂN

Các tin khác

27/12/2016
27/12/2016
16/12/2016
10/12/2016
2/12/2016
1/12/2016
1/12/2016
29/11/2016
28/11/2016

 

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18

Các tin cũ: năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang