• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

ĐBSCL: Nỗi lo lũ nhỏ

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 07/09/2016
Ngày cập nhật: 8/9/2016

Thời điểm này đã vào mùa lũ, thế nhưng mực nước ở vùng đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu vẫn dao động ở mức rất thấp. Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, nhiều khả năng năm 2016 này lũ ở ĐBSCL sẽ “tiếp tục nhỏ”; như vậy nguy cơ hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô tới là rất cao; sản xuất nông nghiệp ở “vựa lúa” đối mặt với nhiều khó khăn...

Sản xuất lưới ở Thơm Rơm (quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ) tiêu thụ vào mùa lũ.

Lũ không… chịu về!

Tại các huyện vùng lũ như Tịnh Biên, An Phú, Châu Thành, thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang) những ngày này mực nước vẫn còn khá thấp, khiến nhiều nông dân vùng lũ lo lắng không yên. Ông Trần Văn Long, ở xã Khánh Bình, huyện An Phú, bộc bạch: “Những năm trước, cứ đầu tháng 8 là nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về đây nhiều rồi, có khi tràn ngập đồng ruộng. Thế nhưng năm nay đã đầu tháng 9 mà nước lũ chưa thấy về nhiều. Tình hình này, lũ nhỏ là cái chắc”. Theo ông Long, người dân vùng đầu nguồn hàng năm sau khi thu hoạch xong lúa vụ 3 thì ai nấy cũng chờ lũ để đánh bắt thủy sản tăng nguồn thu nhập, không có lũ sẽ khiến người dân chịu thiệt trăm bề. Cùng nỗi trăn trở trên, nhiều nông dân ở Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An… cũng nóng lòng chờ lũ. Ông Trần Văn Ny, ở xã Tân Thành B, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, tiết lộ: “Nếu như người dân ở miền ngoài thường hay lo lắng về lũ, chứ ở miền Tây thì ngược lại - nhà nào cũng mong lũ về. Bởi lũ mang lại phù sa bồi đắp đồng ruộng, tháo chua rửa phèn, hạn chế dịch bệnh… nhất là những năm lũ lớn thì nguồn cá, tép sẽ dồi dào, giúp người dân vùng lũ “sống khỏe”. Thế nhưng, sau trận lũ lớn gần nhất vào năm 2011, thì 4 năm nay liên tục xuất hiện lũ nhỏ. Tình hình này khiến bà con thấp thỏm, vì nếu không có lũ thì suốt mấy tháng tới nhiều hộ sẽ gặp khó khăn…”. Cùng trăn trở trên, ông Nguyễn Văn Đời, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Thành, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Ngày trước lũ lớn gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên những năm qua Nhà nước đã đầu tư hoàn chỉnh hệ thống đê bao khép kín đối với những vùng được quy hoạch sản xuất lúa vụ 3, vì vậy không còn lo bị thiệt hại nữa. Có thể nói, hiện nay người dân vùng lũ không còn “sợ” lũ, mà đang mong chờ lũ về để nuôi trồng thủy sản, vừa để ăn - vừa để bán”.

Theo Đài Khí tượng - Thủy văn Nam bộ, qua theo dõi thì lũ thượng nguồn sông Mekong đang ở mức khá thấp. Cụ thể, mực nước tại trạm Kratie (Lào) vào giữa tháng 8 vẫn thấp hơn trung bình nhiều năm (chỉ bằng 67% của năm trung bình). Mực nước tại Tân Châu và Châu Đốc đang thấp hơn cả năm 2015 (năm lũ rất nhỏ) và thấp hơn rất nhiều so với mực nước trung bình nhiều năm. Ngoài ra, lượng mưa ở các tỉnh Nam bộ và Tây Nguyên trong các tháng 7, 8, 9 và tháng 12-2016 thấp hơn trung bình nhiều năm từ 15-30%. Trong khi, dự báo bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông sẽ ít hơn trung bình nhiều năm… Từ những yếu tố trên nên nhận định khả năng năm 2016 lũ ở ĐBSCL sẽ nhỏ. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ khoảng cuối tháng 9 và nửa đầu tháng 10.

Bất lợi trăm bề

Các nhà chuyên môn nhận định, với những gì diễn ra ở vùng đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu và theo dự báo năm 2016, nhiều khả năng ĐBSCL tiếp tục “đón” thêm một năm lũ nhỏ. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng: “Qua theo dõi, nếu năm nào lũ lớn thì vụ lúa Đông xuân sau đó sẽ trúng mùa, bởi lũ mang lại nhiều phù sa và giúp cải tạo đất rất tốt. Ngược lại, trường hợp lũ nhỏ thì việc canh tác lúa sẽ khó khăn hơn bởi côn trùng, sâu bọ xuất hiện nhiều, chi phí sản xuất cao, lợi nhuận sẽ giảm…”. Cũng theo tiến sĩ Bảnh, lo ngại là vùng ĐBSCL vừa trải qua cơn hạn, mặn dữ dội nhất trong lịch sử, gây thiệt hại nặng nề cho cây lúa, cây ăn trái, nuôi thủy sản… Bây giờ lũ không về thì đồng nghĩa với người dân miền Tây sẽ chịu thiệt hại “kép”. Sản xuất nông nghiệp tới đây sẽ đối mặt với nhiều thách thức, trong đó thời vụ canh tác có thể bị xáo trộn. Hiện tại, nông dân ở Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang… chuẩn bị thu hoạch lúa vụ 3. Qua khảo sát thì năng suất lúa ở một số nơi bị thất mùa trầm trọng, dự báo chỉ thu được khoảng 400-500kg lúa/công, tính ra từ hòa vốn cho tới lỗ.

Ông Đoàn Ngọc Anh, ở xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, cho rằng: “Đây là hệ lụy của nhiều năm liền không có lũ, trong khi bà con canh tác lúa 3 vụ/năm liên tục, thậm chí có nơi sản xuất tới 7 vụ/2 năm khiến đất đai bị khai thác cạn kiệt; sâu bệnh nhiều, chuột cắn phá… Những bất lợi này ai cũng thấy, tuy nhiên lũ không về thì người dân không làm lúa chẳng biết làm gì để sống? Bởi không thể nuôi thủy sản, khó trồng hoa màu hoặc áp dụng các mô hình khác. Thậm chí sống ở vùng lũ và ngay mùa lũ mà dân nông thôn còn phải đi mua con cá, con tép… để ăn. Khổ lắm!”.

Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam khuyến cáo ngành nông nghiệp và người dân ĐBSCL, khi thu hoạch xong lúa Hè thu hoặc Thu đông thì tranh thủ nhiều giải pháp để đưa nước vào đồng ruộng nhằm làm vệ sinh; kéo dài thời gian nước lũ trong đồng càng tốt. Xây dựng kế hoạch xuống giống vụ lúa Đông xuân 2016-2017 một cách hợp lý, hạn chế gieo sạ tập trung, đồng loạt nhằm tránh việc sử dụng nước cùng lúc quá nhiều, cũng như xả lũ trong đồng quá ồ ạt. Tiến hành nạo vét kênh mương nội đồng, gia tăng trữ nước trong hệ thống kênh rạch… nhằm sẵn sàng ứng phó nếu trường hợp xảy ra hạn, mặn gay gắt trong thời gian tới.

HƯNG TÂN

Các tin khác

27/12/2016
27/12/2016
16/12/2016
10/12/2016
2/12/2016
1/12/2016
1/12/2016
29/11/2016
28/11/2016

 

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18

Các tin cũ: năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang