• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Mùa… ngóng lũ - Kỳ II: Chuyển hướng làm ăn

Nguồn tin: Báo An Giang, 31/08/2016
Ngày cập nhật: 1/9/2016

Trước đây, mùa nước nhỏ nhất cũng ngập đồng, lớn hơn thì ngập lối đi, nhà cửa, người dân phải tập “sống chung với lũ”. Còn bây giờ, nhiều năm lũ không về, người ta lại phải làm quen câu chuyện sống chung với… lũ cạn.

Ký ức xa xôi

Gắn bó gần cả đời người với vùng Phú Lộc (TX. Tân Châu), ông Trần Văn Thêm cứ mãi nhớ về cái thú vui của mùa nước nổi. Ông kể, sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vùng Phú Lộc, Vĩnh Hòa, Vĩnh Xương, Tân Thạnh… vẫn còn trồng lúa mùa nổi. Khi nước lên, dân ở đây chỉ việc đặt lọp, giăng câu là sống thoải mái. “Tháng bảy âm lịch, nước tràn bờ đê, người dân đi bắt chuột, rắn về chiên, hầm xả. Đến rằm tháng tám, khi nước “phân đồng” thì ăn cá linh nấu với bông súng, bông điên điển. Khi nước rút xuống thì ăn các mặt cá đen như cá lóc nướng rơm, rùa rang muối…” – ông Thêm hoài niệm. Rồi ông trầm ngâm: “Ngày xưa, cá vùng này nhiều đến nỗi con nước mùng 10, 30 hàng tháng, vó gạt phải cắt lưới để cá trôi ra ngoài bớt. Nhà nhà ủ nước mắm để ăn quanh năm. Ngoài đồng, bông súng, điên điển, rau muống mọc đầy. Bây giờ thì sản vật mùa nước không còn nữa, con người dần thích ứng bằng việc tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi ngành nghề để thích nghi với cuộc sống không có lũ”.

Sản vật mùa nước ngày càng khan hiếm

Từ thực tế lũ nhỏ, cá tôm ít đi, người dân vùng ven biên như Phú Lộc, Vĩnh Xương (Tân Châu), Phú Hữu, Vĩnh Hội Đông, Phú Hội, Nhơn Hội (An Phú) đã tổ chức lại sản xuất, chủ động làm ăn trong mùa nước nổi. Ở TX. Tân Châu, nếu xã Phú Lộc có mô hình sản xuất lúa 3 vụ, Vĩnh Hòa có mô hình VAC (vườn-ao-chuồng) thì Vĩnh Xương cũng có mô hình trồng nấm rơm, rau dưa các loại, Tân Thạnh thì nuôi lươn... “Mấy năm gần đây, người dân chuyển sang ăn chay nhiều, nấm rơm bán rất có giá. Hiện giá nấm được thương lái mua tại ruộng từ 53.000 – 60.000 đồng/kg, người trồng nấm rơm đã có cuộc sống ổn định. Ngoài nấm rơm, một số hộ đã năng động trồng thêm nấm bào ngư xám, cho thu nhập rất tốt” – chị Trần Thị Lài, xã Vĩnh Xương (TX. Tân Châu), chia sẻ.

Chuyển hướng mưu sinh

Sự năng động của người dân đầu nguồn trong thích ứng với biến đổi khí hậu còn thể hiện ở những mô hình chăn nuôi như: Nuôi dê, lươn, cá lóc, cá bông, trâu, bò, gà vịt…

Hơn 5 năm qua, gia đình ông Đặng Văn Nghiêm, ấp Phú Yên, xã Phú Lộc (TX. Tân Châu), có cuộc sống rất ổn định nhờ vào chuyển đổi nghề từ đánh bắt thủy sản mùa nước nổi sang nuôi dê thương phẩm bán cho thị trường nội địa lẫn xuất khẩu sang Campuchia. Với giá dê giống từ 250.000 – 270.000 đồng/kg, 3 tháng mùa nước nổi, ông đã thu nhập hàng chục triệu đồng. Ngoài sản xuất dê giống, ông còn nuôi dê thịt để bán cho thương lái tiêu thụ nội địa. Tổng đàn dê của ông có lúc lên đến 20 con. “Hiện giá dê hơi dao động từ 90.000 – 120.000 đồng/kg, riêng con giống lên đến 270.000 đồng/kg, những người nuôi dê có đồng lời rất tốt” – ông Nghiêm, chia sẻ.

Xã Phú Lộc có 1.100 hộ, với 5.400 nhân khẩu. Đây là vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. 5 năm gần đây, khi không có lũ, khoảng 35% hộ dân đã đi Bình Dương hoặc vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Bình Hòa, Bình Long, Mỹ Quý… để làm công nhân, cuộc sống cũng ổn định. Số còn lại ở ngay tại chỗ để trồng lúa 3 vụ, phát triển chăn nuôi trong bối cảnh “đói lũ”. “Người dân xã Phú Lộc có được cuộc sống như ngày hôm nay, trước hết là nhờ công trình kênh Bảy Xã kết hợp với việc xây dựng cụm, tuyến dân cư. 15 năm trước, Đề án 31/ĐA.BCS của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã giúp người dân “sống chung với lũ”. Giờ đây, khi không có lũ, người dân vẫn thích nghi tốt nhờ chuyển đổi các mô hình làm ăn” – ông Dương Văn Cảnh, Chủ tịch UBND xã Phú Lộc, nhấn mạnh.

Ở huyện Châu Thành, trước đây vốn nổi tiếng với các mô hình làm ăn hiệu quả mùa nước nổi như: Nuôi cá đăng quầng, cá bè, nuôi lươn, trồng cây rau nhút, bông súng, điên điển… thì nay cũng vắng bóng vì nước không lên đồng. Theo ông Châu Văn Thi, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, hiện nay, phần lớn nông dân đã chuyển sang trồng lúa 3 vụ, chỉ có lác đác một số hộ ở Vĩnh Hanh, Cần Đăng, Bình Thạnh… còn nuôi lươn trong bồn với quy mô nhỏ lẻ. Trong khi đó, ở các xã vùng trong của huyện Châu Phú, nơi chưa tổ chức sản xuất vụ 3, phần lớn người trẻ đã đi Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh… làm công nhân, những người lớn tuổi ở quê chủ yếu làm việc lặt vặt ở nhà thay vì tập trung khai thác thủy sản như trước…

“Trong bối cảnh khan hiếm lũ, Tân Châu đang đẩy mạnh đào tạo nghề nông thôn như kỹ thuật trồng nấm rơm, chăn nuôi bò, dê, thủy sản… để người dân mạnh dạn chuyển đổi nghề. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ vốn đối với các dự án khởi nghiệp ở nông thôn để tạo ra nhiều ngành nghề, giúp giải quyết lao động” – ông Trần Hoàng Hải, Phó Chủ tịch UBND TX. Tân Châu, chia sẻ.

NHÓM PV KINH TẾ

Các tin khác

27/12/2016
27/12/2016
16/12/2016
10/12/2016
2/12/2016
1/12/2016
1/12/2016
29/11/2016
28/11/2016

 

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18

Các tin cũ: năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang