• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tràm Chim mùa nước... chưa về!

Nguồn tin: Khoa Học Phổ Thông, 15/08/2016
Ngày cập nhật: 16/8/2016

Mùa mưa này, khi nước còn chưa... nổi, bà con nông dân sống quanh khu vực Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) đã râm ran bàn chuyện... “cá già”. Nghe ra mới biết, năm nào nước kém, xuồng ghe không di chuyển được thì bà con cũng không thể khai thác nguồn lợi cá đồng rất dồi dào trong vùng Tràm Chim, để cho chúng quá lứa, ăn mất ngon, bán không được giá, gọi là... “cá già”!

Ông Bùi Công Thành, chủ nhà hàng bè nổi Tràm Chim là dân cố cựu, đồng thời cũng là một “đại gia” có máu mặt ở vùng “ngập nước bốn mùa” này cho biết: “Mấy mùa nước nổi gần đây đều kém. Kinh nghiệm của ông già tui truyền lại, hễ năm nào đầu mùa mưa mà nước lên từ từ, đêm lại có mưa thì năm đó nước lớn. Nhưng bây giờ biến đổi khí hậu rồi, nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về rất ít, nước sẽ ngày càng thấp hơn”.

Nhiều lão nông khác ở Tràm Chim cũng than van: “Mấy năm nay nước không về nhiều, dân tình nơi đây làm ăn thất bát lắm! Mọi năm, vào mùa nước nổi, bông điên điển nở vàng đồng, cá linh tràn về sáng bóng mấy dòng kênh. Ngoài cá linh, mùa nước nổi còn xuất hiện cá chạch lấu, cá heo làm ra các món nhậu ngon hết biết!”.

Không lạ với món cá linh nấu canh chua bông điên điển, cá linh hấp cuốn rau sống bánh tráng... cũng như món lẩu cá chạch lấu nấu con mẻ, cá chạch lấu nướng muối ớt... nhưng không ít người tỏ ra bất ngờ khi nghe trong danh sách 3 loại cá ngon mùa nước nổi ở Tràm Chim có... cá heo. Thoạt tiên, ai cũng tưởng nó là con Dolphin, tên gọi một loài cá to, rất tinh khôn, có thể huấn luyện làm xiếc, bảo vệ hải cảng và thích chơi giỡn với trẻ em hoặc loài cá heo nước ngọt mà ngư dân miền Nam thường gọi là cá nược. Nhưng không phải, cá heo này nhỏ xíu, chỉ bằng ngón tay cái, nhìn rất giống cá diếc ở miền Bắc với con đực có vi màu đỏ, con cái xám xanh. Món cá heo kho tộ ăn cơm với món cá linh nấu canh chua bông điên điển... cực ngon! Nếu trước đó nữa, “nhập môn” ẩm thực kiểu... khẩn hoang Nam bộ với món chuột đồng nướng lu, cá lóc nướng trui cuốn lá sen non... lai rai cùng rượu đế pha mật ong bông tràm thì... trên cả tuyệt vời!

Cá linh

Đài quan sát ở Tràm Chim

Theo KS. Nguyễn Văn Hùng, giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim thì Tràm Chim là một Ramsar rất độc đáo; vì theo công ước quốc tế về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế đặc biệt như là nơi cư trú của các loài chim nước đưa ra thì chỉ cần đạt một trong 9 tiêu chí quy định sẽ được công nhận là Ramsar, thì Tràm Chim hội đủ đến 8 tiêu chí, trong đó có tiêu chí cơ bản nhất là: “Hệ sinh thái đàn chim độc đáo, chỉ có nơi này, không có nơi nào khác”. Theo đó, trên diện tích 7.313 hecta trải dài trên địa bàn 5 xã, thị trấn của huyện Tam Nông, thuộc tỉnh Đồng Tháp, Ramsar Tràm Chim hiện có 3.000 hecta rừng tràm, gần 1.000 ha đồng lúa ma, sen, súng, cỏ, năn...; 230 loài chim, trong đó có đến 32 loài chim quý hiếm, nổi bật nhất là sếu đầu đỏ. Tràm Chim còn có 130 loài cá, 170 loài thực vật thủy sinh.

Đến Tràm Chim vào mùa nước chưa... nổi và cũng chưa phải là mùa sếu đầu đỏ quay về (loài tiên hạc to lớn này được chọn làm biểu tượng của Ramsar Tràm Chim); chỉ thấy được bông tràm nở lưa thưa, còi cọc, bông điên điển cũng xơ rơ, nhòa nhạt. Còn lúa ma chỉ mới trổ đòng đòng. Theo các lão nông, năm nay cũng sẽ rất khó trong việc đi thu hoạch lúa ma do nước kém, không thể chống thuyền vào gặt đập được. Được biết, lúa ma còn gọi là lúa trời (có tên khoa học là Oryza rufipogon) được giới nghiên cứu khoa học cho là “chỉ có duy nhất trên toàn lãnh thổ Đông Dương, có vai trò là chuỗi cung cấp thức ăn cho hệ sinh thái ngập nước không bị đứt gãy ở Tràm Chim; đồng thời là cơ sở lai tạo giống lúa thích nghi cho vùng ngập sâu và phèn nặng nhất ở đồng bằng sông Cửu Long” này có những đặc điểm cũng rất lạ đời. Thân lúa ma phát triển nhanh chóng dị thường, một ngày có thể vươn cao đến 15 cm. Hễ nước dâng cao cỡ nào thì lúa ngoi lên chừng ấy; có năm, người dân nhìn thấy cây lúa ma dài đến 5 m. Hạt lúa ma cũng khác thường, mỗi hạt đều có sợi râu dài (để giúp nó cắm sâu xuống bùn trong mùa nước lũ). Lúa chỉ chín một lần vài hạt và những hạt chín này sẽ rụng trước khi có ánh sáng mặt trời. Do đó, đi thu hoạch lúa ma phải lên đường từ lúc gà gáy và phải rút sào chở lúa về trước khi mặt trời lên. Lúa được “bứt râu” trước khi giã ra gạo. Gạo lúa ma nấu lâu gấp 3 lần gạo thường, cơm mới chín; nhưng dân Đồng Tháp đồn nhau không loại gạo nào ngon bằng.

Vườn quốc gia Tràm Chim được thống kê là có đến 800 ha đồng lúa ma, nhưng đều mới bắt đầu trổ bông. Phải đến đầu tháng 12 lúa chín. Ramsar Tràm Chim đã dành ra khu vực khai thác 134 ha lúa ma cho du khách đến trải nghiệm việc thu hoạch lúa một cách khá lạ đời này. Trên diện tích hơn 600 ha lúa ma còn lại, không một ai được bén mảng đến. Nó là khu dự trữ lương thực của các loại chim cò; mê lúa ma nhất là loài còng cọc.

Tưởng chỉ nước không nổi mới gây phức tạp tình hình, không ngờ, theo như giám đốc Nguyễn Văn Hùng cho biết, thì năm 2011, mùa nước nổi lên cao bất thường đã làm cho nhiều loại thực vật ở Tràm Chim chết đi, trong đó có cỏ năn, thức ăn ưa thích của các loài sếu, đã gây tác động làm cho đàn sếu đầu đỏ, từ 1.052 con đã bỏ đi, chỉ còn về lại khoảng 50 con, rồi 36 con... Bất ngờ nhất là vào đầu tháng 3 vừa rồi, trong số 15 con sếu đến Tràm Chim, có con sếu đeo vòng số 150 - 0364 được gắn vào ngày 14/3/1998 ra đi lúc mới 3 tuổi đã đưa cả gia đình gồm 1 vợ 2 con quay trở lại cố hương, sau 18 năm lưu lạc giang hồ.

Thảo nào, trong danh sách 8 loại thực vật mà Ramsar Tràm Chim ưu tiên bảo tồn, ngoài lúa ma, sen súng... còn có năn kim.

Thôi thì vắng sếu đầu đỏ, lúa ma, “Đồng Tháp Mười hoang sơ thu nhỏ” và cũng là Ramsar thứ 2.000 của thế giới, Ramsar thứ 4 này của Việt Nam vẫn có nhiều những đặc sản “độc” của một vùng đất phương Nam.

BÙI THUẬN

Các tin khác

27/12/2016
27/12/2016
16/12/2016
10/12/2016
2/12/2016
1/12/2016
1/12/2016
29/11/2016
28/11/2016

 

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18

Các tin cũ: năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang