• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đổi thay trên vùng “cao nguyên trắng”

Nguồn tin: Báo Công Thương, 01/01/2016
Ngày cập nhật: 3/1/2016

Thiên nhiên ban tặng cho huyện Bắc Hà (Lào Cai) khung cảnh núi rừng thơ mộng, khí hậu mát lành... không chỉ phát triển kinh tế du lịch, mà còn phát triển nông nghiệp hàng hóa công nghệ cao, từ đó góp phần làm đổi thay vùng đất được mệnh danh là “cao nguyên trắng” ngày càng giàu đẹp hơn.

Thung lũng hoa Thải Giàng Phố

Bước đi ban đầu

Tại Hội nghị kết nối đầu tư doanh nghiệp Việt Nam- Trung Quốc ở Lào Cai trung tuần tháng 11/2015 vừa qua, cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cho biết, định hướng mũi nhọn của Lào Cai là đưa tỉnh trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, cung cấp các sản phẩm cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Tỉnh đang kêu gọi đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao ở Sa Pa, Bắc Hà... Nét chấm phá ban đầu tạo nên hình hài “bức tranh” Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao Lào Cai trong tương lai, đó là Dự án thung lũng hoa công nghệ cao nằm trên địa bàn xã Thải Giàng Phố.

Một ngày cuối năm, chúng tôi tìm về Thải Giàng Phố “tận mục sở thị” dự án theo con đường đèo quanh co hơn 70 km. Trong căn nhà sàn theo kiến trúc của người Tày vùng Tây Bắc, bà Nguyễn Cẩm Tú- Giám đốc Công ty Việt Tú (Lào Cai)- chủ nhân dự án chia sẻ, trong quá trình khảo sát thị trường xuất khẩu nông sản, bà tới đất nước Israel và ấn tượng với cách làm nông nghiệp của họ. Sống trên cao nguyên khô hạn, người Israel lại sản xuất được các sản phẩm nông nghiệp có năng suất, giá trị kinh tế cao. Trong khi, Việt Nam có truyền thống nông nghiệp, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhưng giá trị gia tăng thu được từ nông nghiệp vẫn còn rất thấp. Nguyên nhân chính là do phương thức sản xuất còn lạc hậu.

Nhận thấy tiềm năng kinh doanh trong nông nghiệp còn rất lớn, bà Tú đã tham khảo mô hình, cách thức sản xuất của người Israel, về nước, mở hướng đi mới cho riêng mình, đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Tiếp thu kỹ thuật nhân giống bằng nuôi cấy mô của Hàn Quốc, áp dụng công nghệ tưới của Israel..., Công ty Việt Tú đã tiến hành trồng thử nghiệm một số giống hoa cao cấp không sử dụng đất, ban đầu cung cấp cho thị trường nội địa. Năm 2014, khi xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc gặp khó, Công ty Việt Tú đã đầu tư 48 tỷ đồng mở rộng quy mô sản xuất hoa công nghệ cao trên phạm vi rộng khoảng 4 ha kết hợp với phát triển điểm thăm quan du lịch sinh thái tại chỗ.

Triển vọng lan tỏa

Việc chuyển hướng kinh doanh của Công ty Việt Tú sang sản xuất hoa công nghệ cao ở Bắc Hà bước đầu đã có tín hiệu tích cực. Với dòng hoa địa lan là chủ đạo, công ty đã nhân giống được khoảng 100.000 gốc (chưa kể các loài khác), trong đó khoảng 30.000 gốc đã có khả năng khai thác thương mại trong dịp Tết Bính Thân 2016, giá bình quân khoảng 500.000 đồng/gốc. Cách làm của Công ty Việt Tú là từng bước mở rộng đầu tư dựa trên khả năng tự sinh lời từ dự án.

“Nhẩm tính doanh thu riêng từ hoa địa lan, năm 2015, công ty cũng đạt khoảng 15 tỷ đồng, đủ trang trải các chi phí đầu tư, vận hành dự án, trả lương cho 30 lao động là người bản địa đang làm việc tại “thung lũng hoa” - bà Tú cho biết.

Mỗi tuần có hàng trăm lượt khách và đoàn khách, đủ các thành phần, từ nhà khoa học, nhà quản lý đến sinh viên... tìm về “thung lũng hoa” thăm quan, tham khảo mô hình sản xuất, mua hoa và sử dụng dịch vụ do công ty cung cấp như ẩm thực, nghỉ dưỡng... Để mở rộng mô hình, trong dài hạn Công ty Việt Tú sẽ liên kết mở rộng sản xuất hoa đến các hộ nông dân thông qua chuyển giao công nghệ, sau đó mua lại sản phẩm rồi cung ứng ra thị trường. Đồng thời, sản xuất các loại rau sạch công nghệ cao, chế biến, cung cấp cho các nhà hàng, siêu thị và xuất khẩu.

Ông Lý Văn Dụ ở thôn Sân Bay, xã Thải Giàng Phố - chia sẻ: “Gia đình ông hiện có 2 lao động đã được nhận vào làm việc ở “thung lũng hoa”, thu nhập khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. Đây là nguồn thu nhập quan trọng giúp cho cuộc sống gia đình đỡ vất vả hơn”.

Ngoài Công ty Việt Tú, một số ít hộ nông dân ở Bắc Hà cũng mạnh dạn chuyển đổi đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Trong năm 2015, được hậu thuẫn và hỗ trợ về giống, kỹ thuật... của ngành nông nghiệp tỉnh và chính quyền huyện, ông Vàng Văn Khương ở thôn Na Thá, xã Tà Chải đã vay 600 triệu đồng xây dựng 1.200 m2 nhà lưới để trồng rau sạch công nghệ cao. Nhờ tuân thủ quy trình sản xuất chặt chẽ, khoa học từ khâu tạo giống, gieo trồng đến chăm sóc... mà năng suất và sản lượng rau của ông đều tăng gấp đôi so với trồng rau thông thường. “Trồng rau theo phương thức truyền thống phụ thuộc nhiều vào thời tiết, dễ gặp rủi ro, tôi sẽ vận động bà con trong xã học cách trồng rau công nghệ cao để tăng thu nhập” - ông Khương cho hay.

Theo một cán bộ kinh tế của huyện Bắc Hà, đầu tư sản xuất rau công nghệ cao sẽ cho thu nhập ước tính khoảng 200 triệu đồng/ha/năm, trồng hoa cao cấp cho thu nhập có thể lên đến hàng tỷ đồng/ha/năm, giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần trồng lúa. Do đó, trong giai đoạn 2015-2020, Bắc Hà phấn đấu xây dựng hàng chục ha rau, hoa trong nhà kính, nhà lưới.

“Chủ trương của huyện Bắc Hà là khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác các thế mạnh địa phương, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa công nghệ cao, khuyến khích và hỗ trợ nông dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để tăng thu nhập, từng bước làm thay đổi đời sống và bộ mặt nông thôn trên vùng “cao nguyên trắng”- vị cán bộ kinh tế huyện Bắc Hà khẳng định.

Theo bà Nguyễn Cẩm Tú: Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp là các thủ tục về đất đai còn nhiều vướng mắc, thiếu quỹ đất phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thiếu chính sách hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm... Nếu kịp thời tháo gỡ các vướng mắc này, mục tiêu vươn tới một trung tâm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Lào Cai sẽ trở thành hiện thực.

Quỳnh Nga - Lan Ngọc

Các tin khác

27/12/2016
27/12/2016
16/12/2016
10/12/2016
2/12/2016
1/12/2016
1/12/2016
29/11/2016
28/11/2016

 

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18

Các tin cũ: năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang