• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Làm nông giữa phố

Nguồn tin:  Sài Gòn Giải Phóng, 14/03/2015
Ngày cập nhật: 16/3/2015

Thực hiện công tác mở rộng, chỉnh trang đô thị, thời gian qua, Đà Nẵng đã thu hồi hàng ngàn hécta đất nông nghiệp của nông dân. Điều đó khiến cho nhiều nông dân rơi vào cảnh khốn khó do không có đất sản xuất nên họ đã tận dụng những lô đất bỏ hoang để tăng gia sản xuất...

Tại khu đô thị nằm dưới chân cầu Trần Thị Lý (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn), người ta dễ nhận thấy những luống rau xanh mướt nằm xen lẫn với những ngôi nhà cao tầng. Trong khi nhiều nhà khóa cửa im lìm do vắng chủ thì ngay từ sáng sớm, tại những luống rau này lại tấp nập người.

Ông Trần Văn Hai, đang lúi húi thu hoạch gần 1 sào rau xà lách, cho biết: “Đất ở đây tốt lắm. Một sào rau này tôi chỉ bón vài bao phân chuồng và tưới nước hàng ngày mà chưa đầy nửa tháng đã thu hoạch bán được gần 3 triệu đồng. Ở đây tôi còn mấy sào làm rau cải, rau thơm nữa. Tính ra, thu nhập cũng được trên dưới chục triệu đồng/tháng. Nhờ đó cả gia đình 6 miệng ăn và tiền học của 2 đứa con đang theo học đại học mới đảm bảo”. Theo ông Hai, trước đây, gia đình ông chuyên canh rau xanh, bỏ mối cho các chợ lớn ở Đà Nẵng và cả ngoài Huế. Nhưng sau khi thành phố thu hồi đất để giao cho các dự án khu đô thị thì gia đình rơi vào cảnh khốn khó do không có đất. Sau gần 2 năm làm đủ thứ việc nhưng cứ thiếu trước hụt sau. Nhiều lần đi ngang qua khu vực này thấy đất đã phân lô, chia nền nhưng người ta bỏ hoang, thấy tiếc nên ông cùng nhiều người khác quyết định phát cỏ, trồng rau. “Ban đầu chủ đất thấy thế đến thắc mắc, nhưng chúng tôi giải thích với họ là chỉ mượn tạm trồng rau. Khi nào họ xây nhà thì chúng tôi trả lại. Hơn nữa, nếu để chúng tôi trồng rau thì không phải để cỏ mọc um tùm, người ta đổ rác, xà bần. Nghe thế họ tươi cười và cảm ơn”, ông Hai cho biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại khu đất bỏ hoang này có gần 50 hộ dân ra đây trồng rau. Hộ nhiều trồng 3 - 4 sào, hộ ít vài trăm mét vuông. Nhưng tất cả đều có thu nhập ổn định, trong đó nhiều hộ thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng/tháng.

Cũng tận dụng đất dự án bỏ hoang, nhưng ông Lê Văn Trí (nhà ở phường Hòa Xuân, Cẩm Lệ) lại tìm hướng đi khác. Khu vực phường Hòa Xuân trước đây vốn là vùng thuần nông của TP Đà Nẵng, nhưng 4 - 5 năm trở lại đây, nơi này đã biến thành phố thị. Tuy nhiên, nhiều dự án “đứng bánh” khiến cho cây cối, cỏ dại mọc thành rừng. Ông Trí đã tận dụng ngay nguồn cỏ đó mua về một lúc 14 con bò chăn thả. “Với số vốn bỏ ra khoảng 20 triệu đồng/con, chỉ cần mỗi sáng thả ra ngoài bãi đến tối lùa về thì 5 - 6 tháng sau tôi đã bán được mỗi con 30 triệu đồng. Lãi khoảng 150 triệu. Công việc nhẹ nhàng, chẳng phải lo gì cả.” - ông Trí phấn khởi, cho biết. Cũng theo ông Trí, chỉ riêng khu vực Hòa Xuân, hiện có vài chục hộ nuôi bò như ông.

Nói về hiệu quả mang lại từ việc mượn đất bỏ hoang để sản xuất, làm giàu ở Đà Nẵng phải kể đến những hộ nông dân trồng hoa và cây cảnh ở quận Hải Châu. Theo Hội Nông dân quận này, 92 hộ hội viên không còn đất sản xuất nên đã mượn và thuê 16ha các lô đất trống chưa sử dụng trong thành phố để trồng hoa và cây cảnh, đạt hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, với các hộ trồng hoa mỗi năm lãi ròng 70 - 150 triệu đồng/hộ, các hộ trồng cây cảnh thu nhập bình quân từ 400 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/hộ/năm; đồng thời giải quyết việc làm thường xuyên cho 250 - 500 lao động tại địa phương.

Tuy có đất sản xuất, có nguồn thu nhập nhưng hầu hết các nông dân ở Đà Nẵng vẫn đang đau đáu nỗi lo. Ông Nguyễn Văn Ái (tổ 9, phường Hòa Xuân) cho rằng: “Có đất, lại có nghề nên tôi rất mừng nhưng vẫn còn nhiều điều phải lo lắm. Bởi không biết khi nào chủ đầu tư đòi lại đất nữa”.

Về góc độ của chính quyền địa phương lại mang nỗi lo khác. Theo UBND quận Ngũ Hành Sơn, Hải Châu, việc canh tác rau xanh của người dân không thực hiện đúng quy trình kỹ thuật bón phân, phun thuốc trừ sâu đã gây nên hệ lụy về môi trường. Lý do là nhiều hộ dân dùng phân chim cút chưa qua ủ kỹ để bón cho rau khiến dịch ruồi bùng phát. Không những thế, việc phun thuốc trừ sâu vô tội vạ cũng gây ô nhiễm môi trường khiến người dân ở những khu dân cư gần đó bức xúc.

Bài toán đặt ra cho các cấp, ngành ở Đà Nẵng lúc này sớm quy hoạch vùng chuyên canh cây rau tập trung để nông dân yên tâm đầu tư, sản xuất, ổn định đời sống. Đồng thời giải quyết triệt để vấn nạn ô nhiễm môi trường do việc trồng rau gây nên.

NGUYỄN HÙNG

Các tin mới:

16/3/2015
16/3/2015
16/3/2015
16/3/2015
16/3/2015
16/3/2015
16/3/2015
16/3/2015
16/3/2015

 

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang