• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nông sản sạch giá rẻ: Tại sao không?

Nguồn tin:  Báo Đồng Nai, 27/12/2015
Ngày cập nhật: 29/12/2015

Theo các doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu nông sản, hàng rào kỹ thuật về nông sản nhập khẩu của các nước trên thế giới ngày càng khắt khe. Nông sản Việt Nam đang mất nhiều thị trường giàu tiềm năng vì không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng.

Giám đốc Công ty cổ phần phát triển công nghệ sinh học Nguyễn Phú Cường (bìa phải) trao đổi với nông dân về mô hình trồng tiêu sạch.

Các phong trào sản xuất VietGAP, GlobalGAP... ngày càng được nhân rộng với mục tiêu sản xuất đạt chuẩn xuất khẩu. Tuy nhiên, do phải đầu tư thêm chi phí và còn nhiều yêu cầu khắt khe, sản xuất GAP vẫn phát triển manh mún, nhỏ lẻ với giá cao nên chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Do đó, bài toán: làm sản phẩm sạch với giá rẻ đang rất cần lời giải để cạnh tranh khi bước vào hội nhập?

* Thay đổi thói quen sản xuất

Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đã tham gia vào các tổ chức thương mại toàn cầu, phải tuân thủ những tiêu chuẩn, quy định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng khắt khe của thị trường thế giới. Lối thoát duy nhất là nông dân phải làm ra sản phẩm an toàn theo quy mô lớn, giá cả cạnh tranh. Giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay là thay đổi tập quán sản xuất, nhất là không nên lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ sâu, bệnh. Với những thị trường khó tính, như: Mỹ, châu Âu... chỉ cần nông sản không bị tồn dư các chất độc hại hoặc thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục cấm của họ là đạt yêu cầu.

Ông Nguyễn Phú Cường, Giám đốc Công ty cổ phần phát triển công nghệ sinh học (Dona - Techno), khẳng định: “Nông dân cứ nghĩ sản xuất sạch là phải đầu tư lớn, chấp nhận giảm năng suất nên giá bán phải cao. Kinh nghiệm sản xuất sạch để trái sầu riêng của Dona - Techno vào được thị trường Mỹ nhiều năm nay, chỉ đơn giản là tuân thủ đúng quy trình sử dụng thuốc trong phòng và trị bệnh”.

Nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh làm nông sản sạch bằng cách tận dụng những giải pháp có sẵn trong tự nhiên. Cụ thể, trồng hoa cúc dại và một số hoa cỏ khác trong vườn tiêu, trên bờ ruộng lúa... để dẫn dụ thiên địch về diệt các loại côn trùng, sâu bệnh gây hại cho cây. Trồng cỏ đậu phộng dại trong vườn tiêu để hạn chế cỏ dại mà không cần sử dụng những loại thuốc diệt cỏ gây hại cho môi trường; chi phí phân bón giảm lại giúp cải tạo đất, hạn chế sâu bệnh cũng là giải pháp rẻ tiền nhưng hiệu quả để làm ra sản phẩm an toàn.

Mô hình nuôi kiến vàng trong vườn cây để phòng trừ dịch bệnh, cho sản phẩm sạch của ông Nguyễn Quang Ánh, nông dân tại huyện Thống Nhất, cũng đang được rất nhiều nông dân học tập, ứng dụng. Ông Ánh so sánh: “Nhờ đàn kiến vàng diệt sâu, bệnh nên vườn ca cao của tôi không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Kết hợp với việc xử lý kỹ thuật cho cây ra hoa lệch vụ, ưu tiên sử dụng phân hữu cơ sẽ ngăn ngừa được bệnh thối trái một cách hiệu quả, chi phí giảm, năng suất tăng. Nhờ đó, chỉ với 300 gốc ca cao trồng xen canh cây điều, tôi thu nhập được khoảng 120 triệu đồng/năm/hécta”.

* Doanh nghiệp, nông dân cùng làm

Thực tế đã có một số mô hình sản xuất an toàn không cần tốn chi phí chứng nhận các tiêu chuẩn GAP hay các tiêu chuẩn khác mà sản phẩm vẫn được doanh nghiệp bao tiêu với giá tốt. Và mô hình này chỉ thành công khi có DN đồng hành cùng nông dân triển khai.

Ông Trần Văn Tánh, Phó giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Lâm San (huyện Cẩm Mỹ), nhận xét: “Từ thực tế sản xuất, một số nông dân nhận thấy tác hại của việc lạm dụng phân bón hóa học, các loại thuốc trừ sâu, bệnh độc hại nên dần chuyển hướng sang sản xuất hữu cơ, ưu tiên sử dụng phân chuồng, thuốc sinh học. Thời gian đầu, sản phẩm sạch vẫn bán cho thương lái với giá hàng thường nên đa số nông dân vẫn giữ tập quán sản xuất cũ. Chỉ khi có DN về lấy mẫu thử nghiệm, vườn tiêu nào đạt chuẩn an toàn sẽ được ký hợp đồng bao tiêu với giá cao. Từ đó đã thuyết phục đông đảo nông dân đầu tư theo hướng sản xuất an toàn”.

Huyện Cẩm Mỹ đang triển khai các dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm tiêu an toàn, thu hút nhiều doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh tham gia đầu tư. Trong đó, có cả các DN chế biến hoặc xuất khẩu nông sản của Ấn Độ, Đức, Nhật Bản... đã tìm đến HTX đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm cho thị trường xuất khẩu.

Bình Nguyên

Các tin mới:

29/12/2015
29/12/2015
29/12/2015
29/12/2015
29/12/2015
29/12/2015
29/12/2015
29/12/2015
29/12/2015

 

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang