• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp

Nguồn tin:  Khuyến Nông TPHCM, 14/12/2015
Ngày cập nhật: 15/12/2015

Việt Nam là nước có khí hậu nóng và ẩm nên rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, đây cũng chính là điều kiện nảy sinh và phát triển sâu bệnh, cỏ dại gây hại mùa màng… Do vậy việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và phân bón hóa học (PBHH) để phòng trừ sâu hại, dịch bệnh, bảo vệ mùa màng, giữ vững an ninh lương thực quốc gia là biện pháp quan trọng và chủ yếu. Thực tế cho thấy việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu bất hợp lý trong trồng trọt cùng với việc không kiểm soát tình hình xả thải trong chăn nuôi hiện nay đang khiến môi trường ở khu vực nông thôn xuống cấp nhanh chóng và nghiêm trọng.

Thực trạng chung của môi trường nông nghiệp.

Đề cập đến vấn đề này, ông Đinh Vũ Thanh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, đã đưa ra nhận định trong “Hội nghị tổng kết công tác Bảo vệ môi trường nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng giai đoạn 2016 - 2020” tại Hà Nội trong tháng 10/2015 vừa qua:

- Tình trạng sử dụng phân bón không hợp lý về chủng loại, liều lượng, thời gian và phương thức bón cho cây trồng đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Đặc biệt, việc lạm dụng phân bón vô cơ trong thời gian gần đây khiến đất đai bị chai cứng, giữ nước kém và độ màu mỡ của đất giảm. Bình quân tổng lượng phân bón vô cơ các loại sử dụng vào khoảng 2,4 triệu tấn/năm, mỗi năm thải ra môi trường khoảng 240 tấn bao bì, vỏ hộp các loại và phần lớn không thu gom mà vứt bừa bãi ra đồng ruộng, kênh mương gây ô nhiễm môi trường trong vùng sản xuất nông nghiệp;

- Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng BVTV trong nông nghiệp có xu hướng gia tăng, thiếu kiểm soát. Thống kê của Cục BVTV cho thấy mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 70.000 đến hơn 116.000 tấn thành phẩm hóa chất BVTV. Ước tính lượng bao bì chiếm khoảng 10% tổng số thuốc tiêu thụ, tức là số lượng bao bì, vỏ đựng thuốc BVTV lên tới hàng chục ngàn tấn mỗi năm. Lượng bao bì này không được thu gom đã gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái và là nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng.

- Trong lĩnh vực chăn nuôi, khối lượng chất thải rắn của vật nuôi trong năm 2014 hơn 82 triệu tấn, trong đó chỉ khoảng 60% số chất thải được xử lý, còn lại thường được xả trực tiếp ra môi trường. Hơn nữa, tình trạng giết mổ cũng không khả quan. Hiện cả nước tồn tại gần 35.000 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, phần lớn nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quản lý, chỉ có 35,8% trong số đó được kiểm soát.

- Đối với lĩnh vực thủy sản, đa số vùng nuôi không có hệ thống xử lý nước và chất thải, việc kiểm soát môi trường nước và ao nuôi còn nhiều bất cập, dẫn đến lượng chất thải gây ô nhiễm từ ao nuôi rất lớn, hầu hết lượng chất thải này chưa được xử lý triệt để trước khi thải ra ngoài, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường khu vực và ảnh hưởng ngược trở lại vùng nuôi trồng thủy sản.

Các biện pháp cần và có.

Với thực tế đó, để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, những năm qua các cấp, các ngành và các địa phương đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp hữu hiệu như:

- Trước hết phải chú trọng đến việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức bằng cách tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động để người dân ý thức việc sản xuất nông nghiệp phải đi đôi với bảo vệ môi trường, giúp nâng cao tính thích ứng với những biến đổi xấu của khí hậu;

- Tổ chức tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, dự báo viên ở cấp cơ sở về việc sử dụng thuốc BVTV, quản lý dịch bệnh, sâu hại trên cây trồng và rau màu; Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng đúng thuốc BVTV trong danh mục cho phép và thu gom, xử lý bao bì đúng cách sau khi sử dụng; Xây dựng nhiều mô hình trình diễn về sử dụng thuốc BVTV góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nông dân trong sản xuất theo hướng nông nghiệp sinh thái bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…

- Để ngăn chặn, hạn chế việc đốt rơm, rạ sau thu hoạch… nên sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm, rạ, phụ phẩm ngay tại ruộng đồng để trả lại lượng mùn, chất hữu cơ cho đất;

- Về chăn nuôi: phải thường xuyên phối hợp với các địa phương tổ chức, đánh giá hiện trạng, tác động của ô nhiễm môi trường đối với phát triển kinh tế - xã hội và có biện pháp xử lý các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm; Đồng thời vận động người dân đầu tư, xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học như: nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học; Sử dụng chế phẩm sinh học, công nghệ khí sinh học biogas nhằm xử lý chất thải chăn nuôi, giảm mùi hôi thối, diệt khuẩn có hại và tăng khả năng phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi, nâng cao hiệu quả chăn nuôi;

- Lĩnh vực thủy sản: nên tăng cường quản lý thức ăn, hóa chất, thuốc kháng sinh, chế phẩm sinh học sử dụng trong nuôi trồng thủy sản; Hướng dẫn bà con thực hiện nghiêm túc quy trình nuôi, nhất là quy trình chuẩn bị ao nuôi; Tiến hành quan trắc mẫu nước, xét nghiệm các chỉ tiêu kỹ thuật quan trắc, cảnh báo môi trường nước nuôi trồng thủy sản, từ đó khuyến cáo người dân không nên thả nuôi mới vào thời điểm độ mặn của nước xuống thấp và không nên cấp nước trực tiếp vào ao nuôi, cần phải qua ao lắng để xử lý một số chỉ tiêu lý hóa như độ kiềm, độ trong, chỉ số NH4 – N... nhằm đảm bảo chất lượng nước phù hợp nhất khi đưa vào ao nuôi;

- Lĩnh vực thủy lợi: Điều tiết vận hành công trình phù hợp, đảm bảo tưới tiêu theo hướng ngăn mặn xả ô nhiễm; Đầu tư nâng cấp, duy tu, sửa chữa các công trình nhằm giảm thiểu nguồn nước bị ô nhiễm trên kênh, rạch; quan trắc mẫu nước để xác định diễn biến chất lượng nguồn nước, làm cơ sở cho việc vận hành công trình hiệu quả, hạn chế thiệt hại có thể xảy ra, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

- Lĩnh vực lâm nghiệp: Tập trung công tác quản lý bảo vệ rừng và nên phối kết hợp với các trường học, cơ quan và lực lượng vũ trang địa phương tích cực trồng cây góp phần nâng cao tỷ lệ phủ xanh cho thành phố;

- Đối với ngành trồng trọt: cần ứng dụng rộng rãi công nghệ phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) trong phòng trừ sâu bệnh cây trồng. Nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sạch vào sản xuất. Kiểm soát chặt chẽ việc lưu hành và sử dụng thuốc BVTV không có trong danh mục cho phép. Sau khi phun thuốc phải bảo đảm đúng thời gian cách ly mới được thu hoạch sản phẩm… Các công tác này góp phần giúp nông dân sử dụng thuốc hóa học trên đồng ruộng một cách đúng đắn, phù hợp, tiết kiệm, đảm bảo môi trường sinh thái và sức khỏe người sử dụng;

Chúng ta phải luôn xác định bảo vệ môi trường nông nghiệp nông thôn là một công việc lâu dài, phải làm công phu, bền bỉ, cần được thực hiện một cách đồng bộ giữa các cấp, các ngành, phối hợp chặt chẽ với người dân thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến.

Hy vọng những giải pháp bảo vệ môi trường nêu trên sẽ góp phần cải thiện chất lượng môi trường cuộc sống, cũng như chất lượng môi trường trong nông nghiệp nông thôn, giúp diện mạo nông thôn cả nước ngày càng trong sạch, tạo nền tảng vững chắc cho ngành nông nghiệp, từ đó góp phần làm cho môi trường ngày càng xanh – sạch – đẹp.

Minh Khuê

Các tin mới:

15/12/2015
15/12/2015
15/12/2015
15/12/2015
15/12/2015
15/12/2015
15/12/2015
15/12/2015
15/12/2015

 

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang