• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Khi nông dân cùng hợp tác

Nguồn tin:  Báo Ninh Bình, 22/02/2015
Ngày cập nhật: 25/2/2015

Câu chuyện “được mùa mất giá” đã từng là nỗi lo của rất nhiều nông dân ở khắp các địa phương. Nhưng một vài năm trở lại đây dường như câu chuyện này đã có những tín hiệu lạc quan hơn. Lần lượt các tổ hợp tác nông dân được hình thành giúp họ hạn chế thấp nhất việc trồng trọt, chăn nuôi theo phong trào, số đông. Hơn nữa người nông dân cũng bước đầu chủ động tìm được đầu ra cho sản phẩm ngoài phạm vi “chợ quê” như trước.

Chăm sóc rau màu vụ đông ở phường Ninh Sơn (TP Ninh Bình). Ảnh: Anh Tuấn

Trước Tết khoảng hơn 1 tháng, các cánh đồng ở xã Khánh Thành (Yên Khánh - Ninh Bình) đã nườm nượp thương lái ở khắp nơi đến thu mua nông sản. Nếu như những năm trước, giá cả hầu như đều do các thương lái quyết định thì nay việc mua bán phần lớn đã được thỏa thuận, ký kết từ cách đó khá lâu.

Anh Nguyễn Văn Thưởng vừa xếp các sọt dưa cho khách vừa khoe với chúng tôi: Năm nay được mùa nhưng dưa vẫn giữ giá 5 nghìn đồng/kg. Các loại cây trồng khác như dưa bao tử, mướp đắng, bí xanh… giá cả cũng khá ổn định và được thu mua kịp thời. Nhớ lại những mùa thu hoạch trước, anh Thưởng trầm ngâm: Trước đây, năm nào được mùa là năm đó lo lắng nhất. Thu hoạch xong cứ đi lòng vòng hết chợ này sang chợ khác mà không bán nổi vì những người mua trả quá rẻ. Có lần tôi phải bán sọt dưa của mình với giá 2.000 đồng/kg tại chợ trên thành phố. Nay tham gia tổ hợp tác, chúng tôi được ký hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm, được các công ty hỗ trợ một phần chi phí sản xuất như giống cây, phân bón, tre, nứa để làm giàn... Dịp Tết đến không còn phải chạy đôn chạy đáo bán rau quả.

Anh Hoàng Trọng Tuyến, Tổ trưởng Tổ hợp tác nông sản xóm 13, xã Khánh Thành cho biết: Tháng 5-2013, Hội Nông dân xã thành lập Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản xóm 13 với mục đích giúp nông dân có điều kiện được trao đổi, được tập huấn về kỹ thuật canh tác, quy trình sản xuất và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm an toàn. Để có người tham gia tổ hợp tác, tôi đã cùng với lãnh đạo xóm, cán bộ chi hội nông dân đi tuyên truyền, vận động những người có tâm huyết tham gia.

Ban đầu có 26 hộ đại diện cho 107 hộ trong xóm tham gia. Hàng tháng tổ chức họp tổ ít nhất 1 lần để thống nhất trồng cây gì, trồng vào lúc nào để các hộ cùng làm nhằm tạo ra vùng hàng hóa tập trung; liên kết trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh… Đặc biệt tổ hợp tác đã cử những người có kinh nghiệm tìm kiếm đơn hàng, ký hợp đồng bán sản phẩm, UBND xã đứng ra làm “trọng tài”.

Trong khâu thu hoạch, tổ hợp đã điều hành lịch thu hoạch vào thời điểm nào để có giá cao nhất, lịch thu mua cụ thể từng hộ. Tổ viên còn phải tuân thủ các nội dung của hợp đồng đã ký kết với cơ sở thu mua rau màu như: Canh tác theo đúng diện tích đã đăng ký, tuân thủ thời gian ngừng bón phân và phun thuốc BVTV, trước khi thu hoạch từ 15 - 20 ngày, tổ viên phải thông báo cho cơ sở biết để cử người xuống lấy mẫu đi xét nghiệm, kiểm tra lượng tồn dư thuốc BVTV.

Đến nay tổ hợp có 70 hộ tham gia, tạo việc làm thường xuyên cho 140 lao động gia đình. Các thành viên đã mạnh dạn áp dụng một số mô hình luân canh như dưới rãnh trồng lúa theo vụ, trên luống trồng mướp đắng, bí xanh, dưa leo, dưa xuất khẩu, hiệu quả sử dụng đất rất cao. Ngoài ra các hộ còn tận dụng diện tích mặt nước, ao hồ, rãnh để thả cá, rau rút, nuôi lươn, trạch đồng. Nhờ đó thu nhập bình quân trong năm đạt từ 25 đến 27 triệu đồng/sào. Nhiều hộ trước đây rất khó khăn về kinh tế, thậm chí là đối tượng nghèo, cận nghèo nay đã có nhiều hộ thoát nghèo, có thu nhập khá, đầu tư cho con cái học tập.

Bà Đoàn Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Tổ hợp tác là mô hình kinh tế tập thể phát triển rất nhanh trong những năm vừa qua, do phù hợp nhu cầu của người lao động, đặc biệt là người lao động nghèo. Mô hình này đáp ứng và khắc phục được một số hạn chế, yếu kém của kinh tế hộ, như thiếu vốn, công cụ, kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất; giảm bớt rủi ro và tăng sức cạnh tranh, khắc phục một số bất cập của nền kinh tế thị trường.

Ngoài ra, tổ hợp tác đã và đang có vai trò rõ nét trong việc nâng cao năng lực của kinh tế hộ; giúp các thành viên sử dụng có hiệu quả nguồn lực lao động, vật tư, tiền vốn, đất đai; tiếp nhận thông tin, tiến bộ khoa học - kỹ thuật, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên…

Từ năm 2012 đến nay, các cấp Hội nông dân đã hướng dẫn thành lập mới được 75 mô hình kinh tế tập thể, trong đó có 7 hợp tác xã và 68 tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả. Để hỗ trợ mô hình kinh tế tập thể, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai cho vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân thông qua 94 dự án. Các cấp hội cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp với các ngành để tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ, hội viên nông dân kiến thức và phương pháp vận động nông dân tham gia kinh tế tập thể; hướng dẫn, tư vấn cho các nhóm hộ được vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đang cùng sản xuất một ngành hàng đứng ra thành lập các tổ hợp tác.

Liên kết trong sản xuất nông nghiệp đang trở thành xu hướng phát triển mới trong nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Hiệu quả do liên kết đem lại cũng rõ nét. Người nông dân tăng thêm thu nhập, sản phẩm làm ra không bị bấp bênh, đời sống được nâng lên rõ rệt. Và như vậy sẽ có thêm nhiều cánh đồng xuân được nhân rộng.

Đào Duy

Các tin mới:

25/2/2015
25/2/2015
25/2/2015
25/2/2015
25/2/2015
25/2/2015
25/2/2015
25/2/2015
25/2/2015

 

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang