• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Khánh Hòa: Những nhà nông sáng tạo

Nguồn tin:  Báo Khánh Hòa, 29/10/2015
Ngày cập nhật: 2/11/2015

Bình dị, chân chất nhưng những nhà nông mà chúng tôi gặp luôn tràn trề sức sáng tạo. Với họ, sáng chế ra một thiết bị, cải tiến dụng cụ hay phục tráng giống cây trồng không nhằm mục đích thi tài mà đơn giản chỉ là muốn góp phần giúp nông dân tiết kiệm được công sức, việc đồng áng thuận lợi, bớt vất vả và hiệu quả hơn…

Nhà sáng chế không bằng cấp

Là thợ cơ khí không bằng cấp, nhưng ông Trần Đức Mạnh (53 tuổi, trú thôn Cư Thạnh, xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) không thiếu những giải pháp sáng tạo liên quan đến việc sản xuất của nhà nông. Mới đây, ông sáng chế ra máy xúc rơm và máy ép phế liệu được nông dân trong và ngoài tỉnh biết đến. “Mỗi lần hốt rơm, nông dân phải căng sức để cào, gom từng đống rơm rồi chất lên xe rất vất vả. Vì thế, tôi nảy sinh ý tưởng và tìm tòi chế tạo máy xúc rơm...”, ông Mạnh nói. Máy xúc rơm của ông lấy ý tưởng từ máy xúc lật thường sử dụng để vận chuyển hàng hóa tại các nhà máy, kho bãi; kết hợp cả khâu xúc và khâu nâng đổ. Nhìn chiếc máy thật đơn giản nhưng công năng rất lớn và rất tiện ích. Ông Mạnh cho biết, một ngày máy có thể gom được 10 xe rơm, gấp 30 lần sức người. Hiện một máy xúc rơm 2 chức năng có giá 20 triệu đồng. Máy rất tiện cho nông dân, vừa tận dụng nguồn phế thải nông nghiệp, vừa bảo vệ môi trường, không phải đốt bỏ rơm rạ gây ô nhiễm...

Máy xúc rơm - Một sáng chế của nhà nông Trần Đức Mạnh

Xuất phát từ đề nghị của một người bà con, sau hàng tháng trời mày mò, nghiên cứu, ông Mạnh còn sáng chế ra máy ép phế liệu thủy lực 2 chiều và được rất nhiều khách hàng đón nhận. Ông cho biết, máy kết hợp nhiều tính năng kỹ thuật, đặc biệt là cải tiến hệ thống tăng lực tạo ra sức ép vô cùng lớn. “Từ ngày có máy ép phế liệu, thể tích 6 xe phế liệu kềnh càng trước đây giảm chỉ còn 1 xe, tiết kiệm 60 triệu đồng cước vận chuyển mỗi lần chở từ Nha Trang đi TP. Hồ Chí Minh”, ông nói.

Tuy đang mắc bệnh hiểm nghèo (bị bệnh ung thư giai đoạn cuối), nhưng khi nhắc đến chuyện chế tạo máy móc, ông lại trở nên hào hứng. “Tôi đang thực hiện nhiều đơn hàng mới như: chế tạo máy xay đá thành cát, máy gặt thế hệ 2... Tuy sức khỏe yếu nhưng đối với tôi, ngày nào còn làm việc là ngày đó còn góp sức cho đời...”, nhà sáng chế không chuyên bày tỏ.

Máy ép phế liệu thủy lực tiết kiệm công vận chuyển

Cải tiến dụng cụ trỉa bắp

Chúng tôi tìm về xã Xuân Sơn, huyện Vạn Ninh khi hay tin một nông dân ở đây vừa sáng tạo ra bộ dụng cụ trỉa bắp và đoạt giải nhì tại Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật (KHKT) lần thứ VI (không có giải nhất), do Liên hiệp các hội KHKT tỉnh tổ chức. Gặp chúng tôi, anh Nguyễn Xuân Tân, chủ đề tài khoe: “Các anh ở Hội Nông dân tỉnh đang động viên tôi dự thi cuộc thi Nhà nông sáng tạo do Trung ương Hội Nông dân tổ chức...”.

Dụng cụ trỉa hạt sử dụng hiệu quả tại vùng đồi núi Xuân Sơn

Với địa hình đồi núi, vùng đất Xuân Sơn thích hợp làm nương rẫy, trong đó bắp là cây trồng chủ lực. Tuy nhiên, mỗi lần trỉa bắp, nông dân phải cày ải, bừa cho tơi xốp, sau đó dùng máy kéo hàng để tra hạt, hoặc trồng theo cách truyền thống là người đi trước dùng cây nhọn chọc lỗ, người đi sau tra hạt và lấp đất. Cách làm này tốn nhiều công, tiền thuê thiết bị cơ giới và nhân công. Vì thế, anh Tân đã tìm tòi, sáng tạo ra bộ dụng cụ trỉa bắp làm lợi công lao động cho nhà nông.

Để minh chứng cho những gì mình nói, anh Tân đem bộ dụng cụ trỉa bắp ra rẫy cạnh nhà, làm thử cho chúng tôi xem. Anh cắm thẳng tuýp sắt một đầu có gắn mỏ vịt vào đất, tay bóp nhẹ cần bóp, tự động một hạt bắp rơi xuống, gạt nhẹ lớp đất trên mặt là trỉa xong một lỗ và tiếp tục chuyển sang lỗ khác.

Dụng cụ tra hạt này không chỉ giúp nông dân tiết kiệm công sức, thời gian, tiền bạc mà còn áp dụng cho cả đất bằng hay đất rẫy, đồi núi dốc. Người dân chọc lỗ đến đâu, hạt tự rơi xuống lỗ, tránh bỏ sót lỗ như cách trồng truyền thống. Theo anh Tân, bộ dụng cụ này rất dễ làm, giá thành rẻ, chỉ cần 200.000 - 300.000 đồng là có thể đặt cho thợ cơ khí làm nếu có hình mẫu. Anh dự định cải tiến bộ dụng cụ trỉa bắp có trợ giúp bằng máy nén hơi nhằm giảm bớt lực gây mỏi cho người sử dụng nếu thao tác trong thời gian dài, kết hợp xe đẩy mang thiết bị nén hơi trong trường hợp thực hiện trên đất bằng.

Phục tráng giống sen nội

Chúng tôi đến gặp ông Trương Dũng, tổ trưởng Tổ hợp tác trồng sen Hương Sen 1 (phường Ninh Đa, thị xã Ninh Hòa) khi ông đang bận rộn với công việc của mình tại đầm sen rộng ngút mắt của tổ. Bên những đám sen chưa kịp cải tạo, lác đác những khoảng trống sen chết là ruộng sen đã cải tạo, màu xanh tràn ngập, nổi lên những búp, hoa to cánh. “Hễ có giống sen đẹp, tốt là tôi sưu tầm cho bằng được dù ở đâu, Đồng Tháp hay Long An... Thế nhưng, trồng được một thời gian là sen nhỏ lại, năng suất kém đi. Thế là tôi phải tìm cách phục tráng...” - ông Dũng nói.

Ông Dũng phục tráng thành công giống sen nội

Theo kinh nghiệm của ông Dũng, sen trồng một thời gian thường bị thoái hóa, sâu bệnh, năng suất thấp. Vì vậy, muốn phục tráng phải chọn giống sen cao sản, có chất lượng, năng suất cao. Lựa những gương sen trung bình có hạt to, đồng đều, để khô tại cây và thu hoạch rồi phơi thật khô. Trước khi ươm phải vạt phần đầu có mũi nhọn, nhìn thấy nhân hạt sen nhưng không được làm tổn thương phần nhân này, sau đó ngâm và thay nước sạch nhiều lần, sau 3 - 5 ngày mầm nhú 3 - 5cm, đem ra ruộng cấy đã được chuẩn bị sẵn. Sau 20 ngày, bón phân NPK và sau 30 ngày có thể tách hom đem trồng...

Với cách làm này, Tổ hợp tác trồng sen Hương Sen 1 đã cải tạo được 20ha ruộng sen của các thành viên từ giống mới. Giống phục tráng cho năng suất 5 tấn/ha, cao hơn 3 tấn/ha so với khi chưa phục tráng, hiện đã bao phủ nhiều diện tích ở các địa phương trồng sen tại thị xã Ninh Hòa. Đề tài phục tráng giống sen nội của ông Dũng được Hội đồng giám khảo Hội thi Sáng tạo KHKT tỉnh lần thứ VI đánh giá cao và trao giải ba. Ông đã làm hồ sơ tham dự cuộc thi “Thần nông đất Việt năm 2015”, cuộc thi tìm kiếm ý tưởng và cơ hội đầu tư do Công ty Thăng Long Vina phối hợp với nhiều cơ quan báo chí trong nước tổ chức.

PHÚ LÂM

Các tin mới:

2/11/2015
2/11/2015
2/11/2015
2/11/2015
2/11/2015
2/11/2015
2/11/2015
2/11/2015
2/11/2015

 

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang