• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Sóc Trăng mở hướng phát triển nông nghiệp bền vững

Nguồn tin:  Nhân Dân, 16/10/2015
Ngày cập nhật: 18/10/2015

Thu hoạch lúa ở Sóc Trăng.

Nhờ tổ chức khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng về đất đai, giống, cơ cấu mùa vụ và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, 5 năm qua (2010-2015) ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã giành được những thành tựu to lớn, góp phần nâng cao đời sống nông dân và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Từ chỗ bảo đảm an ninh lương thực là chính, đến nay, mỗi năm Sóc Trăng cung cấp khoảng 800 nghìn tấn gạo và hàng trăm nghìn tấn thủy hải sản phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Phát triển lúa thơm đặc sản

Trước đây, Sóc Trăng chỉ sản xuất lúa độc canh, mỗi năm một vụ, năng suất thấp, tổng sản lượng chỉ đạt 800 nghìn tấn. Những năm qua, bằng các nguồn lực của Nhà nước và huy động trong nhân dân, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi nội đồng, chủ động tưới tiêu, ngăn mặn, giữ ngọt, tích cực chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

Từ năm 2010 đến nay, chỉ với hơn 160 nghìn ha đất trồng lúa, nhưng tổng sản lượng lúa của Sóc Trăng luôn đạt từ 2 đến hơn 2,2 triệu tấn/năm. Có được kết quả này là bởi tỉnh không chỉ chú trọng đến năng suất mà còn đặc biệt quan tâm chất lượng giống lúa và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Những cán bộ, kỹ sư nông nghiệp địa phương tích cực thực hiện nhiều đề tài, dự án lai tạo chọn lọc giống lúa thơm đặc sản phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, sinh thái của từng vùng và đưa vào sản xuất. Đến nay đã có 21 giống lúa đặc sản ST, trong đó có ba loại giống chủ lực hiện đang được sản xuất trên phần lớn diện tích là ST5, ST20 và ST21, với chất lượng hạt gạo dài, cơm mềm dẻo, thơm mùi hương dứa, hương cốm, được coi là giống lúa thơm đặc sắc nhất không chỉ của Sóc Trăng mà của cả Việt Nam. Hiện nay, tỉnh xây dựng được nhiều mô hình sản xuất lúa đặc sản theo hướng GlobalGAP ở Hợp tác xã (HTX) lúa - tôm Hòa Lời của huyện Mỹ Xuyên; HTX Vĩnh Tiến - Vĩnh Biên, thị xã Ngã Năm; xã Viên An - Viên Bình, huyện Trần Đề với hàng trăm ha/vụ, năng suất lúa đạt 7 - 8 tấn/ha. Ở thời điểm này, giá xuất khẩu gạo ST5 luôn ở ngưỡng 600 USD/tấn, còn gạo ST20 có giá xuất khẩu từ 800 USD/tấn trở lên, tính ra lợi nhuận từ giống lúa ST20 cao hơn lúa thường khoảng 9,6 triệu đồng/ha. Không như một số giống ST khác chỉ thích hợp với vùng phèn mặn, canh tác hai vụ lúa/năm, giống ST21 ngắn ngày hơn, thích nghi với cả vùng nước ngọt và luôn đạt sản lượng cao, chất lượng gạo thơm ngon hơn. Hiện nay, gạo ST21 đang được thị trường trong và ngoài nước tiêu thụ rất mạnh. Nhờ đó, ngành nông nghiệp địa phương xây dựng thành công đề án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm gạo thơm Sóc Trăng ”, nhằm xác định tiêu chí, đặc tính cần chứng nhận của sản phẩm gạo thơm Sóc Trăng được bảo hộ, sử dụng và quản lý, có cơ quan thẩm quyền chứng nhận, tạo điều kiện cho sản phẩm lưu thông trên thị trường trong và ngoài nước. Với quy trình này, cùng với việc ứng dụng công nghệ hạt giống đúng mức hiện nay, sản phẩm gạo thơm đặc sản Sóc Trăng được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Gạo thơm Sóc Trăng”.

Phát huy lợi thế này, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ 12 nhiệm kỳ 2011 - 2015 đã đề ra chỉ tiêu, phấn đấu đến năm 2015 diện tích trồng lúa đặc sản đạt hơn 20% diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh. Đồng thời, giao UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng “Đề án Phát triển sản xuất lúa đặc sản đến năm 2015”. Theo đó, tỉnh quy hoạch vùng sản xuất lúa thơm đặc sản ở 34 xã, thị trấn trên địa bàn các huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị và thị xã Ngã Năm. Tính đến cuối năm 2014, diện tích lúa đặc sản của toàn tỉnh đạt 92.800 ha, gồm các giống lúa ST, Tài Nguyên mùa và các giống lúa thơm nhẹ khác, đạt gần 26% diện tích gieo trồng. Năm nay, diện tích lúa đặc sản của Sóc Trăng ước đạt 100 nghìn ha, tăng hơn 30 nghìn ha so với kế hoạch của đề án. Vùng thực hiện đề án được quy hoạch sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn gắn với hợp đồng đầu tư, tiêu thụ sản phẩm với các công ty kinh doanh lúa gạo trong và ngoài tỉnh. Cách làm này tạo sự gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong việc đầu tư sản xuất lúa gạo chất lượng cao cung cấp cho thị trường. Việc phát triển vùng sản xuất lúa thơm đặc sản chất lượng cao xuất khẩu của tỉnh Sóc Trăng không chỉ khẳng định hướng đi đúng trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà còn nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho hạt gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, còn giúp nông dân tiết kiệm chi phí vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Đây cũng là cơ hội để tỉnh nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu gạo, tăng thu nhập cho người trồng lúa.

Một thành tựu nổi bật khác được ghi nhận là việc triển khai thực hiệu có hiệu quả Dự án “Hỗ trợ nông dân mua máy gặt đập liên hợp (GĐLH) thực hiện cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa giai đoạn 2011 - 2015 ” theo Quyết định 820/QĐ, ngày 7-9-2011 của UBND tỉnh. Phấn đấu đến năm 2015 có 90% diện tích gieo trồng lúa được thu hoạch bằng máy GĐLH. Theo đó, dự án hỗ trợ đầu tư cho nông dân mua 250 máy GĐLH có công nghệ hiện đại, thiết bị tiên tiến; Ngân hàng NN - PTNT cho vay 70% giá trị máy, ngân sách tỉnh hỗ trợ lãi suất hai năm đầu. Đến nay, các máy GĐLH đều bảo đảm tính năng kỹ thuật cao, như gặt nhanh, ít hao hụt, máy ít bị hư hỏng lại có khả năng thu hồi vốn nhanh, sinh lời cao, được nông dân ưa chuộng. Theo người dân cho biết, lúa thu hoạch bằng máy GĐLH có chất lượng tốt, hạt lúa khô, ít lẫn tạp chất cho nên bán được giá cao, thu nhập tăng thêm khoảng 2 triệu đồng/ha; trong khi mức độ hao hụt gần 2%, giảm 3,1% so với thu hoạch thủ công, nông dân Sóc Trăng có thêm khoảng 65 nghìn tấn lúa/năm, tương đương 325 tỷ đồng. Nhờ thực hiện tốt dự án này mà Sóc Trăng đã nâng tỷ lệ thu hoạch bằng máy GĐLH từ 15% năm 2010 lên hơn 90% vào cuối năm 2014, riêng vụ đông xuân đạt 99%. Từ kết quả này, Bộ NN - PTNT đã nghiên cứu, tổng kết và kiến nghị Chính phủ ban hành Quyết định 68/2013/QĐ-TTg, ngày 14-11-2013 về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, thay thế QĐ 63, 65 QĐ/TTg của Chính phủ về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản có những điểm chưa phù hợp.

Đặc biệt, từ khi phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi phát triển, mô hình chăn nuôi bò sữa ngày càng mở rộng. Toàn tỉnh có gần 2.500 hộ ở các huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên, Mỹ Tú, Châu Thành tham gia dự án phát triển chăn nuôi bò sữa với hơn bảy nghìn con, tăng 64,26% so cùng kỳ năm trước. Năng suất sữa đạt 4.000 kg/con/chu kỳ; sản lượng sữa tươi năm 2015 ước đạt 10 nghìn tấn. Hiện tại, sản phẩm sữa của các hộ dân được HTX Nông nghiệp Evergrowth thu mua toàn bộ, đầu ra được bảo đảm, giá cả ổn định, người dân yên tâm phát triển chăn nuôi. Nhờ chăn nuôi bò sữa mà kinh tế nhiều hộ dân phát triển đáng kể, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đa dạng hóa ngành nghề ở nông thôn.

Đẩy mạnh nuôi trồng, khai thác thủy sản

Không chỉ phát triển lúa thơm đặc sản, chăn nuôi bò sữa mà Sóc Trăng còn được biết đến là vùng nuôi tôm trọng điểm của khu vực và cả nước. Xác định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh ưu tiên tập trung đầu tư phát triển cả về nuôi trồng, khai thác và chế biến xuất khẩu. Bằng các nguồn vốn của Trung ương và địa phương, tỉnh quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản. Như Dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản huyện Trần Đề, Cù Lao Dung, Mỹ Xuyên; Lai Hòa - Vĩnh Tân; Vĩnh Phước - Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Châu… Qua đó, hơn 40 nghìn ha đất nhiễm mặn, đất một vụ lúa bấp bênh được cải tạo, nâng cấp chuyển sang nuôi tôm đạt hiệu quả cao. Mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến, mô hình nuôi công nghiệp và bán công nghiệp không ngừng được mở rộng về diện tích, quy mô, với năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Năm 2015, Sóc Trăng có gần 46 nghìn ha thả nuôi tôm nước lợ; trong đó phần lớn diện tích là nuôi công nghiệp, bán công nghiệp với hơn 6 tỷ con giống. Năm nay, tôm nuôi bị thiệt hại còn ở mức khá cao, 24,3% tổng diện tích nuôi toàn tỉnh. Trong khi một bộ phận người nuôi tôm không còn mặn mà với con tôm sú vì dịch bệnh thì ở vụ nuôi này, ngành nông nghiệp địa phương hướng dẫn kịp thời kỹ thuật cho bà con phát triển mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng được xem là thành công. Với lợi thế thời gian nuôi ngắn, bán giá cao, thu lời nhiều, vụ nuôi năm nay, toàn tỉnh đã thả nuôi 24.400 ha tôm thẻ chân trắng, kết quả thu hoạch bình quân 3,5 tấn/ha. Nâng sản lượng tôm nuôi cả năm ước đạt 82 nghìn tấn, tăng 27 nghìn tấn so với năm 2010, góp phần đưa tổng sản lượng thủy hải sản của tỉnh ước đạt 210.850 tấn. Tạo nguồn nguyên liệu thủy sản dồi dào đáp ứng cho ngành chế biến thủy sản phát triển mạnh, sản xuất ra nhiều sản phẩm thủy sản xuất khẩu.

Với lợi thế chiều dài 72 km bờ biển, cùng một ngư trường khai thác rộng lớn, nghề khai thác biển của tỉnh cũng có sự phát triển vượt bậc. Nếu như năm 2011, toàn tỉnh có 1.059 tàu khai thác, thì đến nay số tàu khai thác đã tăng lên 1.151 chiếc, với tổng công suất 133.883 mã lực, trong đó có 313 chiếc khai thác xa bờ, với công suất bình quân 330 mã lực/chiếc. Sản lượng khai thác biển và đánh bắt nội địa năm 2014 đạt 58.383 tấn, tăng hơn 5 nghìn tấn so với năm 2011. Dịch vụ hậu cần nghề cá từng bước được củng cố và phát triển, đáp ứng nhu cầu dịch vụ nghề cá của tỉnh. Đồng thời nâng cấp, cải tạo hệ thống cảng cá Trần Đề; hỗ trợ ngư dân đóng mới, cải hoán tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Đặc biệt, đã thành lập được 22 tổ Hợp tác tàu thuyền đánh bắt thủy sản và bến bãi an toàn có 377 chủ tàu tham gia; thành lập hai nghiệp đoàn đánh bắt thủy sản ở thị trấn Trần Đề và Hải Ngư (Vĩnh Châu).

Đẩy mạnh nuôi trồng, khai thác thủy hải sản trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tỉnh đề ra mục tiêu từ nay đến năm 2020, đạt tổng sản lượng 97,5 nghìn tấn tôm nguyên liệu, 90 nghìn ha nuôi thủy sản, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 900 triệu USD. Theo đó, tỉnh ưu tiên đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi và hạ tầng cơ sở vùng nuôi tôm một cách đồng bộ; mở rộng diện tích nuôi theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp trên cơ sở quy hoạch 35 nghìn ha, hình thành vùng nuôi tôm tập trung theo công nghệ cao. Đầu tư con giống, xử lý bảo vệ môi trường, tăng cường công tác quản lý giá thức ăn, thuốc thú y thủy sản. Tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn, đào tạo nguồn lao động có kỹ thuật đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững. Ngoài việc thực hiện ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp chế biến với người sản xuất tôm, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, giúp người dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.

Thực hiện hiệu quả xây dựng nông thôn mới

Với tinh thần tự lực, tự cường, sự năng động, sáng tạo và tư duy đổi mới, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng và nhân dân trong tỉnh nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chương trình đã trở thành phong trào sâu rộng, huy động được cả hệ thống chính trị với sự nỗ lực lớn của chính quyền cơ sở, sự đồng thuận của quần chúng nhân dân. Đối với các tiêu chí khó, các địa phương có cách làm sáng tạo và được người dân đồng tình ủng hộ. Qua bốn năm (2011 - 2014) thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã huy động được 6.760 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 588 tỷ đồng, hiến hàng nghìn mét vuông đất làm đường giao thông nông thôn, xây dựng hệ thống thủy lợi, trường học, trạm y tế… Chỉ tính riêng sáu tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh đã khởi công xây mới 122 công trình trọng điểm; tiếp tục đầu tư hơn 18.893 triệu đồng cho 69 xã xây dựng nông thôn mới, gồm 38 xã đặc biệt khó khăn, 10 xã bãi ngang, 15 xã khu vực và sáu xã khác, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ dân sinh. Đến nay, tỉnh có 17 xã điểm được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, hai xã Đại Tâm, Hòa Tú 2 cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí đang chờ thẩm định. Số còn lại có năm xã đạt 15 tiêu chí, 11 xã đạt 14 tiêu chí, 11 xã đạt 13 tiêu chí, 20 xã đạt 12 tiêu chí, chín xã đạt 11 tiêu chí, bốn xã đạt 10 tiêu chí và một xã đạt 9 tiêu chí.

Thành công bước đầu trong xây dựng nông thôn mới ở Sóc Trăng cho thấy, ngành nông nghiệp địa phương đóng vai trò rất quan trọng, nhiều chỉ tiêu về phát triển sản xuất đều đạt và vượt kế hoạch, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, tạo điều kiện cho người dân đóng góp tích cực phong trào xây dựng nông thôn mới. Nhiều công trình cơ sở hạ tầng được xây mới, làm cho bộ mặt làng quê đổi thay nhanh chóng. Đời sống vật chất, tinh thần người dân được quan tâm hơn; tổ chức sản xuất có những chuyển biến tích cực, thu nhập người dân được cải thiện đáng kể. Có thể nói, Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Sóc Trăng đã và đang được ngành nông nghiệp địa phương tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả và có sức lan tỏa sâu rộng trên khắp địa bàn tỉnh.

ĐỖ NAM, LÊ MINH TRƯỜNG

Các tin mới:

18/10/2015
18/10/2015
18/10/2015
18/10/2015
18/10/2015
18/10/2015
18/10/2015
18/10/2015
18/10/2015

 

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang