• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

“Vua sáng chế”

Nguồn tin:  Báo Ảnh Đất Mũi, 05/10/2015
Ngày cập nhật: 15/10/2015

Đó là biệt danh mà nhiều người phong tặng cho anh Lê Minh Tâm (sinh năm 1964), nông dân ở ấp Hiệp Dư, xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, bởi anh đã có những sáng chế đem lại lợi ích thiết thực trong lao động, sản xuất và cuộc sống hằng ngày. Điều đáng quý là anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều người dân áp dụng, để chính “vua sáng chế” và bà con nông dân trong vùng cùng làm giàu trên quê hương vùng bãi ngang ven biển Nguyễn Huân… Những sáng chế ấy được vinh danh bởi ý nghĩa nhân văn sâu sắc của nó. Anh cũng là một trong 300 gương mặt nông dân xuất sắc được tuyên dương tại Đại hội thi đua yêu nước và biểu dương nông dân điển hình tiên tiến toàn quốc lần thứ IV, vào tháng 9 vừa qua.

Máy sên bùn cải tiến, mô hình nuôi tôm bằng phương pháp lọc nước sinh học, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến theo phương pháp lọc nước bằng cỏ nước mặn, là 3 sáng chế được anh Tâm hun đúc hàng chục năm mới có được.

Máy sên bùn cải tiến thân thiện với môi trường, với đặc tính ưu việt: Khi sên chỉ lên bùn đặc, không lên nước, ít ảnh hưởng đến vật nuôi trong vuông, góp phần hạn chế ô nhiễm cho các hộ nuôi tôm trong vùng…

Trong khốn khó, ló… sáng kiến

Sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân nghèo ở ấp Long Điền, huyện Long Hải, tỉnh Bạc Liêu, cha hy sinh trong kháng chiến năm 1972, bị giặc đốt nhà, 5 mẹ con lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất” năm anh Tâm lên 8 tuổi. Tuổi thơ anh gắn liền với những tháng ngày cơ cực.

Anh Tâm nhớ lại: “Năm 1991, tôi như thằng “bụi đời” lang thang đến Hiệp Dư, vùng đất bãi ngang ven biển để lập nghiệp. Với hai bàn tay trắng, tôi không thể làm gì được, nên nhờ mấy người bạn vay giùm 2 lượng vàng mua 2,5ha đất, với suy nghĩ “làm vuông trúng sẽ trả nợ từ từ”. Nhưng 5 năm làm vuông, tôm chết liên tục, không tiền trả nợ nên nợ cả vốn lẫn lãi lên đến chục lượng vàng”. Sau nhiều năm suy nghĩ, nghiên cứu nguyên nhân gây nên tình trạng tôm chết kéo dài, anh Tâm xác định: Bên kia sông, người dân nhiều đời làm rẫy, sau mỗi đợt thu hoạch thì người dân cuốn rẫy bỏ xuống sông với lượng lớn, gây ô nhiễm môi trường nước, cùng với nguồn nước ô nhiễm từ bùn sên vuông đổ ra sông; khi dân lấy nước vào vuông, tôm sẽ chết kéo dài.

Nợ nần chồng chất, trước nguy cơ trắng tay lần nữa, cùng với việc biết được nguyên nhân khiến vuông tôm của anh và bà con trong vùng thất bát quanh năm, càng thôi thúc anh Tâm nghiên cứu, tìm giải pháp khắc phục và đó cũng là động lực giúp anh quyết tâm sáng chế những dụng cụ, phương pháp sản xuất mới, áp dụng hiệu quả trong sản xuất.

Những sáng chế “cứu” nông dân

Người dân khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh biết đến anh Tâm qua sáng chế đầu tiên của anh vào năm 2011: Chiếc máy sên bùn cải tiến. Anh Tâm cho biết: Vì diện tích đất tương đối lớn, hằng năm gia đình phải chi từ 20 - 30 triệu đồng cho tiền thuê sên vuông. Mặt khác, Nhà nước có chủ trương cấm sên, thải bùn trực tiếp ra sông, đất rộng, lượng nước và bùn sên nhiều không đủ chỗ chứa… Xót tiền, cùng với những khó khăn trong việc bao ví bùn sên, anh nghĩ: “Sao mình không sáng chế chiếc máy sên bùn, chỉ lên bùn đặc, một mặt tiết kiệm chi phí cho gia đình, mặt khác góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường cho bà con trong vùng?”. Trên 10 năm nghiên cứu, tìm tòi, đúc kết kinh nghiệm sau nhiều đợt thử nghiệm thất bại, tốn kém hàng chục triệu đồng, anh Tâm mới sáng chế thành công chiếc máy sên bùn cải tiến thân thiện với môi trường, với đặc tính ưu việt: Khi sên chỉ lên bùn đặc, không ảnh hưởng đến vật nuôi trong vuông, hạn chế ô nhiễm cho các hộ nuôi tôm trong vùng…

Anh Lê Minh Tâm vinh dự nhận được nhiều giải thưởng sáng tạo kỹ thuật tại các cuộc thi do tỉnh và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.

Không dừng lại ở sáng kiến máy sên bùn, những năm sau đó, anh còn nghiên cứu và áp dụng quy trình nuôi tôm bằng phương pháp lọc nước sinh học và quy trình nuôi tôm quảng canh cải tiến theo phương pháp lọc nước bằng cỏ nước mặn, cho hiệu quả kinh tế cao. Anh Tâm cho biết: “Với phương pháp lọc nước bằng cỏ nước mặn, tôi khai thông một kênh nhỏ chạy dọc theo bờ vuông dài 200 - 300m, phía dưới trồng cỏ nước mặn, đặt ống nhựa lớn dẫn nước từ sông vào đầu kênh, thông qua hệ thống lọc bằng cỏ nước mặn, nước từ sông có màu trắng đục khi đến cuối kênh, ra vuông thì trong và đã được loại tạp bẩn”. Với cách làm này, liên tiếp từ năm 2011 đến nay, từ 4ha đất nuôi tôm, hằng năm gia đình anh Tâm có thu nhập khoảng 400 triệu đồng, đặc biệt năm 2013 trên 600 triệu đồng.

Các sáng chế của anh Tâm không chỉ giúp gia đình anh vượt qua giai đoạn ngặt nghèo, trả hết nợ, mua và thuê thêm đất sản xuất gần 15ha, mà còn giúp nhiều nông dân địa phương học hỏi, áp dụng hiệu quả, từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Khi hỏi anh có ý định bán lại bản quyền sáng chế không, anh Tâm vui vẻ trả lời: “Tôi là nông dân, nhiều năm liền nuôi tôm thất bại, bên bờ vực phá sản, tôi nghiên cứu các sáng kiến là để cứu mình và khi sáng kiến được nhân rộng, sẽ cứu được nhiều nông dân khác… như vậy là mãn nguyện rồi”.

Anh thổi cả cái tâm vào các sáng kiến của mình, để rồi các sáng kiến ấy xứng đáng được vinh danh: Giải Ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Cà Mau năm 2011 với sáng kiến “Máy sên bùn cải tiến”; giải Khuyến khích Hội thi Sáng tạo nhà nông năm 2013 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam với sáng kiến “Nuôi tôm theo phương pháp lọc sinh học”; sáng kiến “Nuôi tôm quảng canh cải tiến theo phương pháp lọc nước bằng cỏ nước mặn” cũng được Hội đồng Giám khảo Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Cà Mau năm 2015 đánh giá cao.

Cán bộ gương mẫu

Anh Nguyễn Hoàng Khải, ấp Hiệp Dư, cho biết: “Tên tuổi anh Tâm không chỉ được biết đến thông qua các sáng chế mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, anh còn là nhân vật đặc biệt ở vùng đất này. “Đặc biệt” ở chỗ anh lập nên cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng và là cán bộ Chi hội Nông dân tận tụy, nhiệt tình, luôn suy nghĩ và hành động vì lợi ích cho hội viên nông dân nói riêng và cộng đồng nói chung”.

Khi kinh tế gia đình ổn định, anh Tâm có điều kiện tham gia các phong trào của địa phương. Gần 8 năm giữ vai trò Chi hội phó Chi hội Nông dân ấp Hiệp Dư, anh Tâm luôn nhiệt tình, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong các hoạt động của Chi hội; tích cực tuyên truyền, vận động hội viên chung tay thực hiện phong trào thi đua, nhất là phong trào Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Hiện nay, ấp Hiệp Dư có 8 tổ nông dân với 190 hội viên, tổng số tiền quỹ các tổ hội trong ấp xây dựng được trên 500 triệu đồng, hằng năm giúp vốn xoay vòng cho khoảng 100 lượt hội viên đầu tư cải tạo ao đầm, phát triển sản xuất; số hội viên nghèo giảm xuống từng năm, hiện còn 4 hội viên nghèo. Mục tiêu của Chi hội đang hướng đến là xóa trắng hội viên nông dân nghèo trong ấp vào cuối năm 2016. Nhiều năm liền, Chi hội Nông dân ấp Hiệp Dư hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong đó có phần đóng góp của cá nhân anh Tâm. Chính vì vậy, anh luôn nhận được sự tin tưởng của hội viên nông dân.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Huân - Nguyễn Chí Linh nhận xét: Trong quá trình công tác, anh Lê Minh Tâm có nhiều cố gắng, tích cực tham gia các phong trào, gương mẫu trong mọi hoạt động của hội, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với tính cần cù chịu khó, anh Tâm còn là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi nhiều năm liền và có nhiều sáng kiến áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, làm tiền đề để nhân rộng mô hình cho hội viên nông dân trong ấp sản xuất có hiệu quả, từng bước giúp nông dân trên vùng bãi ngang ven biển Nguyễn Huân vươn lên, chiến thắng khó nghèo.

Sở hữu 13ha đất, song nhiều năm vuông tôm thất bát liên tục. Hình ảnh tôm chết, nợ nần chồng chất cứ ám ảnh anh Lê Minh Tâm mỗi khi chợp mắt, thôi thúc anh lần lượt cho ra đời những sáng chế “độc chiêu”, giúp anh và bà con nông dân ứng dụng hiệu quả vào sản xuất, tiết kiệm chi phí, tăng năng suất sau mỗi vụ nuôi...

LOAN PHƯƠNG

Các tin mới:

15/10/2015
15/10/2015
15/10/2015
15/10/2015
15/10/2015
15/10/2015
15/10/2015
15/10/2015
15/10/2015

 

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang