• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Doanh nghiệp ngành nông nghiệp ĐBSCL: Củng cố nội lực để vững vàng hội nhập

Nguồn tin:  Báo Cần Thơ, 30/09/2015
Ngày cập nhật: 2/10/2015

Kỳ 4: Sản xuất theo chuỗi

Từ thực trạng của nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng, Chính phủ đã ban hành rất nhiều chủ trương, chính sách để làm "bệ đỡ" cho nông nghiệp hội nhập chủ động. Nhiều doanh nhân, doanh nghiệp (DN) trong vùng ĐBSCL đang tìm cách làm khác để "cởi trói" tư duy làm nông.

Thay đổi theo cấu trúc thị trường

ĐBSCL là "3 vựa" nhưng tăng trưởng kinh tế nông nghiệp của vùng thời gian gần đây rất thấp, nhiều ý kiến cho rằng, nếu dựa vào nền sản xuất nông nghiệp hiện tại thì không thể giàu có được. Và con đường thay đổi sản xuất nông nghiệp là phát triển theo chuỗi. Các chuyên gia đề xuất: "ĐBSCL cần thay đổi tư duy, không phải là trung tâm chế biến thực phẩm nữa mà hãy biến thành "nhà bếp" chế biến thức ăn cung cấp ra bên ngoài và cho du khách đến vùng". Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Cần Thơ, tính toán: "Trong chuỗi cá tra, kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,8 tỉ USD/năm. Nhưng các đầu mối phân phối sản phẩm cá tra của Việt Nam khi phân phối hàng đến hệ thống bán lẻ ở nước ngoài thì con số đã là 3 tỉ USD, chênh lệch hơn 1 tỉ đô la so với con số chúng ta thu về. Rõ ràng, nếu DN Việt có tiềm lực đầu tư hệ thống phân phối tại nước ngoài, tổ chức những kênh phân phối ở nước ngoài cũng giống như những DN nước ngoài đầu tư hệ thống phân phối tại Việt Nam thì DN việt có thể kiếm thêm nửa tỉ đô la nữa từ sản phẩm cá tra mỗi năm". Tới đây, nhu cầu thị trường là ăn không chỉ để no mà ăn để sống, để khỏe. Do đó, cần ngành thực phẩm đa dạng, cao cấp, chất lượng để đáp ứng yêu cầu phát triển mới.

Thu hoạch lúa trên Cánh đồng lớn ở vùng ĐBSCL. Ảnh: CTV

Đồng tình quan điểm này, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết: "Chất lượng sản phẩm là yếu tố quan trọng quyết định thắng lợi trong hội nhập. DN vùng ĐBSCL cần chuyển hướng từ sản xuất thô, sơ chế sang tinh chế, phát triển nông nghiệp đặc sản gắn với du lịch chất lượng cao". Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM, nguyên Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, với nhiều năm gắn bó và phát triển thị trường bán lẻ, đưa Co.op trở thành nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam, chia sẻ với DN vùng ĐBSCL về kinh nghiệm tiêu thụ nông sản: "Người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn để có sản phẩm chất lượng, an toàn. Trong điều kiện cuộc sống bận rộn, công nghiệp hóa người tiêu dùng cũng muốn mua các sản phẩm đã qua sơ chế để họ đỡ tốn thời gian chế biến thức ăn. Do đó, DN cần làm mới mình, nhà phân phối đóng vai trò kết nối DN với nhà sản xuất, nhưng phải tập trung và có sự phân công rõ ràng: nông dân làm mới lại khâu sản xuất, DN muốn có lợi nhuận từ chuỗi nông sản phải biết mình cần làm gì và đầu tư từ đâu. Nhưng không nhất thiết phải đầu tư từ A đến Z mà có thể chọn một khâu trong chuỗi". Ông Hòa dẫn chứng, trước đây, Saigon Co.op hợp tác với 1 hợp tác xã (HTX) rau ở Đà Lạt cung hàng cho siêu thị. Sau khi ngồi lại với nhau, mới phát hiện ra là rau Đà Lạt vận chuyển trong điều kiện thông thường (không có xe làm mát) thì tỷ lệ hao hụt là 10%. Nên Co.op quyết định đầu tư xe lạnh cho HTX và đặt điều kiện chia đôi phần lợi nhuận từ giảm hao hụt, phần đầu tư xe của Co.op được trừ dần vào 5% chia đôi lợi nhuận từ giảm hao hụt với HTX, khi lấy được vốn đầu tư, Co.op giao lại xe cho HTX.

ĐBSCL là vùng trũng về tất cả mọi mặt (cơ sở hạ tầng, cơ hội đầu tư…) nhưng nếu đầu tư đúng tâm lý thì đây sẽ là thị trường rất lớn, người tiêu dùng có độ chung thủy cao. Ông Trần Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá, tỉnh Đồng Tháp, nói: "Năm 1974, tôi bắt đầu nuôi cá tra, đến năm 1986 mới mạnh dạn đầu tư bài bản vùng nuôi và tham gia xuất khẩu được 10 năm nay. Hiện nay DN cá tra và các hộ nuôi nhỏ lẻ đã dần tiếp thu, tiếp cận vấn đề hội nhập, bắt đầu sản xuất, kinh doanh theo những gì mà chính sách hội nhập yêu cầu". Theo ông Hùng, khi thực hiện chuỗi giá trị cá tra, trước mắt, DN phải hỗ trợ tiếp cho các hộ nuôi cá tra, đây cũng là cách bảo vệ hình ảnh của DN. Hiện Hùng Cá liên kết với 306 hộ nuôi cá tra thương phẩm, ngoài ra có khoảng 50 hộ đang xin tham gia với công ty. Đây là những hộ năm trước bị thua lỗ, treo ao nay muốn tiếp tục tái sản xuất nên đăng ký tham gia liên kết với công ty để ổn định đầu ra và công ty sẵn sàng đón nhận. Vùng nuôi của công ty khoảng 775ha, đang chuẩn bị liên kết thêm 225ha. "Sản phẩm cá tra của Hùng Cá xuất đi nhiều nước trên thế giới, nhưng trừ thị trường Hoa Kỳ. Các thị trường khác, công ty giao hàng không kịp thì việc gì phải nhảy vào thị trường Hoa Kỳ để cạnh tranh với những DN đang làm ăn ở đây"- ông Hùng nói.

Lực đẩy từ chính sách

Ngày 17-12-2014, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua quyết định số 1985/QĐ-TTg về Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Mục tiêu của chương trình là thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia cả trước mắt và lâu dài. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; tại ĐBSCL có 3 khu nông nghiệp công nghệ cao, gồm: Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) rộng 415ha, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) 244ha được triển khai đến 2020, tại huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang) 200ha được triển khai đến 2030. Hiện các địa phương đang tập trung cụ thể hóa các quy hoạch và đề xuất danh mục dự án kêu gọi đầu tư. Bà Bùi Ngọc Vỵ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, cho biết, Sở đang xem xét, rà soát để trình UBND thành phố tổ chức hội nghị triển khai Nghị định 210 của Chính phủ về khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn để chọn ra xem những danh mục nào phù hợp với quy hoạch nhằm tìm ra các cơ chế chính sách phù hợp. Sở đã có công văn gửi cho các huyện và các sở chuyên ngành có ngành, lĩnh vực ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn để tổng hợp danh mục dự án đầu tư. Trên cơ sở này để mời gọi DN đầu tư, thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp của thành phố.

Chính sách cho DN đầu tư vào nông nghiệp đã cởi mở hơn nhưng để tạo ra những tập đoàn DN nông nghiệp mạnh cần đổi mới tư duy làm chính sách sát thực tiễn hơn. Ông Huỳnh Quang Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang, tỉnh An Giang, cho biết: "Nếu DN biết quản lý, trình độ của nông dân được nâng lên và có những định hướng rõ ràng của nhà nước thì ĐBSCL sẽ đúng là bếp ăn của thế giới". Ông Nguyễn Trọng Huy, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bến Tre, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Huy Thuận, (chuyên chế biến tôm xuất khẩu), cho rằng, phát triển nông nghiệp không thể làm cũ mà phải làm mới và phải có HTX kiểu mới, hoặc công ty cổ phần. Chẳng hạn, Nhà nước có chính sách thành lập HTX, DN có thể đóng góp 51% cổ phần, còn 49% là của thành viên HTX góp. DN đóng vai trò điều hành, quy định giá trị tài sản đóng góp (từ đất chẳng hạn) để thành viên tham gia quản trị với tư cách cổ đông. Nhưng liên kết phải có sự tham gia của chính quyền địa phương trong công tác quy hoạch vùng nguyên liệu, nhà khoa học nghiên cứu công nghệ cho từng mô hình của DN. "Đừng mơ tưởng khi đầu tư chuỗi, khép kín là có thể bán giá cao mà chúng ta phải làm sao giảm giá thành sản xuất đến mức thấp nhất để có giá bán cạnh tranh nhất"- ông Huy nói.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng, Luật HTX 2012 xác định HTX hoạt động như một DN nhưng nếu chỉ xác định HTX như một DN thì sự hỗ trợ chỉ dừng lại ở chừng mực nhất định. Cần xem HTX ngoài hoạt động theo đuổi mục đích lợi nhuận thì còn đem lại lợi ích cho nông dân, xã viên thì chúng ta mới đầu tư mạnh mẽ hơn cho HTX. "Cần khắc phục tình trạng ban hành chính sách thì hay, nhưng khi hướng dẫn lại quá nhiều quy định làm cho đối tượng thụ hưởng bị "trói tay", gặp khó không thể tiếp cận được sự hỗ trợ như mục tiêu chính sách đề ra, sợ một người gian làm ngàn người khó"- ông Hoan nói. Nếu để hàng triệu hộ sản xuất riêng lẻ sẽ không có liên kết vùng, bởi người nông dân với tư duy mùa vụ sẽ phá vỡ quy hoạch, không thể hình thành nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Cần tập hợp họ lại để hình thành HTX, tích tụ ruộng đất thông qua vai trò của HTX và DN. Bản thân DN cũng muốn HTX hoạt động mạnh lên để thương thảo, đàm phán với DN, cùng nhau phát triển bền vững.

Một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với ngành nông nghiệp là phải xây dựng và hoàn thiện các quy hoạch về nông nghiệp, triển khai các nội dung quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch gắn liền với tổ chức sản xuất theo vùng, theo ngành hàng, sản xuất theo quy mô HTX… Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, khẳng định: "Chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhưng không phải là quy trình khép kín mà phải xem đây là gói kỹ thuật mở, được cải tiến liên tục theo từng mùa vụ, từng năm để đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hiện đại. Đặc biệt, cần xây dựng chuỗi liên kết với DN, nhà khoa học, nhà quản lý và luôn cải tiến chuỗi sản xuất trên cơ sở có các chính sách từ Trung ương khuyến khích DN đầu tư triển khai các đề án xây dựng vùng nguyên liệu, bao tiêu đầu ra nông sản. DN thông qua vùng nguyên liệu để xây dựng thương hiệu và tạo sức cạnh tranh cho nông sản". Việc xây dựng thương hiệu nông sản, ngành công thương phải giữ vai trò chủ động, điều tiết, định hướng. Theo ông Quỳnh, hiện vẫn chưa hình thành được tầng lớp các DN kinh doanh nông sản chất lượng cao, nên cần vận dụng các chủ trương chung của Chính phủ, kết hợp với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, khuyến khích DN đầu tư để xây dựng nền nông nghiệp bền vững.

* Thu Minh

Các tin mới:

2/10/2015
2/10/2015
2/10/2015
2/10/2015
2/10/2015
2/10/2015
2/10/2015
2/10/2015
2/10/2015

 

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang