• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Doanh nghiệp ngành nông nghiệp ĐBSCL: Củng cố nội lực để vững vàng hội nhập

Nguồn tin:  Báo Cần Thơ, 28/09/2015
Ngày cập nhật: 1/10/2015

Kỳ 2: Thách thức từ hội nhập

Trong vai trò là thành viên tham gia đàm phán một số Hiệp định thương mại tự do (FTA), ông Trương Đình Tuyển (nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại) cho biết, các nội dung đàm phán về nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, vì nước nào cũng muốn bảo hộ nông nghiệp. Muốn đàm phán thành công ở nội dung này tất nhiên phải đánh đổi ở một nội dung khác. Các FTA đã ký kết mở ra cơ hội lớn hơn cho nông, thủy sản xuất khẩu, tuy nhiên rào cản cũng lớn hơn.

Nhiều lo ngại

Thực tế thời gian qua, bài toán về tiêu thụ nông sản Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn chưa được giải, vì thế doanh nghiệp (DN) chưa thể chủ động tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tận dụng tốt các cơ hội trong hội nhập. Một mối lo khác là biến đổi khí hậu, nước biển dâng ngày càng phức tạp và đang ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, sinh kế của người dân. Theo Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), tới đây các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu làm cho DN chạy theo rất mệt. Thị trường nhập khẩu đòi hỏi sản phẩm chất lượng, sạch, nhưng cũng đòi hỏi giá cả cạnh tranh. Kim ngạch xuất khẩu có thể tăng nhưng các quy định về kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ là rào cản lớn với DN Việt. Đây là cuộc chiến về giảm chi phí, DN vùng ĐBSCL muốn làm được điều này, đòi hỏi phải đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất và quản trị, nhưng đây là điểm yếu nhất của DN.

Bà Trần Thị Vân Loan, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long, tỉnh An Giang cho rằng, mỗi thị trường có tiêu chí khác nhau, đòi hỏi DN phải đạt rất nhiều tiêu chí và phải ứng phó với sự biến động giảm giá đồng nội tệ của các nước nhập khẩu. "FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á- Âu (Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan) được ký kết hồi tháng 5-2015, thì tất cả DN Việt Nam đều có cơ hội vào thị trường Nga, nhưng Nga lại làm rất khác và hiện rất ít DN xuất khẩu vào thị trường này. DN của tôi đạt rất nhiều tiêu chuẩn quốc tế nhưng cũng không vào được thị trường Nga, họ không công bố tiêu chuẩn nên DN không biết đâu mà lần! Còn với thị trường Mỹ, nếu TPP được ký kết thì chưa chắc Mỹ dỡ bỏ hàng rào chống bán phá giá với sản phẩm cá tra của DN Việt Nam"- bà Loan băn khoăn. Còn theo một DN ngành tôm, DN rất muốn chủ động nguồn nguyên liệu tại chỗ nhưng rất khó, DN không thể đi nuôi tôm, vì không có công nghệ, vốn đầu tư. Ngân hàng có chính sách hỗ trợ vốn ưu đãi cho ngành thủy sản, nhưng không phải DN nào cũng "chạm" được.

Với FTA Việt Nam - Hàn Quốc ký kết tháng 5-2015, ở mặt hàng tôm, Hàn Quốc cấp hạn ngạch cho Việt Nam 10.000 tấn/năm và tăng dần sau 5 năm đến mức 15.000 tấn/năm với thuế suất 0%. Trong ảnh: Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty TNHH Thực phẩm Thủy sản Nam Hải, TP Cần Thơ. Ảnh: M. HUYỀN

Mới đây, tháp tùng cùng Đoàn công tác Ủy ban giám sát tài chính quốc gia làm việc với lãnh đạo, DN TP Cần Thơ, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, cho biết: "Trên thế giới sẽ có những nơi dư thừa nguồn cung lương thực và những thiếu hụt lương thực, đòi hỏi phải có sự cân đối cung- cầu, phân phối hợp lý giữa các quốc gia thông qua xuất, nhập khẩu hàng hóa. DN buộc phải chấp nhận cuộc chiến hội nhập, đi theo quy luật thị trường. Chẳng hạn, sản phẩm thủy sản Việt Nam muốn vào thị trường Mỹ phải chịu ảnh hưởng, ràng buộc của Luật Nông trại Mỹ cùng các rào cản kỹ thuật khác". Các FTA đã ký kết mở ra cơ hội lớn hơn cho nông, thủy sản xuất khẩu, nhưng hiện DN Việt Nam mới tận dụng được 2.500 tấn tôm miễn thuế trong tổng số 5.000 tấn/năm dành cho 10 nước ASEAN vào thị trường Hàn Quốc. Với FTA Việt Nam- Hàn Quốc ký kết hồi tháng 5-2015, với mặt hàng tôm, Hàn Quốc cấp hạn ngạch cho Việt Nam 10.000 tấn/năm và tăng dần sau 5 năm đến mức 15.000 tấn/năm thuế suất 0%. Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan cho rằng, đối với FTA Việt Nam- Hàn Quốc, phía Hàn Quốc cam kết cắt giảm 91% dòng thuế cho hàng hóa Việt Nam, nhưng DN Việt phải đáp ứng yêu cầu về "Quy tắc xuất xứ hàng hóa", điều này không phải DN Việt nào cũng vượt qua được.

Loay hoay tìm lối ra

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan trăn trở: Có một chuyên gia nói rằng Việt Nam "vô địch" khi ký rất nhiều FTA, nhưng liên kết của DN rất kém, nội lực yếu. Còn một vị lãnh đạo ngành công thương cho rằng, Việt Nam luôn tự hào xuất khẩu gạo tốp đầu thế giới lớn nhưng hãy nhìn lại xem thị trường nào ăn gạo của chúng ta, đa phần là thị trường cấp thấp, vì chúng ta thiếu gạo ngon, đặc sản. Campuchia không xuất khẩu gạo nhiều như Việt Nam nhưng họ có con đường khác, tập trung một vài dòng sản phẩm đặc sản chủ lực để đi vào các thị trường phân khúc cấp cao, nên giá trị xuất khẩu lớn.

Với thâm niên trong ngành gạo hơn 20 năm và có những thành công nhất định trong cách làm thương hiệu gạo, ông Phạm Minh Thiện, Phó Giám đốc DNTN Cỏ May, tỉnh Đồng Tháp, cho biết: "Lâu nay, chúng ta đặt nặng khai thác vòng quay của đất. Các viện trường chủ yếu nghiên cứu giống năng suất cao, ngắn ngày theo yêu cầu sản xuất của nông dân, các địa phương làm đê bao để sản xuất lúa vụ 3. Điều này vô hình trung đẩy áp lực lên hạt lúa gạo, do sản lượng ngày càng tăng trong khi thị trường tiêu thụ không tăng. Chúng ta còn đặt vấn đề liên kết "4 nhà": nhà nông-nhà khoa học- DN- nhà quản lý; trong đó đặt trọng tâm là liên kết giữa nông dân- DN để bao tiêu sản phẩm. Tại sao chúng ta không đặt vấn đề liên kết giữa DN- nhà khoa học để làm tốt hơn, hoặc làm khác đi". Theo ông Phạm Minh Thiện, DN cần giống dài ngày để đi vào thị trường cấp cao, năng suất thấp hơn cũng được nhưng chất lượng phải tốt hơn lúa ngắn ngày để có sản phẩm gạo đặc sản cạnh tranh với gạo đặc sản của Thái Lan, Ấn Độ. Đặt vấn đề này, một nhà khoa học cho rằng, họ sẵn lòng nghiên cứu nếu DN đặt hàng, nhưng không nhiều DN tìm đến thì làm sao nghiên cứu? Thực tế, có nhiều công trình nghiên cứu của nhà khoa học chưa được thương mại hóa vì thiếu sự hợp tác của DN.

Tại hội thảo về bức tranh kinh tế 2016 và các tác động của FTA đối với DN vùng ĐBSCL tổ chức ở TP Cần Thơ mới đây, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đúc kết: Sau 8 năm gia nhập WTO, đã có rất nhiều DN "hy sinh" vì không thích nghi được trong cuộc "mua chung, bán chung". Hiện tại, Việt Nam bước vào thời kỳ hội nhập mới, với những đẳng cấp cao hơn nhiều so với WTO nhưng phải chấp nhận "hy sinh" để tiến lên đẳng cấp khác. Đây là thời đại toàn cầu hóa, công nghệ và trí tuệ sẽ quyết định sự phát triển của DN, của quốc gia. ĐBSCL có lợi thế về nông nghiệp, nhưng lại không có DN dẫn đầu. Phát triển nông nghiệp bền vững, không thể dựa vào nông dân, kinh tế nông hộ mà phải phát triển chuỗi sản xuất nông nghiệp và nhân vật chính dẫn dắt chuỗi chính là DN. Chúng ta không thể vác từng bao gạo để đi bán, nhưng làm sao để ĐBSCL có DN lớn trong nông nghiệp? Nhà nước phải có chính sách để tạo ra DN gắn với nông nghiệp; chẳng hạn cách làm mà Công ty cổ phần BVTV An Giang (nay là Tập đoàn Lộc Trời) của tỉnh An Giang đã tiếp cận với nông dân ĐBSCL.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, DN là pháp nhân quan trọng trong việc định hướng thị trường, lựa chọn công nghệ và tìm nguồn vốn đầu tư. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ khuyến khích DN ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, có khá nhiều dự án được triển khai nhưng phần lớn đều thất bại. Có nhiều nguyên nhân thất bại, nhưng nguyên nhân chính là do các dự án chủ yếu dựa vào nhà nước, làm với tính chất trình diễn công nghệ của nước ngoài chứ chưa phải là dự án thương mại, chưa có sự tham gia của DN. Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho biết: "Thời gian qua, chúng ta đề cập quá nhiều về thực trạng của một nền sản xuất nhỏ, manh mún, thiếu sức cạnh tranh và muốn đưa công nghệ cao vào nông nghiệp, đã xây dựng những mô hình GAP, triển khai kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa nhằm tạo dựng thương hiệu nông sản Việt Nam, tăng khả năng cạnh tranh. Chúng ta cũng phân tích những tác động của biến đổi khí hậu đến quy hoạch vùng sản xuất và kỳ vọng thu hút DN, nhất là DN nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nhưng cùng một lúc, chúng ta không thể tìm lời giải cho từng ấy tham số nói trên". Rõ ràng, từng hộ sản xuất nhỏ lẻ sẽ không có khả năng tiếp cận thông tin thị trường, đầu tư công nghệ. Theo thống kê, hiện 60% sản lượng nông thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nên việc mất giá của đồng nhân dân tệ vừa qua đã đẩy rất nhiều DN Việt vào tình thế khó.

Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ cho rằng, trước đây, chúng ta xuất khẩu đậu nành, bắp nhưng nay không còn. Giai đoạn 1996 - 2000, một số ngành nông nghiệp biến mất vì sức ép cạnh tranh, hội nhập. Thời gian tới, có thể một số ngành hàng nông nghiệp sẽ suy giảm, thay đổi cấu trúc, hoặc biến mất. "Tỷ trọng nông nghiệp của vùng trong GDP lớn, nhưng không phải các địa phương tìm cách giảm dần tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế là trở nên giàu có. Mà con đường thay đổi sản xuất nông nghiệp là phát triển theo chuỗi và dựa trên nền tảng thế mạnh của vùng"- ông Dũng khẳng định. Theo chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng, nhiều lãnh đạo địa phương nặng tư duy "nhiệm kỳ", lo hết nhiệm kỳ mà chưa đạt chỉ tiêu công nghiệp hóa, nên phải kéo may mặc về, cơ khí về… vô hình trung làm lãng phí nguồn lực, lãng phí đầu tư. Lợi thế của ĐBSCL là nông nghiệp, nhưng chính sách phát triển nông nghiệp hiện tại chưa thể đưa nông nghiệp thoát khỏi cái cũ.

"Nhu cầu sử dụng hàng hóa chỉ ở mức độ cố định, chúng ta không thể vì sản xuất ra nhiều lúa gạo mà ăn thêm cơm!"- ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại nói.

Thu Minh

Các tin mới:

1/10/2015
1/10/2015
1/10/2015
1/10/2015
1/10/2015
1/10/2015
1/10/2015
1/10/2015
1/10/2015

 

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang