• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Doanh nghiệp ngành nông nghiệp ĐBSCL: Củng cố nội lực để vững vàng hội nhập

Nguồn tin:  Báo Cần Thơ, 27/09/2015
Ngày cập nhật: 30/9/2015

Kỳ 1: Những dấu ấn phát triển

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa nông sản lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, các chuyên gia đầu ngành nhận định: Xuất phát điểm thấp, hội nhập kinh tế, nông nghiệp "năm ăn, năm thua" nếu không tạo được sự khác biệt. Nông nghiệp ĐBSCL đang bị "thắt" trước các vấn đề: quy hoạch, thị trường, xây dựng thương hiệu, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) còn hạn chế… Hội nhập kinh tế quốc tế, DN Việt Nam muốn bán nông sản nhiều hơn sang các nước và ngược lại, các nước cũng muốn đi vào thị trường Việt Nam rộng hơn. Lẽ đó, DN cần đổi mới tư duy làm nông nghiệp để tối đa hóa lợi ích, chấp nhận đi sau nhưng phải tiến khác để không lệ thuộc.

Theo báo cáo thường niên của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2013, toàn vùng ĐBSCL có 51.046 DN, chiếm 10% số DN cả nước, trong đó khối dân doanh chiếm khoảng 98%, DN đầu tư nước ngoài 1,2%, DN nhà nước 0,8%. Trong tổng số DN này, khoảng 7% DN lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản. Năm 2014, toàn vùng có khoảng 55.352 DN; trong 6 tháng đầu năm 2015 có thêm 3.554 DN thành lập mới. Số lượng DN lĩnh vực nông nghiệp chiếm chưa tới 10% tổng số DN toàn vùng, nhưng DN lúa gạo, thủy hải sản, trái cây, rau đậu được đánh giá là khu vực năng động vì nhiều DN khá thành công trong tham gia xuất khẩu hàng hóa nông sản.

Năng động…

Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: TH

Đánh giá chất lượng bưởi Năm Roi tại hội thi Đấu xảo trái ngon vùng ĐBSCL tại Cần Thơ.

Đến nay, Việt Nam đã ký 11 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các nền kinh tế thế giới, đồng thời đang đàm phán 5 hiệp định quan trọng và xem xét một hiệp định khác. Một số FTA và sự kiện quan trọng đã và sẽ tác động mạnh mẽ đến kinh tế Việt Nam và khu vực ĐBSCL, đơn cử như: Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ hình thành vào cuối năm 2015, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đàm phán chặng nước rút; FTA giữa Việt Nam và 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) vừa tuyên bố kết thúc vòng đàm phán cơ bản… Cũng như các ngành khác, kinh tế nông nghiệp Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đang bước vào giai đoạn hội nhập mới. ĐBSCL có diện tích đất nông nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 27% diện tích sản xuất nông nghiệp cả nước nhưng đóng góp trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu và chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu thủy sản, 50% sản lượng trái cây cả nước. Hằng năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của toàn vùng đạt khoảng 12 - 13 tỉ USD; trong đó, gạo và thủy sản chiếm 70 - 80% tổng kim ngạch xuất khẩu. Sản phẩm cá tra của vùng ĐBSCL đã đi đến hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; sản phẩm tôm đã thâm nhập vào khoảng 90 thị trường; mặt hàng gạo cũng đã có mặt ở gần 140 quốc gia, vùng lãnh thổ; nhiều loại trái cây đặc sản của vùng như: xoài cát Hòa Lộc, chôm chôm, thanh long, bưởi Năm Roi, bưởi da xanh… đã vào được thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc…

Theo thống kê của Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT), ĐBSCL có trên 300 cơ sở chế biến thủy sản, chiếm 48% cơ sở cả nước; tổng công suất chế biến khoảng 1,4 triệu tấn sản phẩm/năm và giá trị xuất khẩu thủy sản gần 5 tỉ USD/năm. Hiện đã hình thành các cụm như: Cụm chế biến thủy hải sản ở Kiên Giang; Cụm chế biến tôm ở Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng; Cụm chế biến các sản phẩm cá tra ở Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long... Hầu hết nhà máy chế biến thủy sản của ĐBSCL đầu tư từ sau năm 2000 nên trang thiết bị hiện đại, đảm bảo tốt an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào EU. Đồng thời, hình thành nên hệ thống các cơ sở chế biến nguyên liệu từ phụ phẩm để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như: bột cá, dầu cá, gelatin, collagen, chitosan, chitin... góp phần nâng cao chuỗi giá trị ngành thủy sản. Vạch đường cho thủy sản ĐBSCL ra thế giới phải kể đến những DN năng động. Ông Trần Văn Phẩm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, cho biết, sản phẩm của DN đã vươn ra nhiều quốc gia trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu của DN khoảng 250 triệu USD/năm. Thời gian qua, ngành tôm gặp rất nhiều cạnh tranh với các quốc gia Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia và ứng phó với các nước nhập khẩu kiểm soát gắt gao về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm trên từng lô tôm. Để giữ vững thị trường, DN luôn tăng cường kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra. DN đang tìm đối tác đầu tư công nghệ để làm sản phẩm chế biến sâu vì áp lực cạnh tranh hội nhập sẽ rất lớn.

Đối với ngành cá tra, dù mới bùng nổ hơn một thập kỷ qua, nhưng đã lập nên nhiều kỳ tích. Bà Trần Thị Vân Loan, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long, tỉnh An Giang, cho biết: "Hoạt động trong ngành cá tra hơn 12 năm, với tôi, những câu chuyện về con cá tra rất đẹp đẽ. Sản phẩm cá tra thành công đầu tiên ở thị trường Mỹ, rồi vấp phải vụ kiện chống bán phá giá của Mỹ. Nhờ đó mà con cá tra trở nên nổi tiếng và bắt đầu dịch chuyển mạnh hơn sang thị trường EU, cùng nhiều thị trường khác nữa. Năm 2005, khi gặp khó ở thị trường Mỹ và EU, công ty đã mạnh dạn mở rộng thị trường sang Dubai và các nước Trung Đông. Chúng tôi vừa ký hợp đồng cung ứng sản phẩm cho Tập đoàn Walmart (tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Mỹ), họ đến kiểm tra 3 lần tại nhà máy của công ty và đòi hỏi rất nhiều tiêu chí, ngoài tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm, còn yêu cầu tiêu chí an ninh, nhưng chúng tôi đều đáp ứng tốt". Với chặng đường mà con cá tra đã đi qua, bà Trần Thị Vân Loan cho rằng, ngành cá tra đã hội nhập thế giới từ lâu rồi chứ không phải đợi đến khi các FTA có hiệu lực thực thi mới hội nhập.

Những mảng sáng

DN năng động vươn ra thị trường, song họ vẫn cần một môi trường kinh doanh năng động, minh bạch để DN sáng tạo, đổi mới. Để hỗ trợ cho cộng đồng DN phát triển, nhiều địa phương đã có những cách làm hay. Như TP Cần Thơ, năm 2013, UBND TP Cần Thơ ban hành quyết định thành lập Tổ hỗ trợ DN, cơ quan đầu mối là Sở Kế hoạch và Đầu tư, thành viên của Tổ là lãnh đạo các sở, ngành chức năng, cùng lãnh đạo Hiệp hội DN TP Cần Thơ để tìm hiểu hoạt động, hỗ trợ kịp thời cho DN trên địa bàn thành phố. Lãnh đạo UBND thành phố còn tổ chức đối thoại với DN định kỳ 2 lần/tháng để lắng nghe và chia sẻ, gỡ vướng cho DN. Theo bà Bùi Ngọc Vỵ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, ngoài tiếp xúc trực tiếp với DN, để tạo môi trường đầu tư thông thoáng hơn cho DN, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 07/2014/QĐ-UBND ngày 5-9-2014 về thực hiện hỗ trợ sau đầu tư đối với dự án thương mại, công nghiệp. DN đầu tư các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp một số khu, cụm công nghiệp trên địa bàn sẽ được thành phố trích từ ngân sách hỗ trợ lãi suất vốn vay đầu tư của các tổ chức tín dụng đối với vốn vay trong hạn của dự án, mức hỗ trợ từ 2 đến không quá 10 tỉ đồng… Và hiện có một số DN đã được hưởng chính sách ưu đãi từ Quyết định 07.

Theo đánh giá của nhiều DN, môi trường kinh doanh của vùng ĐBSCL thời gian qua được cải thiện hơn, lãnh đạo các tỉnh thành đã chú trọng đối thoại với DN, hỗ trợ DN tìm thị trường. Ông Đặng Xuân Huy, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Tháp, cho biết: "Những năm gần đây, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm tới DN, chỉ số PCI của Đồng Tháp luôn ở tốp đầu đã khẳng định rằng, cộng đồng DN đã có niềm tin với lãnh đạo địa phương. Đặc biệt là điểm hẹn doanh nhân của Hội Doanh nhân trẻ tỉnh diễn ra hằng tuần, có sự tham gia thường xuyên của lãnh đạo tỉnh và ít nhất 4 giám đốc sở đầu ngành. Các buổi trò chuyện giúp DN và chính quyền địa phương tìm được những điểm chung. Mới đây, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức kết nối DN địa phương với các DN Nhật Bản, cộng đồng DN tỉnh cũng thấy đó là trách nhiệm đồng thời là lợi thế của mình nên sẵn lòng hợp tác, hỗ trợ nhau". Ông Đặng Xuân Huy cho rằng, những DN năng động đều có cách thoát khỏi trở ngại. Những doanh nhân chưa thích ứng với thị trường, do môi trường kinh doanh của chúng ta chưa thích ứng kịp và DN chưa có chiến lược, tầm nhìn dài hạn trong phát triển.

Xem DN là nguồn lực phát triển để đồng hành cùng DN là cách nghĩ của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan. Ông cho rằng: "DN phản ứng nhanh hơn chính quyền địa phương khi các chính sách mới ra đời, họ cảm nhận rất tốt nhịp sống thị trường. DN là nguồn lực phát triển của địa phương, nếu lãnh đạo thờ ơ với DN thì khó mà phát triển bền vững". Cùng với nỗ lực của các địa phương, với sứ mệnh của mình, từ năm 2009 đến nay, VCCI Cần Thơ ngoài tư vấn hỗ trợ DN, hằng năm, đều tổ chức tôn vinh "Doanh nhân tiêu biểu", "DN có sản phẩm đặc trưng tiêu biểu vùng ĐBSCL" để cổ vũ, động viên và khuyến khích DN có hoạt động kinh doanh hiệu quả, tôn vinh doanh nhân lãnh đạo DN xuất sắc trong điều hành và quản lý DN. Theo Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Chi nhánh tại Cần Thơ, DN vùng đa số quy mô nhỏ, lĩnh vực chế biến thủy sản, thực phẩm đã xuất hiện DN quy mô tầm trung, dù chưa đủ sức đóng vai trò DN dẫn dắt cộng đồng DN vùng, nhưng đã có những đóng góp rất lớn cho kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước. Tuy nhiên, các FTA tới đây sẽ tác động mạnh đến ngành lúa gạo, thủy sản, trái cây xuất khẩu, "quy tắc xuất xứ hàng hóa" là rào cản lớn cho DN nông nghiệp

- ĐBSCL chiếm gần ½ sản lượng nông nghiệp toàn quốc. Tính đến cuối năm 2014, ĐBSCL chiếm 18,9% GDP cả nước. Cơ cấu kinh tế: Khu vực I: 32,3%, Khu vực II: 26,2% và Khu vực III: 41,5% trong GDP.

Chiếm gần 1/5 tổng mức tiêu dùng, bán lẻ hàng hóa; 10% sản lượng công nghiệp; chiếm gần 10% trong tổng số DN cả nước.

-Năm 2014: toàn vùng có 5.510 thành lập mới, giảm 16,6% so với năm 2013. Số DN giải thể là 1.204 DN, tăng 20,4% so với năm 2013.

(Nguồn: Thống kê của VCCI Cần Thơ)

Thu Minh

Các tin mới:

30/9/2015
30/9/2015
30/9/2015
30/9/2015
30/9/2015
30/9/2015
30/9/2015
30/9/2015
30/9/2015

 

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang