• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Khi nhà nông "xa" ruộng - Bài 1: Đi tìm nguyên nhân

Nguồn tin:  Báo Nghệ An, 24/08/2015
Ngày cập nhật: 25/8/2015

Hiện tượng người nông dân thiếu mặn mà với đồng ruộng trong những năm gần đây diễn ra ở nhiều nơi. Chỉ tính riêng trong vụ hè thu 2015 vừa qua, Nghệ An có tới 1.705 ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang.

“Xu thế” ly hương

Đi về làng quê những ngày này, ít gặp thanh niên trai tráng, bởi hầu hết họ đi làm thuê ở xa. Xã Thanh Hưng (Thanh Chương) hiện có hơn 5.000 nhân khẩu, trong đó số người trong độ tuổi lao động khoảng 2.200 người. Tuy nhiên, theo thống kê hiện toàn xã có khoảng 950 lao động đi làm thuê ở nơi khác, 55 người đi XKLĐ ở nước ngoài và hằng năm, số lao động trên tạo ra giá trị kinh tế khoảng 27 tỷ đồng. Đây là một trong những nguồn thu chính trong phát triển kinh tế của địa phương.

Diện tích ruộng bỏ hoang trong vụ hè thu tại vùng Bích Hào (Thanh Chương).

Men theo con đường dẫn ra xứ đồng Thạch Chài của xã Thanh Hưng, thấy trên đồng đa phần là phụ nữ tuổi trung niên. Tranh thủ phút nghỉ tay, chị Trần Thị Thanh (xóm 2) cho biết: “Tôi có 2 đứa con trai đều đang đi làm ở Cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh), đứa đầu nhờ biết tiếng Đài Loan do đã từng đi xuất khẩu lao động nên được nhận vào làm phiên dịch, thu nhập trung bình hàng tháng khoảng 12 triệu đồng. Còn đứa sau làm công nhân xây dựng với mức lương 7 triệu đồng/tháng. Nhờ vậy nên đời sống gia đình được cải thiện nhiều. Nếu để các con ở nhà làm 4 sào ruộng thì biết bao giờ mới khấm khá!...”. Chia sẻ trên cũng là suy nghĩ của nhiều hộ dân xã Thanh Hưng hiện nay, bởi trên thực tế những hộ thuần nông có mức thu nhập thấp hơn hẳn so với những hộ có lao động phi nông nghiệp. Trong giai đoạn 2010 - 2015, mức thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 20 triệu đồng/năm.

Đối với Yên Thành, địa phương được xem là “vựa lúa” của tỉnh, trong những năm qua cũng có nhiều biến động trong nhân lực lao động. Nếu như trước đây, bà con chung thủy với “bờ xôi ruộng mật”, coi đó là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế, thì nay lực lượng lao động trẻ lại có hướng “chuyển dịch” mới. Nhà máy may và nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn huyện đã thu hút hàng nghìn lao động vào làm việc. Chưa kể trong gần chục năm trở lại đây, huyện thường xuyên có trên 10.000 người đi xuất khẩu lao động tại 23 quốc gia trên thế giới. Đây được xem là hướng đi đang thu hút nhiều lao động trẻ của địa phương.

Chỉ tính riêng xã Sơn Thành đã có khoảng 1.800 người đi lao động xuất khẩu ở nước ngoài và trung bình mỗi năm xã có khoảng 100 người hoàn tất thủ tục đi xuất khẩu lao động. Còn tại xã Thịnh Thành, hiện có hơn 3.000 người trong độ tuổi lao động thì đã có xấp xỉ 1.200 người đi làm thuê ở các địa phương khác và hơn 400 người tham gia xuất khẩu lao động. Ông Hoàng Văn Minh, Bí thư Đảng ủy xã Thịnh Thành chia sẻ: “Tính ra, mỗi năm một người đi lao động xuất khẩu có thể thu nhập lên tới hàng trăm triệu đồng, người đi làm thuê tại các thành phố lớn cũng có thể có thu nhập mấy chục triệu đồng. Đó là nguồn thu khá lớn, chênh lệch quá nhiều lần so với làm ruộng, nên nhiều thanh niên trong xã không còn mặn mà với nghề nông. Đây đã trở thành một xu thế ở Thịnh Thành”.

“Thu không đủ chi!”

Đó là câu trả lời của anh Trịnh Đăng Dũng (xóm 5, Hưng Lợi, Hưng Nguyên) khi được hỏi hiện tại gia đình anh có làm ruộng hay không? Theo anh, làm ruộng mục đích là tự túc được lương thực cho gia đình, còn hạch toán kinh tế lãi chẳng là bao: 1 sào ruộng 1 vụ cho thu hoạch khoảng 2,5 tạ thóc; với giá bán cao nhất là 60 ngàn đồng/yến, thu về 1,5 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí cày bừa làm đất khoảng 150.000 đồng, tiền giống 5 kg/sào là 100.000 đồng, phân bón trung bình 100.000 đồng, tiền phun thuốc khoảng 100.000 đồng; nếu cộng với tiền công thu hoạch, thủy lợi, bảo vệ đồng ruộng... mỗi sào còn lãi trên 400.000 đồng trong 6 tháng, tính ra mỗi tháng khoảng 70.000 đồng/sào. Chưa kể, nếu làm diện tích lớn, gia đình không thể cấy và gặt kịp thời vụ thì phải thuê máy hoặc người làm thêm với giá 200.000 đồng/ngày...

Hiện nay Nhà nước đã miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, nhưng nhiều địa phương lại có hàng chục khoản thu với mức thu có thể lên tới 500 -700 ngàn đồng mỗi năm, như phí bảo vệ đồng ruộng, làm giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, kiên cố hóa kênh mương, vệ sinh môi trường... nếu chỉ làm ruộng thì khó mà đóng đủ cho xóm, xã.

Thấy làm ruộng không hiệu quả, gia đình anh Dũng quyết định mở cơ sở gò hàn. Hiện tại xưởng của anh đang tạo việc làm cho 3 lao động thường xuyên với mức lương 6 triệu đồng/tháng/người; thu nhập của đình anh mỗi tháng trừ chi phí, lương cho nhân công còn lãi gần chục triệu đồng. Anh Dũng cho biết: “Hiện gia đình chỉ canh tác 2 sào ruộng để lấy lúa ăn, còn lại tập trung làm việc tại xưởng hàn”...

Hệ lụy thiên tai

Về các xứ đồng Bạch Sa, Eo Bù, Sào A, Sào B, Tiến Dũng, Yên Dũng… của xã Hưng Lợi (Hưng Nguyên), thời gian này tuyệt không thấy bóng dáng cây lúa hè thu. Gặp một số người dân đang chăn bò trên ruộng, hỏi ra mới biết trong nhiều năm nay bà con vùng này hầu hết đều để hoang ruộng vụ hè thu. Lý do bởi đây là vùng ven đê, ngập lụt thường xuyên xảy ra vào mùa thu hoạch, trong khi hệ thống thủy lợi tiêu thoát nước hầu như chưa có hoặc có nhưng đã xuống cấp trầm trọng. Được biết, hiện tại toàn xã Hưng Lợi có 230 ha đất canh tác lúa, nhưng vụ hè thu vừa qua chỉ gieo cấy được 140 ha. Diện tích 90 ha buộc phải bỏ hoang phân bố tại 3 xóm ven đê là xóm 6, 7 và 8. Chị Phạm Thị Thoa (xóm 6), cho hay: “Bà con nông dân ở đây không phải không muốn làm ruộng, mà là không thể làm được trong vụ hè thu. Đầu vụ khô hạn, ruộng đồng nứt nẻ, nhưng đến mùa thu hoạch thì lượng nước từ sông Lam dâng lên khiến toàn bộ bị ngập lụt dẫn đến mất mùa. Do vậy, người dân ở đây chỉ có thể làm vụ đông xuân mà thôi”.

Xưởng gò hàn của gia đình anh Trịnh Đăng Dũng (xóm 5, Hưng Nguyên).

Vụ hè thu vừa qua, Hưng Nguyên có tổng diện tích ruộng phải bỏ hoang lên tới 750 ha, tập trung nhiều ở các xã Hưng Lợi, Hưng Thịnh, Hưng Phúc, Hưng Thông… Đây cũng là các “điểm hạn” rất nặng khiến bà con không thể canh tác. Được biết, 82% diện tích đất nông nghiệp của Hưng Nguyên sử dụng nguồn cung nước từ ba-ra Nam Đàn. Tuy nhiên, trong đợt nắng nóng kéo dài vừa qua, lượng nước tại đây khô cạn, thấp hơn 40cm so với hệ thống dẫn nước. Do vậy, hầu hết các diện tích đất nông nghiệp của huyện bị ảnh hưởng nặng nề.

Ông Hoàng Đức Ân, Phó phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên cho biết: “Trên 750 ha đất ruộng không thể canh tác trong vụ hè thu vừa qua không chỉ gây thiệt hại hàng tỷ đồng, mà còn ảnh hưởng đến vấn đề an ninh lương thực của huyện. Tuy nhiên, vì nguồn nước cạn kiệt cùng với hệ thống thủy lợi xuống cấp trầm trọng khiến chúng tôi “lực bất tòng tâm”. Không chỉ vậy, những ngày gần đây trên diện tích lúa của các xã Hưng Yên Nam, Hưng Yên Bắc… đã vào thời điểm trổ bông, nhưng do thiếu nước nên ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng của cây lúa. Trước tình hình đó, huyện Hưng Nguyên đã phải tập trung bơm nước từ xã Hưng Trung để “cứu nguy” cho các diện tích này. Thậm chí, tại một số điểm nước bơm không tới được đã buộc phải huy động xe chở nước. Có thể nói, việc chủ động nguồn nước cho diện tích canh tác nông nghiệp quyết định một phần rất lớn trong hiệu quả sản xuất, tuy nhiên vấn đề trên hiện vẫn còn nhiều bất cập khiến người nông dân nhiều vùng dù không muốn bỏ ruộng nhưng đành bất lực”.

Trong sản xuất hiện đang dần bộc lộ những hạn chế nhất định khiến cho giá trị sản xuất vẫn chưa xứng tiềm năng. Vật tư phục vụ sản xuất có xu hướng tăng cao, trong khi đó giá nông sản trên thị trường không tăng, việc tiêu thụ nông sản chủ yếu qua đường tư thương, tình trạng “ép giá”, “được mùa mất giá” vẫn còn tồn tại; hệ thống thủy lợi nhiều nơi còn thiếu đồng bộ; tình trạng “1 năm được 2 năm mất” mùa... khiến nông dân một số vùng đã không mặn mà với ruộng đồng, bỏ đi tìm kiếm việc làm khác.

Tuy nhiên, dù nguyên nhân gì thì việc bỏ ruộng hoang cũng phản ánh sự chỉ đạo, vào cuộc của chính quyền địa phương trong tổ chức sản xuất, tổ chức mùa vụ, bởi rất nhiều nơi cũng thiên tai hạn hán nhưng nông dân vẫn có thu hoạch, đất vẫn “đẻ” ra vàng...

Thanh Quỳnh

Các tin mới:

25/8/2015
25/8/2015
25/8/2015
25/8/2015
25/8/2015
25/8/2015
25/8/2015
25/8/2015
25/8/2015

 

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang