• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

"Nâng tầm" hạt muối Sa Huỳnh (Quảng Ngãi)

Nguồn tin:  Báo Quảng Ngãi, 07/08/2015
Ngày cập nhật: 9/8/2015

Chất lượng kém, khiến muối Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) mất khả năng cạnh tranh trên thị trường. Theo đó, cuộc sống của diêm dân cũng lao đao. Dù thực trạng này đã lặp lại nhiều năm nay nhưng đến giờ nó vẫn chưa được giải quyết thấu đáo, triệt để…

Đồng muối Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) hiện có 557 hộ/2.400 lao động sản xuất trên tổng diện tích 116ha. Sản lượng muối nơi đây đạt 9.500 tấn/năm. Tuy nhiên, do giá muối hiện quá thấp (400 – 600 đồng/kg) nên diêm dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo vì thế cũng rất cao, từ 18 – 20%.

1 tạ muối = 10kg lúa

“Giờ này năm ngoái giá muối được 1.000 – 1.200 đồng/kg nên diêm dân còn có tiền mua gạo, mua mắm. Chứ như năm nay chỉ 400 – 600 đồng/kg thì chúng tôi đói chắc!”, vừa gánh muối, bà Nguyễn Thị Long, thôn Tân Diêm vừa than.

Giá muối quá thấp khiến cuộc sống của diêm dân lao đao theo.

Không lo sao được khi gia đình bà Long được chia 2 suất làm muối với diện tích 60m2. Theo đó, nếu thời tiết thuận lợi, không mưa dông thì chừng ấy diện tích, bà Long làm được khoảng 200 – 240kg muối trong 5 ngày. Nhưng với giá bán chỉ được 400 đồng/kg, cả gia đình bà thu chưa đến 100.000 đồng sau 5 ngày phơi nắng. “Đó là chưa kể phải năn nỉ lắm thương lái mới chịu mua, chứ họ chê đủ thứ. Nào là muối đen, hạt nhỏ, không sạch. Khổ lắm!”, người hàng xóm Mười Rum nói thêm.

Nghe chuyện muối bẩn, chúng tôi hỏi vì sao bà con không làm muối trên nền xi măng để nó được “trắng hơn, sạch hơn” thì ông Mười Rum bảo:  “Tốn kém lắm. Tiền đâu mà làm!”. Hóa ra, nền xi măng không phải đầu tư một lần là sử dụng mãi mãi mà năm nào cũng phải bỏ tiền tu sửa. Lý do, loại xi măng xây dựng thông thường không chịu được độ mặn và sức nóng nên qua một vụ muối kéo dài 6 tháng, nó sẽ bị nứt, diêm dân phải tốn cả chục triệu đồng để sửa. “Mà giá muối thế này thì bà con chúng tôi chưa đủ ăn, lấy gì sửa nền. Đã thế muối làm trên nền xi măng đâu được thương lái mua giá cao đâu. Chẳng qua muối trắng nên họ ít cò kè, mua nhanh hơn thôi”, ông Mười Rum giãi bày.

Trợ sức cho diêm dân

Mỗi mùa mưa lũ đi qua diêm dân đồng muối Sa Huỳnh lại đánh vật với chuyện vệ sinh nền ruộng; đặc biệt là việc tu sửa, khắc phục hệ thống thủy lợi – giao thông. Tuy nhiên, “việc kiên cố này rất tốn kém nhưng vì sao diêm dân lại không được hưởng chính sách cấp bù thủy lợi phí như nông dân sản xuất lúa”, Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh Nguyễn Duy Trinh đặt vấn đề.

Hơn nữa, điều khiến chính quyền cũng như diêm dân nơi đây không hài lòng chính là việc “có cũng như không” của Nhà máy chế biến muối tinh Sa Huỳnh. Bởi khi khởi công xây dựng, Nhà máy cam kết sẽ ưu tiên thu mua toàn bộ lượng muối của diêm dân Sa Huỳnh sản xuất nên họ rất phấn khởi, vui vẻ hiến đất, góp công. Vậy nhưng khi Nhà máy đi vào hoạt động thì lại chê muối Sa Huỳnh không đạt chất lượng nên… nhập ngoại! Rồi sau thời gian hoạt động “không được lòng dân” thì Nhà máy lại rơi vào tình trạng cửa đóng then cài, gây lãng phí đất đai cũng như tiền của Nhà nước.

Sau Nhà máy, số phận muối Sa Huỳnh cũng như diêm dân vẫn lênh đênh nên Dự án phát triển tổng thể đồng muối Sa Huỳnh với chi phí lên đến 50 tỷ nhằm “hiện đại hóa quy trình sản xuất muối, nâng cao chất lượng muối Sa Huỳnh” ra đời. Một lần nữa, diêm dân lại mừng hụt vì đã hơn 3 năm rồi, dự án vẫn còn nằm trên giấy.

Trước thực trạng trên, chiều ngày 3.8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ đã kiểm tra việc sản xuất muối ở Sa Huỳnh và có buổi làm việc với các đơn vị liên quan nhằm tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho diêm dân. Theo ý kiến của lãnh đạo các sở, ngành thì cần phải đánh giá đúng giá trị muối Sa Huỳnh; phải xem đây là sản phẩm phục vụ tiêu dùng nội tỉnh hay hàng hóa rồi mới xác định mức độ, loại hình đầu tư, nhằm tránh lãng phí. Bởi, “với diện tích không lớn, quy mô sản xuất không đại trà nên chúng ta nghiên cứu đầu tư phần “cứng” như giao thông, thủy lợi nhằm duy trì, bảo vệ nghề truyền thống”, lãnh đạo Sở Tài chính đề xuất.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ yêu cầu Sở Tài chính phối hợp với UBND huyện Đức Phổ, hai HTX muối nghiên cứu thực hiện chính sách cấp bù thủy lợi phí cho diêm dân. Sở Công thương chủ trì làm việc với đơn vị đang tiếp quản Nhà máy chế biến muối tinh Sa Huỳnh về việc tái hoạt động, nhằm hỗ trợ diêm dân trong việc tìm đầu ra. Sở KHCN xem xét triển khai nghiên cứu, trình diễn và chuyển giao kỹ thuật sản xuất muối sạch, chất lượng cao cho diêm dân.

Liên minh HTX và huyện Đức Phổ nghiên cứu sáp nhập hai HTX để củng cố, tăng cường vai trò hoạt động của HTX nhằm đảm nhận là đầu mối liên kết giữa doanh nghiệp và diêm dân. Sở NN&PTNT nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ diêm dân... Hy vọng rằng, với động thái này, muối Sa Huỳnh sẽ được “nâng tầm” để diêm dân yên tâm gắn bó với nghề truyền thống này.

MỸ HOA

Các tin mới:

9/8/2015
9/8/2015
9/8/2015
9/8/2015
9/8/2015
9/8/2015
9/8/2015
9/8/2015
9/8/2015

 

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang