• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Gặp gỡ “nhà sáng chế không chuyên” - Lê Văn Trung

Nguồn tin:  Báo Vĩnh Long, 30/07/2015
Ngày cập nhật: 31/7/2015

Cách nay hơn 5 năm, nhiều nông dân Bình Tân (Vĩnh Long) rỉ tai nhau về giống đậu bắp Nhật cho năng suất rất cao và đầu ra ổn định. Sau đó họ tìm đến Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Thành Lợi để tìm mua bằng được giống này về trồng. Kết quả, vụ đó nông dân nào cũng thắng lớn.

Bộ trưởng Bộ Khoa học- Công nghệ Nguyễn Quân gặp gỡ nhà sáng chế không chuyên Lê Văn Trung tại Hà Nội (ảnh chụp lại).

Nhắc lại chuyện này, anh Lê Văn Trung- Chủ nhiệm Hợp tác xã cho biết: Năm 2007, cơ may được tháp tùng đoàn lãnh đạo tỉnh sang Nhật Bản tham quan học hỏi nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp nước bạn.

Trong đó, có mô hình trồng cam sành và đậu bắp xanh. Thấy hay, anh quyết mua giống về trồng bằng được. Tháng 5 vừa qua, anh được Bộ Khoa học- Công nghệ tuyên dương là “nhà sáng chế không chuyên nghiệp tiêu biểu 2015”.

“100 hột đậu bắp thần kỳ”

Năm 2005, Hợp tác xã Rau an toàn Thành Lợi thành lập trong hoàn cảnh rất khó khăn, nhất là phải phụ thuộc khâu giống. Nhiều công ty đến đặt vấn đề cung ứng giống đậu bắp và bao tiêu luôn sản phẩm nhưng do giống kém chất lượng, năng suất thấp nên không ít vụ trồng thất bát.

“Giống đậu bắp mình trồng trước giờ chủ yếu tiêu thụ nội địa nên giá trị mang lại không cao. Những ngày đầu thành lập, hợp tác xã định hướng sẽ tập trung sản xuất đậu bắp, bởi dân vùng đất này có kinh nghiệm. Nhưng nếu cứ tiếp tục duy trì trồng mà không đột phá về giống hay kỹ thuật thì sớm muộn gì cũng gặp cảnh dội chợ, chắc chắn sẽ thua ngay”- anh Trung trăn trở.

Sau khi về nước với khoảng 100 hột đậu bắp giống, anh Trung không gieo trồng liền vì sợ thất bại, mà nghiên cứu học hỏi qua sách vở, thậm chí sang các viện, trường gặp gỡ trực tiếp nhà khoa học để nhờ hỗ trợ kỹ thuật.

“Nắm được kiến thức, tôi bắt tay vào trồng gọn lỏn trên 1 giồng đất. Chăm sóc kỹ lắm nhưng tỷ lệ nảy mầm chỉ đạt khoảng 60% nên những cây còn lại tôi o bế như báu vật vậy”- anh Trung chia sẻ.

Tuy vậy, sau gần 3 tháng đậu bắp thu hoạch với nhiều ưu điểm vượt trội, cây phát triển tốt, khả năng kháng sâu bệnh cao, trái đồng đều và hái liên tục trong 3 tháng mới tàn. Hiệu quả bước đầu, anh tiếp tục mở rộng diện tích. Và sau hơn 1 năm, nhiều xã viên hợp tác xã có thể tiếp cận nguồn giống này để trồng.

“Chỉ 100 hột đậu bắp đã mang lại điều thần kỳ, giải quyết bức bách khâu giống và đầu ra sản phẩm cho nông dân. Do đây là giống lạ nên được rất nhiều công ty đến đặt bao tiêu sản phẩm xuất khẩu, góp phần sản xuất ổn định trong nhiều năm qua”- anh Trung phấn khởi.

Hiện ngoài việc sản xuất cung ứng giống, anh còn trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật trồng, chủ động liên hệ các công ty đến bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn nhiều lần giá đậu bắp thông thường. Trung bình mỗi vụ xã viên hợp tác xã gieo sạ từ 50 - 60ha giống đậu bắp này.

Hôm tôi đến, hợp tác xã cũng vừa ký hợp đồng với một đối tác có công ty ở Long An đặt mua 100 tấn đậu bắp xuất sang Singapore với giá 5.000 đ/kg, cao gấp đôi so đậu bắp thường. Để đáp ứng đủ hàng, anh Trung đang vận động hàng chục xã viên, nông dân gieo sạ khoảng 60ha, đảm bảo trong 3 tháng tới sẽ giao hàng.

Hướng dẫn trồng cam sành theo Nhật Bản

Công việc của “nhà sáng chế không chuyên- Lê Văn Trung” không dừng lại ở việc chuyển giao giống đậu bắp cho nông dân, mà gần đây còn được nhiều nông dân ở Đồng Tháp, Thới Hòa (Trà Ôn) mời tới chia sẻ kỹ thuật trồng cam sành cải tiến qua các kiến thức mà anh học được sau chuyến sang Nhật Bản.

Anh Trung cho biết, kỹ thuật trồng cam sành Việt Nam và Nhật Bản rất khác nhau. Bởi, yếu tố cốt lõi là diện tích đất nông nghiệp Nhật khá hẹp nên khi trồng cây gì họ luôn đặt vấn đề sản lượng và chất lượng cao, mà cây cam sành là ví dụ.

“Họ trồng cam một thân 2 gốc, nghĩa là họ ghép 2 cây cam sành với nhau để tập trung nuôi 1 thân nên bộ rễ cây rất mạnh khỏe, giúp kháng các loại sâu bệnh và để nuôi trái tốt hơn. Điểm khác nữa là cam sau 2 tháng trồng, họ đặt xéo vào trong bộ rễ 2 ống nhựa đối xứng nhau có khoan lỗ xung quanh, một đầu nhô lên mặt đất dùng để tưới phân thuốc vào”- anh Trung chia sẻ.

Anh Lê Văn Trung và nhiều xã viên vẫn duy trì trồng giống đậu bắp xanh.

Với cách trồng này, thì rễ cây có thể tiếp xúc trực tiếp lượng phân thuốc và giảm dư thừa so biện pháp phun xịt thông thường. “Nhiều chuyên gia Nhật Bản giải thích với chúng tôi là khi đất trồng quá dẽ, hay quá nhão sẽ ém khí, cây không phát triển và phát sinh bệnh. Vì vậy, đặt ống nhựa sẽ giảm bớt yếu tố này”- anh Trung nói.

Để minh chứng, anh cho biết thời gian qua đã hướng dẫn cho nhiều nhà vườn ở Đồng Tháp rất thành công. Hay tin này, mới đây nhiều bà con trồng cam sành ở xã Thới Hòa (Trà Ôn) đã mời anh đến chuyển giao kỹ thuật.

“Sau khi đi xem nhiều vườn cam mới chớm bệnh vàng lá, tôi cho rằng nguyên nhân do đất quá nhão, bước đầu yêu cầu bà con tạo thông thoáng cho cây bằng cách xom lỗ xung quanh gốc, sau 10 ngày bón phân phun thuốc kích thích tăng trưởng. Tôi sẽ tiếp tục tới lui hướng dẫn, hy vọng mô hình sẽ thành công”- anh Trung mong mỏi.

Ngày 12/5/2015, lần đầu tiên Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tôn vinh những nhà sáng chế không chuyên trên cả nước. 63 nhà sáng chế đã đóng góp nhiều sản phẩm từ các thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, đến các sản phẩm có kết cấu phức tạp, có thể ứng dụng trong những lĩnh vực đặc biệt. Nhiều sản phẩm do họ sáng tạo ra đã được cấp văn bằng bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích và kiểu dáng công nghiệp.

“Lần đầu tiên được đi ra nước ngoài cảm giác vừa hồi hộp vừa sung sướng. 15 ngày ở Nhật vô cùng quý báu, học hỏi tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm quá trình trồng rau hữu cơ, rau an toàn. Nhưng niềm vui lớn nhất lúc này là được đem kỹ thuật đó về áp dụng thành công và hỗ trợ bà con khi cần”- anh Lê Văn Trung chia sẻ.

HOÀNG MINH

Các tin mới:

31/7/2015
31/7/2015
31/7/2015
31/7/2015
31/7/2015
31/7/2015
31/7/2015
31/7/2015
31/7/2015

 

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang