• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tân Phú Đông (Tiền Giang): Chuyển hướng cây trồng, vật nuôi nơi vùng đất khó

Nguồn tin:  Tiền Giang, 03/02/2015
Ngày cập nhật: 4/2/2015

Do thường xuyên bị xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt (vào khô) nên thời gian qua, các ngành, các cấp và người dân huyện "đảo" rất quan tâm đến việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng mặn, lợ.

Những điểm thu mua sả ở Tân Phú Đông (Tiền Giang) hoạt động nhộn nhịp suốt cả năm.

Tân Phú Đông (Tiền Giang) có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thường xuyên bị thiếu nước sản xuất, sinh hoạt do hạn hán, xâm nhập mặn. Lâu nay, sản xuất nông nghiệp nơi đây gặp rất nhiều khó khăn, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Những năm qua, cùng với sự quan tâm của các ngành, các cấp, hạ tầng, thủy lợi từng bước được đầu tư, cải thiện, tạo thuận lợi hơn cho sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất của cây lúa và một số cây ăn trái, vật nuôi vẫn còn nhiều hạn chế, do khô hạn kéo dài, thiếu nước ngọt.

Cụ thể như cây lúa chỉ sản xuất được từ 1 đến 2 vụ/năm, năng suất khoảng 4,5 tấn/ha và khó thể nâng cao hơn; chăn nuôi heo gặp nhiều khó khăn do thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Trong tình hình khó khăn như thế, vài năm gần đây, người dân đã chủ động, sáng tạo chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng, xu thế tác động của biến đổi khí hậu trên địa bàn.

Cây trồng đầu tiên và quan trọng nhất phải kể đến là mãng cầu Xiêm ghép gốc bình bát. Qua nhiều năm "bén rễ" trên vùng đất khắc nghiệt, cây mãng cầu Xiêm đã khẳng định vị trí hàng đầu, là cây ăn trái đặc sản của huyện cù lao, đã tạo được tiếng vang trong và ngoài tỉnh. Thực ra, với vùng đất bị xâm nhập mặn, hạn hán kéo dài, cây mãng cầu Xiêm "thuần" khó thể phát triển tốt và cho năng suất cao. Trong "cái khó ló cái khôn", không biết từ bao giờ, người dân nơi đây đã nghĩ ra giải pháp "lưỡng toàn kỳ mỹ" là ghép cây mãng cầu Xiêm vào gốc bình bát. Kết quả ngoài mong đợi khi cây chống chịu hạn, mặn rất tốt, năng suất cho trái cao.

Từ những hécta ban đầu ở xã Tân Phú, đến nay, cây mãng cầu Xiêm đã có mặt hầu hết các ấp của xã (trong đó ấp Tân Ninh gần như 100% diện tích nông nghiệp trồng cây ăn trái này), rồi phát triển ra các xã Tân Thới, Tân Thạnh và giờ đây "tràn" đến Phú Thạnh. Với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm/ha, cây mãng cầu Xiêm đã minh chứng được hiệu quả, góp phần rất lớn vào cải thiện đời sống người dân phía Tây cù lao. Có thể nói, đây là cây trồng duy nhất có thể sánh ngang với nhiều cây ăn trái khác trong tỉnh về tính hiệu quả. Anh Nguyễn Trung Hòa, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tân Phú Đông cho biết, giá trung bình của mãng cầu Xiêm từ 13.000 đồng đến 40.000 đồng/kg, lợi nhuận thu được khoảng 200 triệu đồng/ha/năm. Với hiệu quả như thế, mãng cầu Xiêm không dừng lại ở diện tích hiện tại mà đang tiếp tục mở rộng.

Thống kê của ngành nông nghiệp huyện cho biết, chỉ tính từ năm 2013 đến nay, diện tích mãng cầu Xiêm đã tăng 528 ha lên 637 ha (cho trái ổn định trên 512 ha). Trước tốc độ phát triển của cây trồng này, xã Tân Phú đã xúc tiến thành lập tổ hợp tác để cùng liên kết nhau trong sản xuất như hỗ trợ kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh, từng bước tổ chức lại sản xuất, tiêu thụ để phát triển ổn định và bền vững cây đặc sản xứ cù lao này.

Một cây trồng khác có tốc độ phát triển nhanh không kém mãng cầu Xiêm, dù hiệu quả không bằng nhưng đặc biệt rất thích hợp với các xã phía Đông của huyện. Đó là cây sả. Chỉ cách đây vài năm thôi, ngoài con tôm, cây dừa, xã Phú Thạnh, Phú Đông chỉ có cây lúa và chỉ trồng được từ 1 - 2 vụ/năm vào mùa mưa, còn mùa khô, đồng ruộng bỏ không khô nứt nẻ. Vậy mà giờ đây, trên những cánh đồng lúa dọc Tỉnh lộ 877B hôm nào đã phủ đầy màu xanh của sả.

Bà Nguyễn Thị Thinh, ấp Lý Quàn 1, xã Phú Đông nhớ lại: "Trước đây, nơi này chỉ trồng lúa nhưng có vụ được, vụ không do ảnh hưởng của phèn, mặn. Giờ đây, hầu như nhà nào cũng chuyển sang trồng sả. Cách đây 3 năm, tôi đã chuyển 6 công đất sang trồng sả. Với tình hình sản xuất lúa ngày càng khó khăn thế này, tôi dự kiến 7 công trồng lúa còn lại sẽ chuyển dần sang trồng sả".

Theo nông dân xã Phú Đông, Phú Thạnh, cây sả chịu hạn tốt, ít dùng nước, chi phí phân bón, công chăm sóc thấp và có thể trồng nhiều vụ trong năm. Chính vì lợi thế đó mà vài năm gần đây, nhiều diện tích trồng lúa không hiệu quả trên địa bàn đã chuyển sang trồng sả. Và hiện nay, cây sả không chỉ phát triển ở 2 xã trên mà còn mở rộng ra một phần của xã Tân Phú, Phú Tân. Tất nhiên, cũng như bao nông sản khác, giá sả có lúc cao, lúc thấp nhưng chung quy lại lợi nhuận cả năm cao hơn trồng lúa. Với đặc tính chịu hạn tốt, thích ứng với vùng đất thường xuyên bị khô hạn, cây sả được xem là cây trồng giảm nghèo, tăng thu nhập, giúp người dân có thể bám trụ lại vùng đất này. Thống kê cho thấy, năm 2013, diện tích trồng sả trên địa bàn 500 ha, đến nay tăng lên gần 700 ha.

Thủy sản có sự chuyển đổi theo hướng bền vững bằng hình thức luân canh 1 vụ lúa, 1 vụ tôm. Sau 4 năm triển khai, mô hình đã được người dân 2 xã Phú Đông và Phú Tân hưởng ứng rộng rãi. Tính đến cuối 2014, diện tích luân canh 1 vụ lúa, 1 vụ tôm đã tăng lên 560 ha. Lợi nhuận mô hình mang lại trung bình khoảng 50 triệu đồng/ha. Chăn nuôi có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ con heo sang con bò (hiện 2.300 con) và gần đây là con dê, những vật nuôi ít sử dụng nước, chủ yếu sử dụng thức ăn từ tự nhiên.

Nói về xu thế chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện trong thời gian qua, ông Đoàn Văn Thơ, Chủ tịch UBND huyện đánh giá, kinh tế chủ yếu của huyện là nông nghiệp. Những năm qua, sản xuất nông nghiệp đã có sự chuyển hướng mạnh mẽ ở cây trồng, vật nuôi theo hướng thích ứng điều kiện tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu (ít sử dụng nước, chống chịu hạn, mặn tốt). Nhưng quan trọng hơn hết là hiệu quả kinh tế của những cây trồng, vật nuôi này đã được khẳng định. Nhờ vậy mà đời sống người dân được cải thiện, giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo của huyện.

N.Văn

Các tin mới:

4/2/2015
4/2/2015
4/2/2015
4/2/2015
4/2/2015
4/2/2015
4/2/2015
4/2/2015
4/2/2015

 

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang