• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thừa Thiên Huế: Nghề “cáp” trầm

Nguồn tin:  Báo Thừa Thiên Huế, 14/06/2015
Ngày cập nhật: 15/6/2015

Nghề “cáp” trầm hái ra tiền nhưng cũng lắm rủi ro nếu các “lái trầm” non tay nghề, gặp lúc giá cả thị trường bấp bênh…

Ông Tôn Thất Chính (bìa trái) nghiên cứu cây gió, làm hợp đồng ăn chia tại vườn cây ở xã Hương Bình

Con mắt tinh tường

Đi vào vườn cây gió trầm của một gia chủ ở xã Hương Bình (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế), dừng lại ở những cây lớn, “lái trầm” Tôn Thất Chính (47 tuổi, thôn La Khê, xã Thủy Bằng) ngó nghiêng một hồi rồi “chốt”: “Trăm ba chục chai nhé? (130 triệu đồng). Được thì ký giờ luôn”. Gia chủ bật điện thoại gọi ai đó một hồi rồi đáp: “Trăm rưỡi có được không?”. Ông Chính nói luôn: “Thôi. Kỳ nèo chi mấy triệu bạc. Trăm bốn mươi chai thì… ra ủy ban”. Gia chủ đồng ý. Ông Chính xách xe máy ra UBND xã Hương Bình, chở luôn chủ vườn xác nhận vào hợp đồng mua bán 130 cây trầm gió tại vườn nhà. Một thương vụ “cáp” trầm gió vừa kết thúc. Ông Chính lại xách xe rong ruổi đến những vườn cây gió khắp vùng bán sơn địa Hương Trà.

Ở “thủ phủ” trầm Thủy Bằng, chỉ duy nhất ông Chính theo nghề tạo trầm ăn chia hay cáp mua đứt cả vườn cây. Những năm 1991 đến năm 2000, ông Chính cũng như nhiều lái buôn khác ở vùng đất này ra bắc vào nam buôn trầm kiếm lãi. Ngày tháng vào các xứ trầm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, ông học được cách chế thuốc bơm để tạo trầm trên cây gió. Sau năm 2000, ông bỏ hẳn việc đi buôn, chỉ chuyên tâm đi tạo trầm, mua lại vườn cây để bán kiếm lãi.

Hỏi về thuốc bơm cho cây gió có giác trầm, ông Chính lắc đầu nguầy nguậy: “Cái đó thuộc bí quyết của mỗi lái trầm. Cơ bản là nó có mật mía trộn với một loại a xít. Còn bơm vào thời điểm nào cho không chết cây thì mới quan trọng.”

Một góc xưởng lao động lẩy giác trầm tại nhà ông Chính

Theo kinh nghiệm ông Chính, một vườn cây muốn hợp đồng tạo trầm ăn chia hay mua đứt thì phải có con mắt tinh tường để quan sát. Cây phải chưa khai thác trầm lần nào. Cây ít chồi thì mua vài trăm đến một triệu, cây nhiều chồi thì mua 5 - 7 triệu. Một năm vô dầu hai đợt: thời gian vô dầu phải từ tháng 7 đến tháng Giêng (AL). Bình quân một vườn cây gió sau khi bơm thuốc từ 2 - 3 năm mới cho khai thác.

Ông Chính kể: “Vừa rồi, tui ăn chia 270 cây trầm gió của ông Nguyễn Duy Đ (Hương Thủy). Sau hai năm hợp đồng ăn chia, 270 cây khai thác bán được hơn 500 triệu tiền trầm. Do thời điểm này giá trầm thấp. Ông Đ chia cho tui 150 triệu. Trước đó mua đứt vườn cây 200 triệu mà ông Đ không bán. Chứ không vụ này trúng đậm.”

Hiện, ông Chính đã hợp đồng ăn chia và mua đứt vườn cây gió của khoảng 100 hộ dân ở các địa phương như Hương Bình, Hương Thọ (thị xã Hương Trà), Phong Mỹ (huyện Phong Điền) và Thủy Bằng, Phú Bài (thị xã Hương Thủy).

Lãi cao nhưng rủi ro không ít

Mân mê cả xấp hợp đồng trên tay, ông Chính nhẩm tính: “Bình quân một cây gió khi mua từ vài trăm đến cả chục triệu đồng; thậm chí có cây cả trăm triệu đồng tùy theo kích thước, lượng trầm. Quá trình 2 đến 3 năm bơm thuốc tạo trầm, chi phí của người mua cũng mất từ vài trăm đến dưới một triệu đồng/cây. Vì thế, trước khi mua hoặc hợp đồng ăn chia, quan sát vườn trầm không kỹ thì lỗ vốn là chuyện thường.”

Vườn có 150 cây gió của ông Chính mua đứt của hai chị em Võ Văn Hạnh và Trương Thị Mai (xã Hương Bình) đến tháng 8 này là tròn 2 năm vô dầu, sắp cho khai thác. Ông Chính tính toán, với 150 cây gió mua mất 150 triệu đồng, chi phí tiền công, thuốc, kỹ thuật trong 2 năm mất 150 triệu đồng là 300 triệu. Dự kiến nếu khai thác được 150kg trầm gió, giá trầm bình thường hiện tại mỗi kg 4 triệu đồng (còn nếu trầm tốt có thể lên đến 10 triệu/kg), ông Chính thu được ít nhất 600 triệu. Trừ chi phí, ông Chính cũng “bỏ túi” 300 triệu đồng. “Vụ này tui tính kỹ rồi. Vườn cây xem lui xem tới. Không dưới 150kg giác trầm mô. Tui cầm chắc lãi”, ông Chính nói chắc nịch.

Có những “thương vụ” lớn, chỉ mới nhìn cây trầm gió thôi ông Chính cũng cáp tiền lên tới vài trăm triệu, nhưng chưa có chuyến nào lỗ. Ông Chính kể, có lần đi ở vùng Hà Tĩnh, có cây trầm đường kính gần cả mét. Quan sát kỹ, ông “cáp” 200 triệu đồng. Gia chủ đòi 300 triệu. Không mang đủ tiền. Khi trở ra lại thì người này đã bán cho một thương lái phía bắc. Sau này ông mới biết vụ đó gã thương lái phía bắc kiếm được cả 500 triệu đồng.

Ông Chính tâm sự: “Các thương vụ lớn thường nằm ở phía bắc. Ngoài đó có trầm tự nhiên nhiều. Nhiều lái trầm ngoài đó cả đời cáp trúng một cây đường kính trên cả mét mà thành tỷ phú là chuyện thường.” Nghề “cáp trầm” hái ra tiền nhưng theo ông Chính, tính rủi ro cũng rất cao bởi lái trầm non nghề, nhầm lẫn và phụ thuộc giá cả thị trường. Bài học của hàng chục hộ dân ở Đồng Nai sau khi cầm cố nhà cửa mua đứt vườn trầm tạo dầu. Tuy nhiên, thời điểm khai thác do ảnh hưởng vụ giàn khoan HD 981, thị trường thu mua chủ yếu là thương lái Trung Quốc, giá trầm tụt thê thảm, chỉ còn 2,5 triệu đồng/kg nên phải chịu thua lỗ.

Hiện, xưởng chế tác trầm cảnh, trầm hương tại gia đình ông Chính có 20 - 30 nhân công luôn thường trực, thu nhập 3 - 4 triệu đồng/người. Ông Chính cũng dự kiến làm thủ tục xin UBND xã Thủy Bằng cho thuê đất mở thêm xưởng làm trầm hương. Ngoài ra, ông còn có cả một “đội quân” khai thác trầm từ những vườn cây gió đã mua đứt hoặc ăn chia trên địa bàn tỉnh.

Địa phương có hàng chục hộ dân theo nghề lẩy trầm, làm bột trầm hương, chế tác trầm cảnh. Trong đó, có 4 cơ sở lớn, bình quân giải quyết lao động từ 15 - 20 người/cơ sở. Là vùng đất có sẵn nguyên liệu cây gió trầm nên việc buôn bán, làm nghề lẩy trầm cũng mang lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân. Ông Nguyễn Thanh Nguyên- Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng

Hà Nguyên

Các tin mới:

15/6/2015
15/6/2015
15/6/2015
15/6/2015
15/6/2015
15/6/2015
15/6/2015
15/6/2015
15/6/2015

 

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang