• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cải tiến giống để nông dân đổi đời

Nguồn tin:  Báo Cà Mau, 20/05/2015
Ngày cập nhật: 22/5/2015

Với nhân sự chưa đến 40 người gồm kỹ sư nông nghiệp, kỹ thuật viên và công nhân, vậy mà liên tiếp nhiều năm, Trung tâm giống nông nghiệp Cà Mau gặt hái nhiều thành tích rất đáng trân trọng trong việc nghiên cứu, khảo nghiệm, chọn lọc, nhân giống, lai tạo, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi phục vụ nông dân. Đây là những chiến sĩ tiên phong cho cuộc “cách mạng xanh” làm thay đổi tập quán canh tác, tăng hiệu quả kinh tế của nông dân, đồng thời đưa nền nông nghiệp đa đạng ở Cà Mau tiến một bước dài trên con đường phát triển và hội nhập.

Trung tâm được thành lập năm 1998 với tên gọi “Trung tâm giống gia súc, gia cầm”, đến năm 2003 đổi tên thành Trung tâm giống nông nghiệp Cà Mau. Đứng trên “nền” cũ nhưng Trung tâm với giải pháp mới chuyển đổi cơ chế phù hợp để đạt mục tiêu, định hướng cây trồng, vật nuôi của Cà Mau có chất lượng tốt, năng suất cao, hướng tới sản xuất quy mô lớn, cung ứng hàng hóa cho người tiêu dùng và xuất khẩu.

Bước đi vững chắc

Hơn 10 năm gắn bó với Trung tâm, Kỹ sư Phạm Văn Mịch, Giám đốc Trung tâm cùng với đội ngũ làm công tác khoa học ở không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, bàn bạc, đề xuất chọn giống mới đưa vào khảo nghiệm, liên kết với nhiều đơn vị làm công tác nghiên cứu khoa học nhằm “đi tắt đón đầu” sớm đưa nguồn giống đạt chuẩn, phù hợp về đồng đất Cà Mau. Một năm rồi nhiều năm, anh Mịch cùng đội ngũ kỹ sư miệt mài, tâm huyết để đến hôm nay, Trung tâm nằm trong “top” đầu của khu vực ĐBSCL về chất lượng giống nông nghiệp.

Kỹ sư Huỳnh Ngọc Phương Thúy chọn hom giống từ cây đầu giồng

Từ chỗ phụ thuộc các trung tâm sản xuất giống, viện nghiên cứu, Trường đại học Cần Thơ… đến nay Trung tâm đáp ứng 80% nhu cầu giống lúa cấp xác nhận và tương đương để gieo trồng trên vùng đất phèn, mặn của Cà Mau, chủ lực là lúa 2 vụ và lúa trên đất nuôi tôm. Ngoài ra còn cung cấp giống cho các tỉnh lân cận và phía Bắc. Về cây trồng, vật nuôi, Trung tâm cũng đã nâng tầm kể cả số lượng và chất lượng, đa dạng về chủng loại phục vụ cho các hệ sinh thái mặn, ngọt, lợ ở các vùng sản xuất trong tỉnh.

Thời gian đầu, Trung tâm chỉ làm công tác chuyển giao, cung ứng cho người sản xuất theo tinh thần “làm theo kế hoạch” nên sản xuất, kinh doanh rất thụ động. Đến khi Cà Mau chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất (năm 2009), tỉnh đã đưa vào nghị quyết 2 đề án, đó là chuyển đổi giống lúa mới năng suất, chất lượng cao và đầu tư sản xuất lúa - tôm với nguồn kinh phí từ 40 đến 50 tỷ đồng để xây dựng mô hình và nghiên cứu, nhân rộng giống mới. Từ những ràng buộc theo cơ chế cũ, nay anh cùng đồng nghiệp mạnh dạn xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh theo xu thế “cơ chế thị trường” và đơn vị đã tạo lòng tin cho “nhà đầu tư”, đặc biệt là sự tín nhiệm của nông dân.

Định hướng khả thi

Trung tâm giống nông nghiệp Cà Mau hiện có 4 trại thực nghiệm được đầu tư 15,4 tỷ đồng, gồm 3 trại nghiên cứu về giống cây trồng (lúa, cây lâm nghiệp, cây ăn trái, cây cảnh) và 1 trại giống vật nuôi. Ngành đã được đầu tư 1 phòng kiểm nghiệm về giống cây, 1 trung tâm kiểm nghiệm, kiểm soát chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, vật tư nông nghiệp, hàng hóa thủy sản với trang thiết bị hiện đại.

Mặc dù đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhưng Kỹ sư Phạm Văn Mịch luôn trăn trở trước nghịch lý là sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của ta có số lượng lớn nhưng “họ bán một xuồng bằng mình bán cả ghe”. Điều ấy nói lên hàm lượng chất xám chênh lệch trong sản phẩm và kiểu sản xuất manh mún nên nông dân mình cứ bị thiệt thòi kéo dài nhiều thập niên qua. Nếu “bốn nhà” thắt chặt quan hệ để tháo gỡ những bất cập này thì khoảng cách ấy sẽ thu ngắn lại…

Với diện tích 129 ha, vụ hè thu năm 2014, trại lúa giống trong tỉnh đã khảo nghiệm 39 giống, trong đó 23 giống lúa thuần và 16 giống lai. Các trại còn sản xuất thử và trình diễn 21 giống lúa mới nhằm tìm ra các loại giống triển vọng cho Cà Mau và cung cấp các loại giống đang được nông dân Cà Mau và các tỉnh ưu chuộng. Cuộc “cách mạng” này đã làm năng suất lúa toàn tỉnh tăng lên từ 3,5 tấn/ha 10 năm trước lên 5,5 tấn/ha bình quân hiện nay, cá biệt có vùng còn đạt 7 tấn/ha. Những vùng nuôi tôm vẫn duy trì một vụ lúa, còn hầu hết đất lúa đều làm được 2 vụ nên tổng sản lượng tăng từ 1,5 đến 1,7 lần. Cà Mau đã sử dụng giống cấp xác nhận và tương đương trên những cánh đồng mẫu lớn ở các huyện Trần Văn Thời, Thới Bình và TP Cà Mau, năng suất đạt đến 8 tấn/ha, nông dân có lãi khoảng 30%. Kết quả này chưa từng có từ trước đến nay. Chi phí sản xuất cũng giảm bình quân 900.000 đồng/ha từ việc cơ giới hóa, tiết kiệm vật tư nông nghiệp, giống, công lao động…

Tháng ba nắng nóng oi bức bao trùm lên rừng tràm U Minh Hạ. Thế nhưng trong khu thực nghiệm của trại cây giống Khánh An lại mướt một màu xanh của keo lai, dưới tán cây nước trong vắt mát mẽ. Mỗi năm trại sản xuất vài trăm ngàn cây giống, kế hoạch năm 2015 là 600.000 cây cộng với số cây giống ươm tại Trung tâm thì số cây giống các loại có thể lên đến con số triệu. Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ nên giảm chi phí sản xuất, chất lượng cây đảm bảo, tạo công ăn việc làm cho bà con xung quanh trại và lớn hơn nữa là phủ xanh cho nhiều diện tích đất, có lợi cho môi trường.

Trại giống gia súc gia cầm cũng chuyển biến mạnh ngoài việc phục tráng các giống gà địa phương chất lượng thịt ngon, kháng bệnh tốt, trại còn lai tạo và sản xuất với số lượng lớn gà sao, vịt xiêm, heo…

Một hướng đi đúng của Trung tâm là đưa cán bộ kỹ thuật, kỹ sư xuống từng xóm ấp tập huấn cho người dân sản xuất lúa giống từ khâu làm đất, chăm sóc, xử lý sâu bệnh, thu hoạch… gắn liền với ý thức bảo vệ môi trường. Con tôm và cây trồng sẽ từng bước đi vào quỹ đạo, tạo lợi nhuận cao hơn cho nông dân, tránh bất trắc trong sản xuất và đầu ra sản phẩm. Dự án lớn sản xuất tôm giống đang được Trung tâm xúc tiến và nhiều hạng mục đã hoàn thành. Guồng máy ấy đã chạy đều và ngày càng vươn tới chuẩn “công nghệ cao” phục vụ nông nghiệp Cà Mau, vùng kinh tế trọng điểm Tây Nam bộ./.

Kỹ sư Lê Văn Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT, đánh giá: Quá trình hình thành và phát triển có những lúc thuận lợi, khó khăn nhưng anh em ở Trung tâm luôn thể hiện bản lĩnh, tâm huyết của mình, đã có những đóng góp đáng kể cho ngành nông nghiệp Cà Mau. Nếu chỉ có phục tùng sự chỉ đạo của cấp trên mà thiếu lòng yêu nghề, dấn thân thì khó đạt kết quả như mong muốn. Các anh đã phát huy tốt những gì đang có và vận dụng tốt những ưu thế, thành tựu của khoa học công nghệ để tạo những bước đột phá cho giống nông nghiệp tỉnh nhà.

Ngọc Diễm

Các tin mới:

22/5/2015
22/5/2015
22/5/2015
22/5/2015
22/5/2015
22/5/2015
22/5/2015
22/5/2015
22/5/2015

 

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang