• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nông dân An Giang không ngừng sáng tạo

Nguồn tin:  Báo An Giang, 11/05/2015
Ngày cập nhật: 12/5/2015

Nhờ sự cần cù và năng động của nông dân trong tỉnh An Giang, năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp không ngừng tăng lên, không những đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, mà còn vươn ra xuất khẩu. Những sản phẩm điển hình cho sự năng động, sáng tạo này là lúa chất lượng cao, đậu nành rau, cá tra…

Từ trồng trọt…

“Trong những năm đầu khai hoang, phục hóa, nếu dùng sức người và trâu bò thì làm sao diện tích đất sản xuất lại tăng nhanh như thế. Chính việc sử dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp đã giải phóng được sức lao động của con người lẫn trâu bò. Một chiếc máy cày làm đất gấp hàng chục người nông dân sử dụng cơ bắp. Nhờ đó, diện tích khai hoang tăng lên nhanh chóng” – nông dân Trần Văn Hoài (thị trấn Phú Hòa, Thoại Sơn) đúc kết.

Nông dân dùng máy đạp nước vào đầu bè nuôi cá basa

Trong trồng trọt, việc vận dụng linh hoạt cơ giới hóa trong nông nghiệp kết hợp các chương trình canh tác lúa khoa học, như: IPM, “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”… giúp năng suất, chất lượng và sản lượng tăng lên nhanh chóng. Năng suất lúa bình quân từ 5,5 tấn/héc-ta (năm 1986) tăng lên 6,5 tấn/héc-ta (năm 2000) và nay trên 7,6 tấn/héc-ta. Năm 1988, sản lượng lương thực của tỉnh đã đạt mức 1 triệu tấn và nay 4,1 triệu tấn/năm.

Đồng đất An Giang không chỉ có cây lúa, mà còn có các cây trồng khác, như: Bắp lai, đậu nành rau, bắp thu trái non, khoai cao, chuối, xoài, nhãn... cùng các mô hình VAC, VA lần lượt ra đời, góp phần nâng cao đời sống người nông dân, tạo ra rất nhiều sản phẩm có giá trị để phục vụ xuất khẩu, trong đó lúa và cây đậu nành rau, bắp thu trái non là một điển hình.

Ngoài năng suất và chất lượng, tính năng động của người nông dân đã giúp họ sản xuất những sản phẩm theo tín hiệu của thị trường, “bán cái thị trường cần, chứ không phải bán cái mà mình có” như: Trồng xoài 3 màu để xuất khẩu sang Trung Quốc ở 3 xã cù lao Bình Phước Xuân, Mỹ Hiệp và Tấn Mỹ (Chợ Mới); trồng lúa Nhật ở TP. Long Xuyên, huyện Thoại Sơn; trồng ớt, khoai cao để xuất khẩu sang Trung Quốc ở huyện An Phú…

… đến chăn nuôi

Năm 1986, vận dụng đường lối đổi mới của Đảng và thực tiễn cuộc sống, nông dân An Giang đã đóng bè nuôi cá basa để xuất khẩu sang Mỹ và một số nước EU. Năm 1996, Công ty Agifish xuất khẩu lô cá basa đầu tiên vào Mỹ. Đến năm 1998, Việt Nam gia nhập Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC), các doanh nghiệp trong tỉnh đã tận dụng lợi thế này để gia tăng sản lượng cá basa vào thị trường Mỹ. Từ 260 tấn/năm vào thời điểm 1996 lên 20.000 tấn/năm vào năm 2002 và tăng dần vào những năm sau đó. Giá xuất khẩu 1kg cá basa phi lê lúc bấy giờ từ 3,4 - 4,2 USD/kg và nghề nuôi cá bè xuất khẩu cũng bắt đầu từ đây. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu cá da trơn của tỉnh đạt 365 triệu USD, tương đương 156.000 tấn.

“Cá basa là loại cá rất khó nuôi, khi thủy triều chuyển từ nước ròng sang nước lớn, trong giai đoạn nước bị đứng, cá trong bè bị thiếu oxy nên nhào lên mặt nước. Ban đầu ngư dân không biết, cá chết rất nhiều, nuôi không đạt hiệu quả. Về sau, nhờ sự tìm tòi và không ngừng sáng tạo, ngư dân đã dùng máy dầu có gắn chân vịt để ngay ở đầu bè để đạp nước. Lúc này, nước chảy vào bè mang theo nhiều oxy, cá khỏe trở lại. Đây được xem là một trong những sáng tạo đầu tiên của nông dân nuôi cá trong tỉnh đối với nghề nuôi cá xuất khẩu” – ông Dương Văn Đông (ngư dân phường Vĩnh Nguơn, TP. Châu Đốc) tự hào.

Để tăng hiệu quả sau mỗi vụ nuôi, ngư dân trong tỉnh đã nuôi ghép cá he, mè hôi, mè vinh vào bè nuôi cá basa. Mục đích là để cá ăn mồi bị rớt xuống tầng đáy bè. Hình thức nuôi ghép này đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Những năm gần đây, tình hình xuất khẩu cá tra gặp khó khăn, nhiều ngư dân đã linh hoạt, chuyển đổi sang nuôi các loài cá khác để đáp ứng thị trường nội địa như cá điêu hồng, mè vinh, cá rô, cá lóc hoặc nuôi cá đặc sản như chép giòn, chấm giòn, cá nheo để bán vào các nhà hàng phục vụ thực khách. Chính sự linh động này đã góp phần tạo ra rất nhiều sản phẩm mới cho xã hội, góp phần làm phong phú thêm các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, năng suất và sản lượng sản phẩm nông nghiệp của địa phương .

MINH HIỂN

Các tin mới:

12/5/2015
12/5/2015
12/5/2015
12/5/2015
12/5/2015
12/5/2015
12/5/2015
12/5/2015
12/5/2015

 

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang