• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ninh Bình: Đưa trí thức trẻ về các trang trại để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật

Nguồn tin:  Báo Ninh Bình, 04/05/2015
Ngày cập nhật: 6/5/2015

Trang trại đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc chuyển dịch kinh tế nông nghiệp. Do vậy, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT Ninh Bình đã triển khai chương trình đưa các cán bộ, công chức, viên chức có trình độ tiến sỹ, thạc sỹ, kỹ sư thủy sản về các trang trại trên địa bàn tỉnh để hướng dẫn, tư vấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các chủ trang trại và người lao động, qua đó góp phần phát triển sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các trang trại.

Mô hình trồng thanh long ruột đỏ ở trang trại của gia đình ông Nguyễn Văn Kỷ, xã Phú Long.

Trang trại của gia đình anh Lê Văn Thụ, thôn Yên Sơn, xã Phú Lộc (Nho Quan) chuyên nuôi lợn nái và lợn thịt, mỗi năm thu nhập vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên, anh Thụ đang muốn tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi cũng như phát triển sang lĩnh vực trồng trọt. Đang lúng túng chưa biết nên đưa cây, con gì vào sản xuất cho phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng và nhu cầu thị trường thì anh được nhóm cán bộ là các thạc sỹ, kỹ sư của Sở Nông nghiệp và PTNT về tư vấn, giúp đỡ. Anh Thụ phấn khởi cho chúng tôi biết: Trước đây, tôi chỉ làm theo kinh nghiệm, nay được các cán bộ về hướng dẫn, biết thêm nhiều điều rất bổ ích, từ cách xây dựng chuồng trại làm sao cho tiết kiệm nhất đến kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng khi lợn đẻ… Ngoài ra, nhóm còn tư vấn cho tôi nên tận dụng diện tích đất trống để trồng một số loại cây ăn quả như táo, ổi Đài Loan, bưởi Diễn vừa tạo tiểu vùng sinh thái rất tốt cho chăn nuôi vừa có thêm thu nhập. Bên cạnh đó, để thuận tiện trong tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng, nhóm đã giúp đỡ gia đình hoàn thiện hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận trang trại.

Tương tự như vậy, trang trại của gia đình ông Bùi Xuân Quý, xã Yên Sơn (thị xã Tam Điệp) có 2,3 ha. Trước đây, theo phong trào ông đã đưa vào trồng hơn 100 cây vải, xoài và khoảng 300 cây nhãn Hương Chi. Đầu tư cả trăm triệu đồng với gần 20 năm chăm sóc nhưng số sản phẩm và tiền thu lãi từ các cây trồng này chẳng được là bao. Nguyên nhân bởi các cây trồng này không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng đất đai của trang trại, cộng thêm thời tiết thất thường và việc thiếu kiến thức kỹ thuật trong chăm bón, xử lý cây ra hoa nên có khi 2 - 3 năm cây mới cho quả một lần. Nhờ được các cán bộ của Sở Nông nghiệp và PTNT tư vấn, gia đình ông đã mạnh dạn chặt bỏ cây xoài, vải và trồng thay thế bằng nhãn Hương Chi, hoa hòe; mở rộng nuôi bò thịt, bò sinh sản, nhờ vậy hiệu quả kinh tế của trang trại dần được cải thiện, năm vừa rồi doanh thu của trang trại đạt gần 370 triệu đồng.

Trong thực tế hiện nay, hầu hết các chủ trang trại đều đang sản xuất, kinh doanh theo kinh nghiệm. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, trong số 849 chủ trang trại, gia trại trên địa bàn tỉnh thì có tới 712 chủ trang trại chưa qua đào tạo (chiếm 83,76%); trình độ sơ cấp là 27 người (chiếm 3,17%); trung cấp là 60 người (chiếm 7,05%); cao đẳng 9 người (chiếm 1,05%); đại học 20 người (chiếm 2,35%); sau đại học 1 người (chiếm 0,11%). Chính vì chưa được đào tạo nên các chủ trang trại thường thiếu hiểu biết về thị trường, khoa học kỹ thuật và kỹ năng quản lý. Rất nhiều chủ trang trại còn lúng túng trong việc xác định phương hướng chuyển đổi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm khó khăn, không ổn định, dễ bị tư thương ép giá dẫn đến thua lỗ hoặc không có lãi.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn trên, từng bước đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh, từ năm 2014, Sở Nông nghiệp và PTNT đã triển khai chương trình đưa các cán bộ, công chức, viên chức có trình độ tiến sỹ, thạc sỹ, kỹ sư trẻ xuống giúp đỡ các trang trại trên địa bàn tỉnh. Với đội ngũ kỹ sư các chuyên ngành về nông nghiệp, có kinh nghiệm, tâm huyết, nhiệt tình trách nhiệm, họ đã tổ chức tư vấn, chuyển giao các ứng dụng khoa học kỹ thuật, tư vấn chọn lọc các giống cây trồng, con nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, tư vấn thị trường đầu ra của sản phẩm, hướng dẫn ghi chép sổ sách cho các trang trại… bước đầu mang lại những hiệu quả nhất định. Nhiều trang trại đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, mở rộng quy mô, có doanh thu và lợi nhuận cao hơn.

Đồng chí Trương Đức Nghĩa, trưởng nhóm các cán bộ phụ trách đơn vị huyện Nho Quan cho biết: Nhóm chúng tôi mỗi người một chuyên ngành, thú y, trồng trọt, thủy sản hàng tháng thường xuyên xuống các trang trại để theo dõi, nắm bắt tình hình và tùy vào trường hợp cụ thể để có những tư vấn kỹ thuật, phương hướng hỗ trợ phù hợp. Nhìn chung, nhu cầu nắm bắt khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi của các chủ trang trại khá lớn.

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục phân công các nhóm cán bộ kỹ thuật xuống các trang trại để thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình hoạt động, đồng thời điều tra thêm các trang trại khác để đánh giá chính xác hơn tình hình phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tư vấn, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, hướng dẫn công tác quản lý trang trại. Chuyển giao các tiến bộ KHKT cho chủ trang trại và người lao động. Chọn lọc các mô hình đã áp dụng thành công trong sản xuất để chuyển giao về giống và con nuôi phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các trang trại. Hướng dẫn các trang trại nuôi trồng theo hướng VietGap, đảm bảo hồ sơ nguồn gốc các vật tư đầu vào khi cần thiết. Tư vấn cho các chủ trang trại có sự liên kết với các cơ sở sản xuất khác để thống nhất vật tư đầu vào, đầu ra của sản phẩm, tránh bị ép giá. Tổ chức tốt việc cung cấp thông tin thị trường, hướng dẫn các trang trại sản xuất những sản phẩm thị trường cần, tăng cường giới thiệu quảng bá sản phẩm… Phối hợp với phòng nông nghiệp, phòng kinh tế các địa phương hướng dẫn các chủ trang trại hoàn thiện các điều kiện để cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại theo Thông tư 27 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Hà Phương

Các tin mới:

6/5/2015
6/5/2015
6/5/2015
6/5/2015
6/5/2015
6/5/2015
6/5/2015
6/5/2015
6/5/2015

 

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang