• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hậu Giang: Nông sản GAP còn nhiều trăn trở

Nguồn tin:  Báo Hậu Giang, 08/04/2015
Ngày cập nhật: 9/4/2015

Mô hình sản xuất thực hành nông nghiệp tốt GAP (VietGAP, GlobalGAP) không chỉ đổi mới tư duy sản xuất cho người nông dân mà còn góp phần xây dựng sản phẩm chất lượng cao. Tuy nhiên, sau khi được công nhận đạt tiêu chuẩn, nông sản GAP khó trụ vững khi mà đầu ra, giá cả chưa tương xứng với công sức mà người nông dân đã bỏ ra.

GAP - Thực hành nông nghiệp tốt, đòi hỏi người nông dân thực hiện theo những quy trình gắt gao, tỉ mỉ từng khâu một, từ chăm sóc, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Chiến, nguyên Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thạnh Phước, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, nêu rõ: Khi tham gia sản xuất chanh không hạt theo tiêu chuẩn VietGAP, thành viên HTX phải tuân thủ các quy định của quy trình sản xuất từ các yếu tố liên quan như: môi trường, các chất hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, bao bì, điều kiện làm việc của người lao động. Hơn nữa, phải có sổ nhật ký ghi chép kỹ lưỡng quá trình canh tác, bón phân, phun thuốc.

Đôi lúc, nông sản GAP vẫn bị cào bằng với sản phẩm thông thường.

Theo quy định của quy trình, để sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, trong thời gian canh tác, người nông dân phải thực hiện được khoảng 70 tiêu chí đánh giá; còn tiêu chuẩn GlobalGAP phải thực hiện hơn 230 tiêu chí. Như vậy, để sản phẩm của mình đạt chất lượng các chỉ tiêu của quy trình GAP, người nông dân phải nâng cao kỹ thuật, tốn chi phí và công sức đầu tư theo phương pháp mới… Theo nhiều nhà nông nhẩm tính, chi phí cho năm đầu sản xuất theo GAP so với cách làm truyền thống tăng khoảng 50% công lao động. Bởi họ phải “siêng” hơn trong các khâu vận chuyển, bón phân hữu cơ nhiều giai đoạn. Những công đoạn này không thể thay bằng máy móc nên chi phí lao động tăng lên là tất yếu.

Có thể nhận thấy rằng, để hòa nhập vào thị trường ngày càng khó tính thì áp dụng và chứng nhận hệ thống “Thực hành nông nghiệp tốt” theo tiêu chuẩn GAP là giải pháp nền tảng để nhà sản xuất nông nghiệp xây dựng thương hiệu, tạo chỗ đứng bền vững và lâu bền cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đã giúp đưa ra thị trường nhiều nông sản “sạch”, an toàn cho sức khỏe người sử dụng, giảm tác động xấu đến môi trường. Khi áp dụng mô hình, sản xuất theo quy trình GAP bảo đảm được các lợi ích: truy được nguồn gốc sản phẩm, sản phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Chính vì thực hiện mô hình mới, các cuộc họp thường xuyên được diễn ra để nhắc nhở, kiểm tra lịch ghi chép đã khiến các hộ dân ngại, không quen vì phải vừa làm nông, vừa đi học. Ông Nguyễn Văn Dư, thành viên HTX Nông nghiệp Thạnh Phước, bộc bạch: “Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, nhà vệ sinh, hố rác, chúng tôi còn phải ghi chép nhật ký thì mới đảm bảo được tiêu chí khắt khe của VietGAP, xuất xứ và chứng minh nông sản mình an toàn. Nông dân tụi tui đều lớn tuổi, mắt mờ, viết chữ chưa quen nên làm “trật vuột” hoài”.

Thiếu kinh phí tái chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn GAP là một trong những nguyên nhân khó duy trì nhân rộng kiểu sản xuất tiên tiến này. Năm nay là đến hạn tái công nhận chuẩn GlobalGAP cho sản phẩm lúa của HTX Nông nghiệp Phước Trung, ở xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, nhưng số tiền 60 triệu đồng là khá lớn đối với HTX. Mặt khác, hiện tại thương lái không còn đặt hàng lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP nữa nên HTX cũng chưa dám đăng ký để tiếp tục được công nhận chuẩn GAP. Ông Hà Minh Triều chia sẻ: “Tuy rằng bà con trong HTX đã nhận thấy ưu điểm của việc sản xuất theo chuẩn GAP là hạ được chi phí đầu tư, giảm được phân, thuốc, ít ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng thương lái không đặt hàng nữa thì việc đăng ký theo chuẩn GAP chỉ phí tiền. Hơn nữa, lúa GlobalGAP lần trước tụi tui trồng giá bán ra không cao hơn lúa thường, khiến bà con chán nản. Hiện tại, HTX vẫn vận động bà con tiếp tục áp dụng những tiêu chí có lợi như bón phân, xịt thuốc đúng theo danh mục cho phép để sản xuất lúa chất lượng, an toàn. Còn chuyện đăng ký GAP thì từ từ xem lại”.

Như vậy, giá trị của sản phẩm GAP vẫn chưa được nâng tầm so với sản phẩm thường, việc định giá cào bằng của thương lái đã khiến cho cách nhìn về sản phẩm GAP của nhà nông bị hạn hẹp lại. Điều này cũng đã xảy ra ở HTX Thủy sản Đại Thắng, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy. Mặc dù, chi phí thuê công ty công nhận chuẩn VietGAP của HTX lần đầu đã được Nhà nước hỗ trợ. Hiện tại, HTX có 18 thành viên nhưng chỉ có 11 hộ chịu nuôi cá tra theo chuẩn VietGAP. Trong số 7 hộ chưa thực hiện quy trình thì có đến 4 hộ không chịu làm theo vì chưa thấy lợi gì từ GAP. Theo ông Lâm Văn Dũng, thành viên HTX thì ông đã nuôi cá tra hơn chục năm qua mà chưa hề thấy thương lái nào hỏi mua cá nuôi theo GAP. Còn các thành viên khác trong HTX có sản xuất cá theo tiêu chuẩn VietGAP thì bán cá bằng với cá của ông, theo giá thị trường, không doanh nghiệp nào chịu bao tiêu với giá cao hơn bên ngoài. Hơn nữa, nuôi cá VietGAP, ông phải tốn chi phí làm hồ sơ, phiền hà trong việc đi lại... Cho nên, ông Dũng đã quyết định không làm theo GAP.

Bên cạnh vấn đề chi phí công nhận, vấn đề đầu ra của sản phẩm GAP cũng không mấy rộng mở. Ông Vu Suổi, Giám đốc HTX Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Hồi trước, sản phẩm khóm VietGAP của HTX cũng có vào siêu thị nhưng do số lượng ít quá, chúng tôi phải làm luôn khâu vận chuyển, thấy không có lời nên không làm nữa. Còn thương lái cũng không đòi sản phẩm GAP mà số lượng mua cũng không ổn định”. Chính vì doanh nghiệp chưa đánh giá đúng mức giá trị hàng hóa được sản xuất theo quy trình GAP cho nên chỉ thu mua cầm chừng, đôi lúc đánh đồng sản phẩm GAP với hàng hóa bình thường. Điều này gây hiệu ứng ngược lại cho hàng hóa GAP. Người tiêu dùng cũng không biết đâu là thật, là giả và dần quay lưng với nông sản GAP”.

Gia đình ông Võ Văn Năng, ở xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, có thâm niên khoảng chục năm trồng dưa hấu. Xác định hướng làm ăn lâu dài và bền vững, gia đình anh đã cùng HTX sản xuất dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP. Qua hơn 3 năm sản xuất theo chuẩn VietGAP, ông đã nhận thấy sản phẩm làm ra chất lượng, đồng đều hơn. Tuy nhiên, thương lái vẫn lấy cớ theo giá thị trường mà mua nên giá cả vẫn chưa khác biệt. Những lúc dội chợ, dưa VietGAP vẫn phải tụt giá bằng dưa thường, mặc dù công sức, quy trình sản xuất vẫn khổ nhọc hơn rất nhiều. Ông Năng mong ước: “Giờ đây, dưa hấu VietGAP của HTX không lo chất lượng, an toàn thực phẩm nữa. Tôi chỉ mong sao giá cả ổn định để nông dân được trả công xứng đáng hơn với những gì mình bỏ ra”.

Có thể nhận thấy, mô hình sản xuất nông sản theo chuẩn GAP của Hậu Giang chưa nhiều, vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, vẫn chưa thể nhân rộng. Nguyên nhân cốt lõi và đáng quan tâm nhất là các sản phẩm này thiếu “bà đỡ” là đơn vị bao tiêu đầu ra. Khi người nông dân mới làm quen với cách làm ăn mới, thay đổi kỹ thuật canh tác thì việc hỗ trợ của ngành chức năng, doanh nghiệp là rất cần thiết. Theo ông Nguyễn Văn Đời, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, để tháo gỡ vấn đề này, ngoài ngành nông nghiệp, cần thêm sự vào cuộc của nhiều ngành chức năng trong việc tư vấn, hỗ trợ người dân làm mẫu mã, đăng ký nhãn hiệu tập thể, quảng bá thương hiệu sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh với các sản phẩm. Những năm gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh cùng Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh đã phối hợp mở rộng quảng bá hình ảnh, danh tiếng cho nông sản tỉnh mà đặc biệt là sản phẩm GAP. Còn vấn đề giá cả thì do thị trường quyết định. Nhưng ngành nông nghiệp vẫn khuyến khích giúp bà con thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao kỹ thuật, chất lượng sản phẩm từ mô hình thực hành nông nghiệp tốt này. Qua đây, từng bước hình thành những vùng nguyên liệu trồng những sản phẩm có thế mạnh cạnh tranh của tỉnh, bước đầu tạo chất lượng, tạo nền tảng để nông sản Hậu Giang đứng vững và sẵn sàng gia nhập, cạnh tranh với nông sản thế giới bất cứ lúc nào.

TRÚC LINH

Các tin mới:

9/4/2015
9/4/2015
9/4/2015
9/4/2015
9/4/2015
9/4/2015
9/4/2015
9/4/2015
9/4/2015

 

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang