• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Làm vườn trên đất rừng U Minh Hạ

Nguồn tin:  Báo Cần Thơ, 07/04/2015
Ngày cập nhật: 9/4/2015

Đến U Minh Hạ (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) ai cũng thấy những cây dừa, cây chuối còi cọc mọc trên đất mặn phèn. Muốn có rau ăn, người ta phải cho đất vô chậu, tưới tắm nước ngọt. Vậy mà ở mảnh đất cách cửa biển Hương Mai (biển Tây) chỉ 4km có người dám "cả gan" làm vườn.

* Khởi nghiệp "liều"!

Qua đập Lung Ngang (ấp 14, xã Khánh Hòa, huyện U Minh) là một màu xanh đến ngỡ ngàng. Đó là thế giới của các loại cây ăn trái: xoài, đu đủ, cam, quýt lúc lỉu trái mùa và những luống khoai môn lá xanh mướt vươn cao, lả lơi trong gió. Để có được một "miệt vườn" như vậy ở mảnh đất phèn mặn này là nhờ công đóng góp không nhỏ của anh Trần Văn Cường, một nông dân khai phá mảnh đất "lâm cùng thủy tận" này, khởi phát cho một loạt 13 hộ đang cùng anh lập thành "trang trại vườn rừng".

Gần 20 năm trước, anh Cường đã làm một cuộc "mạo hiểm" với tương lai. Sống với cha mẹ ở Cần Thơ bằng nghề trồng cam, quýt. Tuy nhiên, đất nhà ít, anh em 4 người, không đủ sống. Cường cùng người em thứ ba xuống Cà Mau theo lời kêu gọi của người chú đang liên doanh khai thác tràm ở Lâm trường 30-4, giờ là Lâm trường U Minh Hạ. 24 tuổi, Cường cùng vợ và đứa con gái 3 tuổi đến xứ muỗi kêu như sáo thổi. Di chuyển nhờ người cậu (cùng xuống làm cho chú Cường) lo liệu. Kỷ niệm nhắc đến muốn khóc là trên đường đi, con gái đói lả, muốn mua bánh bao mà một cái tới 2.000 đồng khi trong túi chỉ có 1.000 đồng "vốn"! Người cậu thấy thương con Cường, khi xe dừng, mua cho cháu một cái bánh.

Anh Trần Văn Cường bên vườn cam xen canh.

Đặt chân đến lâm trường vào năm 1998, vợ chồng Cường tạm trú trong căn chòi trên bờ bao. Căn chòi bị cơn bão số 5 (năm 1997) tàn phá, vợ chồng anh phải xốc nóc, kèm cặp cây chống để có nơi tá túc. Trong khi chờ khai thác tràm cho chú, vợ chồng Cường có nhiệm vụ chăm sóc và giữ tràm. Là dân làm vườn, muốn vươn lên trong cuộc sống, nhìn đất bờ bao sậy mọc um tùm, vợ chồng Cường tiếc đứt ruột, máu trồng cây ăn trái nổi lên. Khi ấy, lâm trường đấp bờ bao ngăn mặn đã 13 năm, anh nghĩ có lẽ đất đã "ngọt", trồng cây ăn trái được. Cường gợi ý và được chú đồng ý hợp tác làm vườn. Vợ chồng Cường cùng với người em ra sức phát hoang, "thuần hóa" 1,5ha bờ đất. Rồi Cường về quê Cần Thơ mua xoài và sa pô giống với số tiền người chú đưa, về trồng thử. Vận may không mỉm cười với họ, sâu cắn phá, đứt vốn. Người chú lại nghe lời Cường, quyết thử thời vận lần nữa. Cường về Cần Thơ "na" 1.000 cây quýt giống đem về giâm, cũng với số tiền người chú đưa. Đất phèn dữ quá. Anh trị "kẻ thù cây ăn trái" này bằng vôi và cái đầu đầy kinh nghiệm trồng trọt từ thuở nhỏ với cha mẹ. Sau những giờ chăm sóc cây rừng cho lâm trường, chiều nào vợ chồng Cường cùng em trai cũng cố gắng tưới nước cho vườn quýt. Quýt càng ngày càng xanh tốt khiến vợ chồng anh hớn hở vui mừng. Mồ hôi và cái đầu dám nghĩ dám làm dám khiến cây quýt sống ngon trên đất phèn đã giúp Cường mỉm nụ cười mãn nguyện vào 4 năm sau: Thu hoạch 90 triệu đồng. Số tiền chia với chú và em trai. Năm 2005, lâm trường thu hồi đất rừng, người chú kết thúc hợp đồng. Cường hợp đồng thuê mảnh đất đang trồng cây với lâm trường với giá 1 triệu đồng/1ha. Nửa héc-ta còn lại của người em. Ngoài trồng quýt, Cường lại thử thời vận lần nữa bằng cách trồng 200 gốc vú sữa bơ, xen canh. Mùa đầu thu 40-50 triệu đồng. Vụ 2013 được 60 triệu đồng. Vú sữa trồng 2 năm cho trái chín, lẹ hơn quýt. Vợ chồng Cường lấy ngắn nuôi dài bằng đu đủ cùng một số rau cải…

Ông Phan Trung Ái (năm nay 62 tuổi) chở sản phẩm dao kéo nổi tiếng quê mình (Lấp Vò, Đồng Tháp) trên xuồng xuống rừng bán. Thời gian sau gặp người đẹp xứ U Minh, kết nghĩa vợ chồng, cột chặt chân nơi đây luôn. Thấy nghề bán dao kéo dạo cực, không "bén" bằng làm vườn như Cường, ông xin "thọ giáo" Cường. Đến giờ ông sống khỏe với vườn cây trái trên 700m bờ bao. Từ đó, "tiếng lành đồn xa", người tứ xứ giao thương xứ U Minh thấy chuyện làm vườn có ăn hơn, tụm lại thành "xóm chuyển canh" 14 hộ.

Với sự cần cù, dám nghĩ dám trồng cây ăn trái trên vùng đất rửa mặn vùng U Minh Hạ, năm 2010, anh Trần Văn Cường được UBND huyện U Minh tặng giấy khen "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi". Cũng với danh hiệu này, anh Cường được UBND tỉnh Cà Mau tặng bằng khen năm 2012.

* Mong "đất cũ đãi người mới"

Bờ bao lâm trường muốn trồng cây phải hợp đồng với lâm trường. Ban đầu hợp đồng rất "phiêu" chỉ 1 năm thôi. Hết hạn, hợp đồng tiếp. Rồi hợp đồng được nâng lên 2 năm. Xưa kia, cá đồng dưới kinh là nguồn thực phẩm không tốn tiền của các hộ chuyên canh cây ăn trái nơi đây. Nhưng từ nhiều năm nay muốn ăn cá dưới kinh phải mua, vì lâm trường đã cho người khác thuê mặt nước nuôi cá. Cái khó của con cá đồng không bằng cái khó từ hợp đồng. Nhận thấy cây ăn trái từ khi xuống giống đến thu hoạch phải mất 4 năm sinh trưởng, 14 hộ dân nơi đây kêu cứu và được lâm trường kéo dài hợp đồng lên 5 năm. Chỉ đủ thời gian thu hoạch cho một đợt cây trồng. Đây là điều khó cho tất cả các hộ thuê đất bờ bao lâm trường làm kinh tế…

Năm nay 40 tuổi, trong cái dáng thư sinh của Cường, một người học hết lớp 5, là một ý chí vươn lên rất lớn: làm giàu cho mình và cho cả những người tứ xứ đến đây lập nghiệp. Ngồi nhìn dòng kinh đen nước xương xáo, Cường buồn. Không lẽ cuộc đời mình đen như vậy? 16 năm sống với đất rừng, anh đã tích lũy được 1 vỏ lãi tưới cây, 1 vỏ lãi chở đu đủ cùng một số hoa màu lặt vặt đi bán. Con gái lớn học lớp 12 ở thị trấn U Minh. Con trai học lớp 8 tại xã Khánh Hòa. Tài sản lớn nhất của anh là 1ha đất ở khu vực khác của lâm trường, mua theo diện giao đất giao rừng, hồi năm 2006 với 10 cây vàng. Mảnh đất đang được Cường cuốc xử lý phèn, khoảng 1 - 2 năm nữa sẽ trồng cây ăn trái. Đất rừng và nước kinh đã thành máu thịt của Cường. Anh yêu nó lắm, muốn cùng nó làm nên một miệt vườn xán lạn giữa nơi hiu quạnh này. Anh muốn dòng nước xương xáo kia sẽ bồi đắp chất ngọt cho cuộc đời anh và các bạn đồng cảnh ngộ trong một tương lai lâu dài - 10 năm hoặc 50 năm hợp đồng thuê đất cùng thuê mặt nước nuôi cá với lâm trường. Đó là cái được đầy phấn khởi của Cường và bà con. Lâm trường cũng được lớn vì đất bờ bao trồng cây ăn trái của lâm trường sẽ được phủ kín, và lâm trường được họ giữ rừng không bị chặt phá trộm, phòng chống cháy, an ninh trật tự… cùng số tiền cho thuê đất sẽ rất "khổng lồ".

Cường cùng các hộ làm vườn đều mong cảnh "ăn của rừng rưng rưng nước mắt" không còn nữa, ước ao lớn nhất là "đất cũ đãi người mới" và U Minh Hạ sẽ là quê hương thứ hai của họ đến cuối đời.

PHÙ SA LỘC

Các tin mới:

9/4/2015
9/4/2015
9/4/2015
9/4/2015
9/4/2015
9/4/2015
9/4/2015
9/4/2015
9/4/2015

 

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang