• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nông dân “khỏe” nhờ giao khoán đất cho hợp tác xã

Nguồn tin:  Báo Đồng Tháp, 08/04/2015
Ngày cập nhật: 9/4/2015

Trong lúc nông dân trồng lúa đang loay hoay với bài toán giảm giá thành, tăng năng suất thì ở xã Mỹ Quý (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) xuất hiện mô hình nông dân giao khoán đất cho hợp tác xã (HTX), cơ bản giải quyết được bài toán này. Bởi khi giao khoán đất cho HTX, chuyện làm thế nào để giảm giá thành, tăng năng suất, bán được giá, đã có HTX đảm nhận...

Nhờ giao đất cho Hợp tác xã, ông Thanh có thêm thời gian rảnh để chăm sóc vườn cây ăn trái của gia đình

Hướng đi mới

Ông Trần Quang Thanh, một lão nông làm ruộng lâu năm ở ấp Mỹ Phước 2, xã Mỹ Quý bộc bạch: “Tôi năm nay đã 63 tuổi, sức khỏe yếu, con cái đi làm xa nên 4,5ha đất và hai máy cắt lúa một mình tôi “kham” cũng rất mệt. Thường mọi năm lo nhiều thứ nên làm lúa ít khi nào được 1 tấn/công (công tầm cắt). Vụ đông xuân vừa qua, khi nghe HTX mở ra mô hình nhận khoán đất với sản lượng chung 7 tấn/ha/vụ, tôi ưng ngay nên giao hết 4,5ha đất cho HTX làm, bởi thấy mô hình này vừa có lợi cho mình mà cũng vừa có lợi cho HTX.

Ông Thanh cho biết, từ trước đến nay, ông cũng như nhiều hộ nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long làm lúa theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, tới lúc thu hoạch thì bán cho thương lái. Những lúc lúa hút hàng thì rất dễ bán. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn. Để tồn tại với nghề trồng lúa, nông dân nhận thấy mình phải liên kết lại, cùng sản xuất theo một quy trình đảm bảo chất lượng với quy mô lớn, nhưng chưa có ai đứng ra làm việc này. Việc HTX Đức Huệ “gan” dám thử nghiệm mô hình này thì nông dân ủng hộ rất cao.

Theo ông Thanh, cái hay ở mô hình này là khi giao đất, nông dân yên tâm lợi nhuận 39 triệu đồng/ha/năm (nếu tính giá lúa chỉ 5.000 đồng/kg, còn giá lúa cao hơn thì lợi nhuận sẽ nhiều hơn). Song song đó, nông dân không lo cảnh chạy vay tiền mua vật tư, sợ mua nhầm thuốc giả... Mặt khác, khi giao đất cho HTX sản xuất thì nông dân có thời gian rảnh để làm những công việc khác như buôn bán, làm ở các xí nghiệp, công ty... hoặc vào làm ở các khâu dịch vụ của HTX với mức lương bình quân 150.000 đồng/ngày/người... Dẫn chúng tôi ra xem vườn cây ăn trái rộng gần 1ha của mình, ông Thanh phấn khởi nói: “Ai cũng nói Giám đốc HTX Đức Huệ “liều” dám nhận khoán đất nông dân, về phía nông dân nhờ vậy mà có thời gian làm nhiều việc...”.

Lãnh đạo UBND tỉnh đánh giá cao mô hình nhận khoán đất tại Hợp tác xã

“Liều” nhưng hiệu quả

Tìm gặp Giám đốc “liều” Huỳnh Thanh Thắm, anh chia sẻ: “Cũng là nông dân nên mình hiểu hết những khó khăn của nghề trồng lúa từ xưa đến nay. Nông dân phải “một nắng hai sương” nhưng lợi nhuận vẫn không được nhiều, nguyên nhân chủ yếu là do chưa giảm được giá thành trong sản xuất cũng như gắn kết giữa các bên bởi từng hộ sản xuất riêng lẻ... Xuất phát từ thực tế đó nên tôi muốn tìm ra một mô hình mới làm sao để giải quyết được bài toán này. Tôi đã tính toán, bàn bạc với hội đồng quản trị thí điểm mô hình mới là bao tiêu sản lượng cho nông dân “trọn gói” cả 3 vụ/năm và được hội đồng thống nhất thực hiện. Theo đó, nông dân chỉ cần giao cho HTX 1ha đất là nhận về 21 tấn lúa (bình quân giao khoán 1ha HTX sẽ giao cho nông dân 7 tấn/ha/vụ) mà không cần ra ruộng canh tác ngày nào. Sau khi thu hoạch lúa, nông dân chỉ hoàn lại cho HTX 22 triệu đồng/vụ tiền chi phí đầu tư”.

“Vụ đông xuân vừa qua, sau khi trừ chi phí giao khoán cho các hộ đưa đất, HTX còn lãi khoảng 500 triệu đồng. Số dư này HTX dùng để tích lũy trừ vào việc hao hụt của các vụ sau. Hướng tới đây, trong kế hoạch tích tụ ruộng đất, HTX sẽ mua lại hoặc thuê thêm những phần đất liền kề tại khu vực HTX nhận khoán (nếu nông dân có nhu cầu bán lại hoăc góp vốn vào làm thành viên HTX). Đồng thời, HTX đang mở dịch vụ quỹ tín dụng HTX, tức là sẽ cho những người có nhu cầu góp vốn làm thành viên HTX vay. Mục tiêu của HTX là kêu gọi toàn thể mọi người tham gia vào HTX...” - anh Huỳnh Thanh Thắm tâm sự.

Theo ông Đinh Minh Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười, những năm qua nhiều nông dân gặp khó khăn do sản xuất manh mún, thiếu liên kết. Thêm vào đó, thị trường xuất khẩu gạo ngày càng khắc khe, không thể đoán trước được giá cả thị trường... Vì vậy, kết nối giữa nông dân, HTX, doanh nghiệp nhằm phát huy thế mạnh mỗi bên là hướng đi bền vững cho nghề trồng lúa hiện nay. Đây là một mô hình tốt, phù hợp với chủ trương tái cơ cấu của ngành nông nghiệp tỉnh. Do vậy, huyện cũng đang xem xét về tính hiệu quả cũng như hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện mô hình và điều hành HTX, nhất là việc củng cố năng lực hoạt động, trình độ quản lý và hướng dẫn chuyển đổi theo Luật HTX 2012.

Mỹ Nhân

Các tin mới:

9/4/2015
9/4/2015
9/4/2015
9/4/2015
9/4/2015
9/4/2015
9/4/2015
9/4/2015
9/4/2015

 

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang