• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Làm giàu trên vùng cát trắng

Nguồn tin:  Báo Quảng Trị, 18/03/2015
Ngày cập nhật: 20/3/2015

Trước đây mỗi khi nhắc đến hai xã vùng biển Hải An và Hải Khê (huyện Hải Lăng, Quảng Trị) nhiều người thường liên tưởng đến sự nghèo khó, tụt hậu bởi sự bao trùm của những đồi, bãi cát trắng mênh mông chạy dài tít tắp. Thế nhưng những năm trở lại đây, những đồi cát hoang vu đó đã trở thành địa chỉ gắn bó của những cụm trang trại, ao hồ nuôi tôm, rừng tràm cho thu nhập hàng chục tỉ đồng/năm...

Con đường về cảng Mỹ Thủy rộng thanh thang đã mở ra vận hội mới cho hai xã vùng biển huyện Hải Lăng. Ký ức về một vùng cát trắng nghèo khó ngày nào đã đi vào quên lãng. Trước mắt chúng tôi là những khoảnh rừng xanh ngát, những vuông tôm trải dài ngút mắt hay những trang trại trù phú mọc lên đang che lấp những triền cát trắng chang chang nắng vùng Hải An, Hải Khê.

Tiếp chúng tôi, ông Trương Văn Cần, Chủ tịch UBND xã Hải Khê hồ hởi cho biết: “So với 5 năm trước thì xã Hải Khê đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Từ một xã nghèo bậc nhất huyện, quanh năm đói cơm, rách áo, nay chúng tôi đã thoát ra khỏi sự nghèo túng và ngày càng giàu mạnh. Người dân không còn lo đến chuyện thiếu lương thực nữa bởi đã chinh phục được những đồi cát trắng, biến cát trắng thành vàng, thành bạc. Ở Hải Khê bây giờ chỉ còn tính chuyện làm giàu”.

Phát triển chăn nuôi đã giúp nhiều người dân vùng cát Hải Lăng thoát nghèo vươn lên làm giàu bền vững

Những năm về trước, người dân Hải Khê chỉ biết trông chờ vào nguồn lợi từ biển. Nhưng là vùng biển bãi ngang, phương tiện đánh bắt nghèo nàn, kiếm được con cá, con mực để đắp đổi qua ngày cũng là điều không đơn giản. Trong khi đó, cả một vùng cát trắng mênh mông đã biến thành sa mạc, đất đai cằn cỗi chỉ trồng được cây phi lao, khoai, sắn nên nguồn thu không đáng kể. Biển không nuôi nổi người và đất cũng không níu giữ được chân họ nên lớp lớp người dân vùng biển đã ra đi tìm cuộc sống ở các vùng đất mới.

Đứng trước thực trạng đó, cấp ủy, chính quyền xã Hải Khê đã luôn trăn trở, tìm hướng đi mới ngay chính trên vùng cát quê hương. Phải khai thác tiềm năng thế mạnh của vùng đất này bằng ý chí và nghị lực của con người. Và từ đó, những triền cát hoang vu, khô cằn đã biến thành ao, thành hồ nuôi tôm, nuôi cá và những trang trại chăn nuôi lợn, gà quy mô, hay những rừng tràm xanh ngút ngàn. Hiện nay, toàn xã có 22 ha mặt nước ao, hồ nuôi tôm thẻ chân trắng với tổng sản lượng thu hoạch mỗi năm ước đạt gần 300 tấn. Các mô hình nuôi cá nước lợ, nước mặn có giá trị như cá vược, cá rô phi, trê phi, trắm, điệp cũng như các mô hình nuôi lợn, gà, dê trên đồi cát đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.

“Chúng tôi chú trọng việc nuôi trồng thủy sản, mở rộng trang trại chăn nuôi trên vùng cát bởi đây là một hướng đi mới và rất bền vững. Nhờ vậy mà hàng chục hộ dân đã thoát nghèo vươn lên làm giàu nhanh chóng”, ông Cần cho biết thêm.

Trong các mô hình chăn nuôi trên cát thì nuôi tôm thẻ chân trắng được xem là mô hình kinh tế mũi nhọn của địa phương. Nhiều năm qua, nhờ áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tận dụng điều kiện tự nhiên thuận lợi nên các hộ nuôi tôm liên tiếp trúng đậm. Theo ông Nguyễn Đức Nhân, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hải Khê: “Trong năm 2014, hộ ông Phan Phước Phi (thôn Thâm Khê) lãi gần 2 tỉ đồng, hộ ông Lê Văn Chiến (thôn Trung An) lãi trên 500 triệu đồng. Các hộ nuôi nhỏ lẻ cũng lãi từ 80 đến 150 triệu đồng, con tôm thẻ chân trắng thực sự đã đem lại nguồn lợi lớn cho nhiều hộ gia đình ở đây”.

Việc chăn nuôi bò, dê, lợn rừng trên cát nghe qua có vẻ hơi… phi lý, nhưng thực tế những con vật nuôi này lại phát triển tốt trên vùng cát trắng Hải Khê. Hiện tại tổng đàn bò toàn xã có 255 con, tăng 40 con so với cùng kỳ năm trước. Chăn nuôi dê bán chăn thả với số lượng gần 30 con, lợn rừng trên 50 con bước đầu đã đem lại lợi ích kinh tế rõ nét.

Song song với việc chăn nuôi bò, dê, lợn rừng thì mô hình trang trại nuôi lợn thịt, lợn nái trên các vùng đồi cát đang phát triển rầm rộ nơi đây. Đến đầu năm 2015, toàn xã có tổng đàn lợn: 4.300 con, tăng 800 con so với cùng kỳ năm trước (trong đó đàn lợn nái: 248 con, tăng 31 con so với cùng kỳ năm trước). Nuôi lợn quy mô từ 10 con đến 50 con có trên 20 hộ, nuôi từ 50 đến 100 con có 6 hộ và có 3 trang trại chăn nuôi lợn quy mô từ 100 - 300 con lợn thịt, kết hợp nuôi từ 10 đến 20 con lợn nái.

Theo thống kê sơ bộ từ UBND xã Hải Khê thì trung bình mỗi hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lãi từ 50-70 triệu đồng/năm, các hộ quy mô vừa lãi từ 150-200 triệu/năm và các hộ chăn nuôi quy mô lớn đạt mức lãi từ 300 đến 400 triệu/năm. Việc chăn nuôi lợn tuy thu nhập không cao bằng nghề nuôi tôm nhưng vẫn được bà con nơi đây xem là chìa khóa vàng làm thay đổi cuộc sống của nhiều người, nhất là những hộ nghèo, nguồn vốn đầu tư hạn chế.

“Trước khi chưa lập trang trại, chúng tôi chẳng biết làm gì để thoát nghèo vì xung quanh toàn cát trắng bao vây. Nghề đi biển chỉ mong đủ ăn chứ không thể làm giàu được. Nhờ mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi lợn trên vùng cát mà gia đình tôi đã trở nên khấm khá”, chị Trần Thị Huế (thôn Trung An, xã Hải Khê) tâm sự.

Cách xã Hải Khê chừng 2 km về phía Bắc là xã Hải An, chỉ cần ngang qua cũng có thể thấy được sự thay đổi mạnh mẽ đời sống kinh tế - xã hội nơi đây. Những ngôi nhà xây kiên cố, vững chải đã thay thế dần những căn nhà lụp xụp, đơn sơ. Ông Phan Thành Chung, Chủ tịch UBND xã Hải An cho biết: “Những năm gần đây nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng chính quyền cấp trên nên Hải An đã có bước phát triển vượt bậc về cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng cho đến kinh tế, văn hóa - xã hội. Từ một xã nghèo của huyện Hải Lăng nay Hải An đã là một xã biển giàu có với tương lai đầy hứa hẹn”.

Trong ký ức của những người dân Hải An thì sự vất vả, khó khăn ngày nào vẫn còn in hằn trong tâm trí. Sống trên một miền quê toàn cát trắng bao la, khô cằn, hoang sơ nên chỉ biết bám biển mưu sinh qua ngày và cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng mãi. Nhờ chính sách đẩy mạnh phát triển kinh tế trên vùng cát trắng nên trong thời gian qua, xã Hải An đã mở rộng được 48 ha nuôi tôm thẻ chân trắng, 648 ha tràm trên cát và 35 ha hoa màu (ném, khoai lang, rau cải), cùng với đó là gần 30 trang trại chăn nuôi quy mô. Chính sự mạnh dạn theo đuổi hướng đi này mà nhiều hộ gia đình ở xã Hải An đã có đời sống kinh tế khấm khá hơn.

“Trước đây nguồn thu của người dân trong xã là nghề đi biển nhưng bây giờ thì nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi mới là thu nhập chính”, Chủ tịch UBND xã Phan Thành Chung khẳng định.

Ở xã Hải An hễ nói đến khát vọng chinh phục vùng cát trắng để làm giàu thì ai cũng nhắc đến những tấm gương tiêu biểu như: Nguyễn Công Trường, Phan Thanh Hoàng, Đặng Thời, Phan Thị Lời (thôn Mỹ Thủy), Lê Viết Tha, Nguyễn Văn Nại (thôn Đông Tân An)... Những con người ấy là tấm gương sáng về ý chí vươn lên, không cam chịu khó nghèo. Họ đã tiên phong trong việc biến những đồi cát trắng thành hồ nuôi tôm, thành trang trại nuôi lợn, gà, kỳ nhông, kỳ đà với thu nhập bình quân mỗi năm gần 200 triệu đồng.

Cũng như nhiều xã vùng bãi ngang, Hải An rất chú trọng đầu tư vào nuôi tôm thẻ chân trắng và doanh thu từ nghề này đạt trên 42,5 tỉ đồng/năm. Anh Nguyễn Công Trường (thôn Mỹ Thủy, xã Hải An) cho biết: “Gia đình tôi nuôi tôm đã nhiều năm nay và cũng may mắn thành công nên đời sống kinh tế vững vàng hơn trước. Qua nhiều vụ thắng lợi, tôi đã có vốn mở cơ sở kinh doanh thức ăn nuôi tôm và có điều kiện đầu tư mở rộng diện tích ao nuôi”.

Bà Phan Thị Lời (thôn Mỹ Thủy, xã Hải An) khiến nhiều người nể phục khi sở hữu trên 50 ha tràm trồng trên cát đang độ thu hoạch. “Đây là diện tích tràm mà vợ chồng tôi đã tích cóp gây dựng mấy năm qua. Vất vả cũng nhiều nhưng khi thu lợi nhuận mọi khó nhọc dường như tan biến. Ngày trước mơ được cầm tiền triệu cũng khó nhưng chừ tôi đã có tiền tỉ”, bà Lời vui mừng tiết lộ.

Noi theo gương bà Lời, hàng chục hộ dân ở xã Hải An cũng bỏ vốn đầu tư trồng tràm trên cát. Trồng tràm trên cát vừa đem lại thu nhập cao vừa nhàn nhã và có nhiều lợi ích nên người dân rất thích thú. Trong những năm gần đây, số diện tích đồi cát hoang hóa được cải tạo để trồng tràm ngày một nhiều và cũng nhờ đó mà đời sống của bà con không ngừng cải thiện.

Hiện trên vùng cát xã Hải An xuất hiện một số mô hình chăn nuôi tổng hợp, cho thu nhập trên 150 triệu đồng/năm. Điển hình là trang trại chăn nuôi kết hợp lợn, kỳ nhông, kỳ đà của gia đình ông Lê Viết Tha (thôn Đông Tân An). Mô hình chăn nuôi này được ông Tha đầu tư với số tiền gần 300 triệu đồng, chia thành 3 khu riêng biệt để nuôi lợn thịt, kỳ nhông, kỳ đà. Đây là mô hình làm kinh tế khá mới mẻ và hiệu quả bậc nhất của xã Hải An. Sự thành công từ mô hình này đã tạo thêm niềm tin, cổ vũ bà con mạnh dạn khai hoang vùng cát để làm kinh tế. Không dừng lại ở đó, nhiều người dân xã Hải An đã khai thác tiềm năng vùng cát để phát triển lúa nước trên cát, ném, khoai lang để tăng thêm thu nhập.

Có thể nói, vùng cát Hải Lăng đang từng ngày đổi thay, trên vùng biển nghèo khó năm xưa cuộc sống đã thực sự trở mình với nhiều đổi thay mạnh mẽ. Tương lai rạng rỡ đang mở ra trước mắt những con người dám nghĩ, dám làm và luôn nuôi dưỡng ước mơ...

NHƠN BỐN

Các tin mới:

20/3/2015
20/3/2015
20/3/2015
20/3/2015
20/3/2015
20/3/2015
20/3/2015
20/3/2015
20/3/2015

 

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang