• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

An Giang: Hoa Đà Lạt khoe sắc trên núi Cấm

Nguồn tin: Báo An Giang, 19/02/2015
Ngày cập nhật: 23/2/2015

Khách hành hương và du lịch lên đỉnh núi Cấm (An Giang) luôn trầm trồ khi thấy những cánh hoa Đà Lạt đong đưa. Những loại hoa này sống được ở chốn non cao vùng ĐBSCL quả là điều kỳ diệu.

Từ cành đào Nhật Tân – Hà Nội

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Trác (chủ nhà trọ Ngọc Lan, núi Cấm) kể, những năm còn “săn ảnh” thường xuyên, ông có dịp tháp tùng cùng bạn bè đi khắp các vùng, miền của Tổ quốc, thưởng ngoạn nhiều danh lam và thắng cảnh đất nước. Trong đó, có loại hoa đào Nhật Tân – Hà Nội là ông chú ý nhiều nhất, rồi nảy sinh ý định mang về trồng trên đỉnh núi Cấm. “Tốn cũng nhiều tiền, nhiều công sức để lấy được cành đào Nhật Tân mang từ Hà Nội về trồng. Đôi khi chán nản nữa, vì dường như cây không thích hợp ở đây”- ông Trác nhớ lại. Thế nhưng, với tâm hồn của người nghệ sĩ nhiếp ảnh, ông càng mặn mà với loại hoa này, nên kiên trì áp dụng kỹ thuật canh tác, chăm sóc để cây ra rễ, đâm chồi, nảy lộc…

Ông Trác, người đem các giống hoa Đà Lạt lên núi Cấm

Đợi chờ 2–3 năm, rồi 4–5 năm sau, rốt cuộc cây đào Nhật Tân trên đỉnh núi Cấm cũng ra nụ và trổ bông. Hoa tuy không xuất sắc như ở Hà Nội, nhưng màu sắc vẫn tươi tắn, lạ lẫm đối với cư dân xứ núi. Hay tin, nhiều người kéo đến xem, rồi đồn đãi khắp vùng, lan truyền tới đồng bằng. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Trác cho hay, những năm gần đây, ông thấy đào Nhật Tân trổ không nhặt bông như ngoài Hà Nội, nên ông tự chiết nhánh, trồng khắp vườn, chủ yếu để du khách thưởng ngoạn, chưa nghĩ đến chuyện kinh doanh. Thỉnh thoảng, ông gởi tặng cây giống cho bạn bè, mà tỉ lệ sống không bằng trên núi Cấm.

Ông Phạm Việt Tân, Trưởng ban Nhân dân ấp Vồ Đầu (núi Cấm, xã An Hảo) nói vui, ở trên đỉnh núi này, chỉ có ông Phạm Trác trồng bông, trồng hoa, chứ cư dân không quen với những loại cây… cao cấp đó. “Nghĩ ra cũng hay hay, màu sắc rực rỡ, tô thắm cho khu du lịch núi Cấm, làm mát mắt người hành hương và du khách tham quan”– ông Tân nói. Từ sự thành công trong việc trồng đào Nhật Tân – Hà Nội, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Trác còn mang nhiều loại hoa quý của vùng Đà Lạt, Nhật Bản, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc… cho vào bộ sưu tập sân vườn, như: Thiên điểu, Phượng tím, Tuyết tùng, Hồng ri, Quân tử lan, Thu hải đường, Tuyết sơn phi hồ… khiến du khách vãn cảnh phải ngỡ ngàng, trầm trồ khen ngợi vẻ đẹp núi Cấm.

Hướng tới ứng dụng công nghệ cao

Hoa sim tím rực một góc vườn

Cư dân trên đỉnh núi Cấm bảo rằng, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Trác là người biết “đi tắt đón đầu” khi mở ra du lịch và dịch vụ, phục vụ khách tham quan vùng núi này. Người ta ví, cành đào Nhật Tân – Hà Nội do ông mang về trồng, giống như câu chuyện huyền thoại về chốn non cao gắn liền với con người núi Cấm xưa và nay. Nếu ông Trác tự sưu tập giống cây và nhiều loại hoa quý, canh tác bằng kỹ thuật thủ công, thì trên núi Cấm này lại có thêm thầy giáo Pham Huy Cường (Trường tiểu học B An Hảo) trồng hoa cúc đồng tiền và hoa lyly của Đà Lạt. Đó phương pháp làm mới, áp dụng từ dự án “Ứng dụng công nghệ cao” do Sở Khoa học – Công nghệ An Giang chuyển giao.

Thầy giáo Trần Hoàng Anh (đồng nghiệp với thầy giáo Cường) nhận xét, dự án triển khai thì có nhiều người tham gia, nhưng mô hình trồng hoa Đà Lạt của anh Cường là thành công nhất, được cư dân núi Cấm và nhiều người ở đồng bằng chú ý. “Dạy học trên đỉnh núi, sinh hoạt đời sống bẩn chật, mình phải sản xuất để kiếm thêm mới được. Thầy giáo Cường tiếp cận nhanh, áp dụng có hiệu quả” – anh Trần Hoàng Anh thuật lại.

Trồng hoa Đạt Lạt trên đỉnh núi Cấm là dự án được huyện Tịnh Biên và tỉnh An Giang rất quan tâm. Thầy giáo Phạm Huy Cường khoe, mừng Đảng – mừng Xuân Ất Mùi 2015, anh cho “ra lò” khoảng 2.500 chậu hoa lyly và 3.000m2 hoa cúc đồng tiền và các loại hoa của Đà Lạt. Ngoài ra, anh cũng dành hàng trăm chậu phong lan Hồ điệp, sẵn sàng phục vụ du khách lên tham quan núi Cấm và tham gia hội chợ trong khu vực miền núi. Còn ông Dương Ánh Đông, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật Tịnh Biên cho rằng, mô hình trồng địa lan cũng rất thích hợp sau khi thử nghiệm, tương lai sẽ áp dụng trong nhiều miếng vườn đồi, vườn rừng ở vồ Đầu, vồ Bà, vồ Bồ Hong… tạo ra bức tranh hoa Đà Lạt trên đỉnh núi Cấm, bắt mắt người hành hương và khách du lịch mỗi khi lên đây. Thật sự hấp dẫn, tuyệt vời chốn non cao, nơi được mệnh danh “Đà Lạt 2” của đồng bằng sông Cửu Long.

“Trong khuôn vườn nhà trọ Ngọc Lan (núi Cấm), nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Trác không chỉ trồng nhiều loại hoa của Đà Lạt, mà còn sưu tập các loài: Dã quỳ Tây Nguyên, lồng đèn Hội An và Thái Lan… cho đến sim rừng Phú Quốc (hái trái ngâm rượu dùng chữa nhiều bệnh thông thường). Ông là người duy nhất trên đỉnh núi Cấm đang sở hữu khoảng 17 loài hoa quý trong và ngoài nước”.

ĐỨC TOÀN – PHAN NGUYỄN

Các tin mới:

31/12/2015
31/12/2015
31/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
29/12/2015
29/12/2015
29/12/2015
26/12/2015

 

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang