• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trăn trở ở một làng nghề

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên, 18/10/2015
Ngày cập nhật: 19/10/2015

Chị Nguyễn Thị Thanh, ở xóm Gò Móc, xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên) chăm sóc vườn cây cảnh của gia đình.

Mấy năm gần đây, thị trường cây cảnh bỗng nhiên “chững lại”, người dân ở làng nghề sinh vật cảnh xóm Gò Móc, xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên) vì thế cũng rơi vào cảnh khó khăn.

Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông uốn lượn dẫn vào xóm Gò Móc, ông Đỗ Ngọc Phùng, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh xã Quyết Thắng ngậm ngùi: “Khi mới thành lập (năm 2008), làng nghề sinh vật cảnh xóm Gò Móc có 75 hộ tham gia, nay chỉ còn khoảng 40 hộ kinh doanh cây cảnh. Nhiều hộ không đủ khả năng bám trụ với nghề do đầu tư ra quá lớn nên đã bỏ vườn trống, chuyển sang làm thêm những nghề khác.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thanh là một trong những hộ trồng cây cảnh lâu năm của xóm Gò Móc. Mấy năm nay, cây cảnh không bán được hoặc bán với giá rẻ đã khiến gia đình chị gặp không ít khó khăn. Chị Thanh chia sẻ: “Khoảng 5 năm trước, thị trường cây cảnh nhộn nhịp, có những cây thế và dáng đẹp tôi bán được với giá vài trăm triệu đồng, trừ chi phí, gia đình tôi có thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm. Nhưng ba năm trở lại đây, khách vào xem và mua ít hơn, cây không bán được mấy nên doanh thu giảm một nửa. Hiện, tôi mở thêm một cửa hàng trên đường Thanh Niên (T.P Thái Nguyên) để giới thiệu cây cảnh tới khách hàng, nhưng khó khăn lớn nhất tôi gặp phải vẫn là thiếu vốn để kinh doanh”. Anh Ứng Văn Hậu, một hộ dân trong xóm kể: Trước kia, ở thời điểm cây cảnh được giá, gặp khách, những cây bon sai đẹp, tôi bán được khoảng 50 - 70 triệu đồng, nhưng nay chỉ có giá khoảng hơn chục triệu đồng. Giờ tôi chuyển sang trồng thêm nhiều loại cây có giá bán rẻ hơn để phù hợp với nhu cầu của thị trường. Còn những cây có giá trị cao, tôi tiếp tục chăm sóc, cắt tỉa đợi thị trường “ấm” hơn thì sẽ bán. Ngoài việc trồng cây ở nhà, tôi còn nhận trồng, sửa và tạo thế cho cây ở các cơ quan, đơn vị trên địa bàn để kiếm thêm thu nhập. Dù thị trường cây cảnh có biến động thế nào tôi vẫn quyết tâm bám trụ với nghề.

Được biết, nghề trồng sinh vật cảnh có ở xóm Gò Móc từ những năm 2000, phát triển thịnh vượng năm 2011, đến năm 2013 được UBND tỉnh công nhận là làng nghề sinh vật cảnh đầu tiên của tỉnh. Hàng năm, Hội Sinh vật cảnh của xã đều cử những hội viên trong làng nghề đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở các địa phương khác, tìm hiểu nhu cầu thị trường để áp dụng tại chính vườn cây của gia đình. Từ đầu năm đến nay, cây cảnh của làng nghề đã nhiều lần đi trưng bày để chào mừng Đại hội Đảng bộ xã Quyết Thắng và Thành phố thành công; đón chuẩn nông thôn mới của xã; chào mừng T.X Sông Công được công nhận là thành phố... Qua đó, giới thiệu tới người dân địa phương về thế mạnh của làng nghề.

Không thể phủ nhận nghề trồng cây cảnh ở Gò Móc đã và đang đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân, nhiều hộ đã vươn lên khá và giàu. Để đáp ứng tốt hơn thị hiếu của khách hàng, các hộ dân trong làng nghề đã không ngừng tìm hiểu thị trường ở các tỉnh bạn như: Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang... để điều chỉnh các loại cây cho phù hợp với thị trường. Chẳng hạn, trước đây những cây thuộc hàng bon sai như: si, sung, đa, đề, sanh... rất được khách hàng ưa chuộng, bán với giá cao, thì nay những loại cây thuộc hàng hoa, lá: thiết mộc lan, cau phú quý, ngũ gia bì, trúc nhật, kim phát tài, hoàng anh....; cây công trình, cây bóng mát: lộc vừng, vú sữa, xoài, sấu, bằng lăng... có giá rẻ hơn lại đang được thị trường hướng tới. Nhiều hộ dân trong làng nghề Gò Móc cho biết, ban đầu việc chuyển đổi cây trồng gặp không ít khó khăn do nhiều loại cây không có, họ phải đi tới nhiều địa phương để “sưu tầm”, học cách chăm sóc những cây mới về giới thiệu đến khách hàng. Nhưng nay, khách cần loại cây gì họ đều có thể cung cấp. Ngoài ra, với kinh nghiệm lâu năm, nhiều hộ dân trong làng nghề còn nhận tư vấn, thiết kế cây công trình cho cơ quan, đơn vị, trường học... tạo việc làm cho lao động địa phương với mức lương 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Chia tay ông Đỗ Ngọc Phùng trước cổng làng nghề khi trời đã về chiều. Chúng tôi vui chung với người dân Gò Móc khi ông Phùng cho biết thêm, Fastival Trà 2015 tới, cây cảnh của người dân trong làng nghề vinh dự được chọn tham gia trưng bày, góp phần quảng bá sinh vật cảnh của xóm Gò Móc tới đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh...

Vi Vân

Các tin mới:

31/12/2015
31/12/2015
31/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
29/12/2015
29/12/2015
29/12/2015
26/12/2015

 

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang