• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

An Giang: Ưu tiên bảo vệ cây thốt nốt

Nguồn tin: Báo An Giang, 02/10/2015
Ngày cập nhật: 3/10/2015

Bên cạnh yêu cầu tăng cường tuyên truyền, ngăn chặn tình trạng bán cây thốt nốt, UBND tỉnh An Giang còn giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tham mưu UBND tỉnh trình Chính phủ bổ sung cây thốt nốt vào danh mục loài cây nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Cây xóa đói, giảm nghèo

Đối với người dân Khmer vùng Bảy Núi, cây thốt nốt tuy mang lại giá trị kinh tế không cao nhưng lại tạo thu nhập ổn định. Bên cạnh khai thác trái, dùng lá làm đồ thủ công mỹ nghệ, việc khai thác nước thốt nốt từ cuống bông có thể thực hiện quanh năm (cao điểm vào mùa nắng), tạo nên sản phẩm đường thốt nốt trứ danh hoặc loại nước thốt nốt thơm ngon, được du khách gần xa ưa thích. “Thốt nốt có thể coi là loại cây đặc trưng của vùng Bảy Núi. Từ xa xưa, ông cha chúng tôi đã trồng cây thốt nốt trong vườn, dọc theo bờ đê, trước hết là để lấy bóng mát nghỉ ngơi, về lâu dài là để chống xói mòn do nước cuốn từ trên núi xuống. Đối với những hộ trồng nhiều thì có thể tự khai thác nước, còn những hộ trồng ít chủ yếu cho thuê, lấy tượng trưng 3 – 4kg đường/năm. Điều quan trọng là giữ được cây thốt nốt phát triển” - anh Chau Sors, ấp Tô Trung (xã Núi Tô, Tri Tôn), chia sẻ. Gia đình anh Sors trồng được 30 gốc thốt nốt, mỗi ngày khai thác hơn 70 lít nước. Anh bỏ mối khoảng 30 lít cho các quán giải khát (5.000 đồng/lít), còn lại hùn vào nấu đường với người quen. Nhờ nghề trèo cây thốt nốt vào sáng sớm này mà gia đình anh Sors có thu nhập ổn định, tuy không dư dả nhưng cũng đủ lo bữa cơm hàng ngày và cho các con đi học.

Trừ một số hộ nấu đường thốt nốt tán (loại bánh tròn) với quy mô lớn có thuê mướn nhiều nhân công, đa phần các hộ nấu đường “chảy” nhỏ lẻ dọc theo các chân núi Tô, núi Dài, núi Cấm, núi Két… đều là người dân tộc Khmer, chủ yếu sử dụng lao động trong gia đình. Với những người siêng năng, chịu khó dậy sớm đi trèo cây lấy nước, nguồn thu cũng đáng kể. Ông Chau Khên, ấp Phnôm Pi (xã Châu Lăng, Tri Tôn), cho biết, với 27 cây thốt nốt hiện có, gia đình ông sản xuất khoảng 20kg đường/ngày, bỏ mối tại chợ Long Xuyên giá 16.000 đồng/kg, cuộc sống gia đình khá ổn định. “Ai ham tiền trước mắt mà bứng cây thốt nốt bán chứ gia đình chúng tôi sẽ không bán. Nghề nấu đường thốt nốt đã truyền qua nhiều đời lắm rồi. Ông cha tôi đều làm, con cháu tôi cũng sẽ làm. Thử hỏi, một cây thốt nốt bỏ công sức trồng 20 năm, chỉ bán được chưa tới 500.000 đồng. Vườn cây thốt nốt của tôi mỗi ngày cho thu nhập hơn 300.000 đồng. Nếu bán hết 27 cây thì cũng chỉ ăn được 2 - 3 tháng, trong khi nguồn thu từ nấu đường thì kéo dài từ năm này sang năm khác” – ông Khên thật tình.

Quyết tâm bảo tồn

Theo thống kê sơ bộ, vùng Bảy Núi hiện có khoảng 65.000 cây thốt nốt, tập trung nhiều hơn ở huyện Tịnh Biên, còn lại là Tri Tôn. Số cây thốt nốt này là nguồn sống của gần 1.300 hộ dân Khmer (tham gia khai thác nước bán tươi hoặc sản xuất đường thốt nốt). Ngoài ra, còn có rất nhiều hộ bán trái và đặc sản nước thốt nốt lạnh trên các tuyến đường chính. Trong khi đa phần các hộ Khmer đều có ý thức giữ gìn cây thốt nốt truyền thống thì cũng có một bộ phận vì thấy lợi trước mắt mà sẵn sàng bán cây thốt nốt giá chỉ 300.000 - 500.000 đồng/cây. Trong khoảng 1 tháng nay, có gần 200 cây thốt nốt đã bị bứng cả gốc bán. Qua điều tra của cơ quan chức năng, các tay “cò” đang thỏa thuận cung cấp khoảng 6.000 cây thốt nốt cho thương lái, nhằm mục đích chuyển ra phía Bắc tiêu thụ.

Trước thực trạng này, ngày 29-9-2015, Văn phòng UBND tỉnh đã có công văn số 3046/VPUBND-KT, thông báo ý kiến của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng, chấp thuận đề xuất của Sở NN-PTNT tại công văn số 1340/SNNPTNT-CCKL, ngày 28-9-2015, về quản lý, ngăn chặn tình trạng mua bán, vận chuyển cây thốt nốt. Công văn nêu rõ: “Cây thốt nốt là cây có giá trị kinh tế, cây xóa đói, giảm nghèo, giải quyết công ăn việc làm cho người dân trong việc mua bán các sản phẩm của chúng cho khách hành hương, du lịch, đồng thời cũng là cây có khả năng bảo vệ môi trường, chống xói mòn… Vì vậy, không vì lợi ích trước mắt gây ảnh hưởng đến lợi ích lâu dài”.

Để bảo vệ cây thốt nốt về lâu dài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng giao Sở NN-PTNT tham mưu UBND tỉnh trình Bộ NN-PTNT để trình Chính phủ bổ sung cây thốt nốt vào danh mục loài cây nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định tại khoản 5, điều 6, Nghị định 160/2013/NĐ-CP, ngày 12-11-2013, của Chính phủ. Công việc này phải hoàn thành, gởi về Văn phòng UBND tỉnh trước ngày 5-10-2015.

NGÔ CHUẨN

Các tin mới:

31/12/2015
31/12/2015
31/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
29/12/2015
29/12/2015
29/12/2015
26/12/2015

 

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang