• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thị trường cây cảnh trầm lắng: Chủ vườn không nguội đam mê

Nguồn tin: Báo Bắc Giang, 11/07/2015
Ngày cập nhật: 15/7/2015

Thời điểm này, thị trường cây cảnh trầm lắng khiến nhiều người làm nghề gặp khó khăn song với niềm đam mê, họ vẫn cố gắng bám trụ với nghề.

Anh Đỗ Công Bẩy chăm sóc cây cảnh đang trưng bày tại Nhà khách tỉnh (TP Bắc Giang).

Vốn đầu tư lớn, thu hồi chậm

Chúng tôi đến thăm ông Đinh Công Nhượng, thôn Thống Nhất, xã Yên Mỹ, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) - người có kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề kinh doanh cây cảnh. Bên ấm trà thơm, ông Nhượng bộc bạch: “Năm 1993, tôi tiếp cận với nghề kinh doanh cây cảnh, ban đầu do chưa có vốn nên chỉ bán cây cảnh với lượng nhỏ.

Từ năm 2007 đến đầu năm 2011, nhu cầu chơi cây cảnh của người dân tăng mạnh, giá bán những cây lâu năm có dáng thế đẹp cũng cao gấp 2 - 3 lần so với trước nên từ kinh doanh cây cảnh, mỗi năm gia đình tôi thu về hơn 200 triệu đồng”. Đó cũng là thời điểm thị trường cây cảnh sôi động, các loại cây như: Vạn tuế, lộc vừng, đa… được nhiều người ưa chuộng. Do sức mua và giá đều tăng nên chỉ sau hơn một năm kinh doanh cây cảnh, nhiều hộ dân ở xã Yên Mỹ có thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Thực tế, bên cạnh những hộ làm ăn suôn sẻ, phát đạt, số người bị lỗ vì cây cảnh cũng không phải ít. Anh Nguyễn Văn Nam, thôn Văn Miếu, xã Việt Lập (Tân Yên) cho biết: Năm 2010, anh Nam mua một cây sanh lâu năm ở tỉnh Hưng Yên với giá 30 triệu đồng, vừa chở về đến nhà đã có người trả 50 triệu đồng. Nghĩ rằng có thể thu lãi từ nghề này không khó, ngay sau đó anh huy động vốn từ bạn bè, người thân đầu tư hơn 200 triệu đồng mua hơn 50 cây cảnh các loại. Chẳng bao lâu thì thị trường cây cảnh đi xuống, thậm chí có cây hiện giá chỉ còn một nửa so với thời điểm mua vào song cũng không có người hỏi mua. Cây không bán được, trong khi vốn đầu tư lớn, chưa biết khi nào anh mới thu hồi lại vốn và có tiền trang trải nợ nần.

Theo anh Nam, một cây cảnh trước kia có giá 50 - 60 triệu đồng thì hiện chỉ có giá 10 - 20 triệu đồng mà vẫn vắng khách. Trước kia không thiếu những người chơi cây cảnh đi tìm các loại cây lâu năm, quý hiếm có dáng thế độc đáo như: Đa, duối, sanh… có giá vài trăm triệu đồng trở lên để trưng bày ở nhà thì nay số này rất hiếm.

Vẫn giữ đam mê

Trước thực trạng thị trường cây cảnh ảm đạm, không ít hộ đã bỏ nghề nhưng bên cạnh đó vẫn có nhiều người không nản lòng bởi ngoài lợi ích về kinh tế còn niềm đam mê với cây cảnh. Anh Đào Duy Tập, xã Yên Mỹ (Lạng Giang) là một ví dụ. Khu vườn của gia đình anh rộng gần 3 nghìn m2 đang có gần 100 cây với nhiều chủng loại, dáng thế khác nhau. Để thu hút khách đến tham quan, anh luôn tích cực học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật cắt tỉa, tạo dáng thế mới cho cây; đồng thời nỗ lực trao đổi thông tin, tìm hiểu nhu cầu của người chơi, tìm đầu ra cho cây cảnh. Theo anh Tập, để duy trì và gắn bó với nghề này lâu dài đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì và tâm huyết của chủ vườn.

Với ông Mai Khắc Hải, phố Hòa Bình, thị trấn Bố Hạ (Yên Thế), dù thời điểm này nghề sản xuất, kinh doanh cây cảnh gặp khó khăn, nhưng ông vẫn quyết tâm lưu giữ, phát triển nghề. Hằng ngày, ông dành phần lớn thời gian, công sức và đam mê của mình vào công việc chăm sóc, uốn tỉa, nâng niu từng cây cảnh trong vườn với hy vọng thị trường cây cảnh sẽ sôi động trở lại.

Được biết, Hội Sinh vật cảnh tỉnh hiện có khoảng 7 nghìn hội viên; trong đó hơn 3 nghìn hội viên chuyên sản xuất và kinh doanh cây cảnh với tổng diện tích hơn 200 ha. Số hội viên này tập trung ở các huyện như: Tân Yên, Lục Ngạn, Lạng Giang… Trước sự trầm lắng như hiện nay, ông Nguyễn Sơn Dậu, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh huyện Lạng Giang vẫn khá lạc quan và tin rằng thị trường cây cảnh sẽ hồi phục. Bởi nếu nhạy bén, biết cách tạo tác, chăm sóc cây với những kiểu dáng, kích cỡ đa dạng, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của nhiều người, giá cả hợp lý thì người làm nghề vẫn sống tốt.

Hơn nữa giai đoạn trước đây, giới chơi cây chủ yếu là các "đại gia", nếu không cũng phải là gia đình có điều kiện nhưng nay thú chơi cây cảnh đã trở nên phổ biến hơn, không nhất thiết phải có nhiều tiền mới có thể chơi cây cảnh. "Chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích các hộ dân ổn định diện tích vườn cây cảnh, đồng thời vận động họ gia nhập hội sinh vật cảnh của huyện nhằm trao đổi kinh nghiệm, thông tin, hỗ trợ lẫn nhau. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tham mưu với UBND huyện xây dựng thương hiệu làng nghề cây cảnh tại thôn Thống Nhất, xã Yên Mỹ nhằm thu hút khách hàng từ các tỉnh đến tham quan, thu mua cây cảnh”, ông Dậu cho biết.

Nhằm thu hút khách hàng, thời gian tới Hội Sinh vật cảnh tỉnh tăng cường phối hợp với tổ chức hội ở các huyện mở nhiều cuộc triển lãm qua đó giới thiệu, quảng bá sản phẩm rộng rãi hơn. Đồng thời tổ chức cho hội viên trao đổi kinh nghiệm, học hỏi kỹ thuật tạo dáng, chăm sóc cây cảnh với hội sinh vật cảnh các tỉnh lân cận”. (Ông Nguyễn Hữu Khánh, Hội Sinh vật cảnh tỉnh Bắc Giang)

Ngọc Tâm

Các tin mới:

31/12/2015
31/12/2015
31/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
29/12/2015
29/12/2015
29/12/2015
26/12/2015

 

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang