• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Vua kiểng tài hoa

Nguồn tin: Báo An Giang, 23/02/2015
Ngày cập nhật: 25/2/2015

Đầu xuân, chúng tôi có dịp gặp gỡ nghệ nhân Nguyễn Văn Lến (sinh năm 1960, ngụ phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) – người được mệnh danh là “Vua kiểng”, bởi ngoài việc sở hữu vườn kiểng trị giá hàng tỷ đồng, ông còn là tác giả của nhiều giải đặc biệt, giải vàng trong các Hội hoa xuân, sinh vật cảnh trong và ngoài tỉnh. Qua bàn tay tài hoa của mình, ông đã biến những gốc mai, cây xanh bình thường, đơn điệu thành những tác phẩm nghệ thuật “độc nhất vô nhị” có giá trị thẩm mỹ và kinh tế rất cao…

Tri kỷ mai vàng

Tham quan vườn của “Vua kiểng” Nguyễn Văn Lến, chúng tôi như bị mê hoặc trước vẻ đẹp quyến rũ của những gốc kiểng từ cổ thụ đến mini, với các loại mai vàng, nguyệt quế, kim quýt, mai chiếu thủy… Nghệ nhân Nguyễn Văn Lến nói về cơ duyên đến với nghề tạo dáng cho cây: “Năm 2001, tôi bắt đầu tập tành chơi kiểng. Ban đầu chỉ chơi vài ba cây cho thư giãn và có dịp kết giao với bạn bè, không ngờ cây kiểng có sức hút kỳ lạ, càng chơi càng say mê. Thế là biết chỗ nào có cây “độc” là đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, nơi nào có cây phôi (cây nguyên thủy) đẹp là đến hỏi mua”.

Đối với ông, việc “thuần phục” những gốc mai vàng luôn có sự cuốn hút rất đặc biệt, với nguồn cảm hứng sáng tạo không bao giờ cạn. Theo ông, thông thường chơi mai vàng có 3 dạng là bonsai, tàng, cổ, với nhiều dáng như: Siêu, bay, trực, đổ... Người chơi dựa vào cánh, nhánh của cây để quyết định chọn chơi mai nguyên thủy hoặc ghép. Mai vàng rất khó chăm sóc nên để có được gốc mai kiểng đẹp, ngoài việc chọn gốc mai phôi khỏe, tốt, hoa nở đẹp còn đòi hỏi người trồng phải có kinh nghiệm, lòng đam mê và nắm thật vững kỹ thuật chăm sóc từ việc cắt tỉa, tạo dáng, bón phân, tưới nước, xịt thuốc sâu đến lặt lá. “Chơi mai giống như chơi với người bạn thân, tri kỷ vậy. Không phải cây nào cũng giống cây nào, cần phải hiểu chúng để có chế độ chăm sóc phù hợp thì mai vàng mới phát triển tốt và nở hoa nhiều và đúng dịp Tết” – ông Lến chia sẻ.

Cây phôi mua về cần phải được trồng ổn định trong chậu và chăm sóc cẩn thận, đảm bảo đầy đủ nguồn nước cho cây. Nếu ghép mai cần phải chọn những nhánh khỏe. Thời điểm tốt nhất để ghép mai là từ tháng giêng đến tháng ba âm lịch. Từ tháng năm đến tháng bảy âm lịch, cần phải chăm sóc thật kỹ với chế độ nước, phân, thuốc cao hơn và không được tỉa cành nếu không mai sẽ mất sức, bỏ nhánh, ảnh hưởng đến khả năng ra hoa. Gốc mai ghép cần ít nhất từ 4 – 5 năm, lúc đó chi, nhánh, tàng của cây mới bắt đầu hoàn chỉnh và hoa nở tương đối nhiều. Ông Lến chia sẻ: “Trước đây, tôi ghép mai giảo Thủ Đức, Tân Châu, Bến Tre nhưng khoảng 1 năm nay, tôi chuyển sang ghép mai cúc Bình Định. Đây là loại mai có màu vàng sáng, bông tới 4 tầng, hơn 30 cánh, nhìn rất đẹp, không thể chê vào đâu được”.

Đam mê cây cảnh

Không chỉ là tri kỷ với những gốc mai cổ, với hình dáng độc đáo, ông Lến còn sở hữu trên 100 gốc bonsai lớn nhỏ các loại. Đối với ông, chơi kiểng là một thú vui tao nhã và cũng là niềm đam mê, cảm hứng vô tận. Cây cảnh mà ông Lến chơi không lạ, cũng là những loài thường gặp, như: Tùng, nguyệt quế, kim quýt, mai chiếu thủy… nhưng lạ ở cách chơi. Ông không chơi theo những phong cách bonsai truyền thống hay chỉ đơn giản là chia chi, cắt cành, nuôi cho gốc rễ to, cành nhánh nhỏ… mà ông chọn cho mình một phong cách riêng. Từ cây phôi ban đầu, bằng kỹ thuật quấn uốn, cắt, ghép và chăm sóc đặc biệt, ông tạo ra những hình tượng độc đáo. Những tác phẩm bonsai do nghệ nhân Nguyễn Văn Lến tạo ra giá trị khá cao, có cây lên đến hàng trăm triệu đồng, mang lại nguồn thu nhập không hề nhỏ.

Đứng trước vườn kiểng của ông Lến, nhiều người không ngớt lời khen ngợi. Nhiều người mê kiểng khắp nơi tìm đến tận nhà ông để tham quan, học tập kinh nghiệm. Những tay “săn kiểng” cũng không bỏ qua cơ hội tìm đến mua những tác phẩm ưng ý. Tùy theo dáng vẻ, nét già dặn phong sương mà mỗi cây có giá trị khác nhau. Cây trung bình giá vài chục đến vài trăm triệu đồng. Cây lâu năm, mang nhiều dấu ấn nghệ thuật, giá trị cao gấp mấy lần. Ông cho biết, sẽ bán vài cây bonsai để mua lại những cây phôi khác và tiếp tục công việc tạo hình, uốn dáng cho cây để thỏa mãn sự đam mê, sáng tạo của mình. Riêng đối với những cây dáng “độc” mà ông có tình cảm và cho là vô giá thì chỉ để thưởng thức, tiếp tục “nuôi” để tham gia các hội thi hoa xuân, hội thi cây cảnh.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Lến chia sẻ: “Để trồng được một cây kiểng quý, người chơi mất rất nhiều thời gian, công phu trong việc chăm sóc cùng với bàn tay khéo léo và trí óc sáng tạo. Đặc biệt, ngoài sự lệ thuộc vào thời tiết, còn có "bí quyết" của riêng mình. Chỉ cần dáng cây đẹp thì dù giá bao nhiêu cũng có người sẵn sàng mua”.

Theo ông Lến, để có một chậu bonsai hoàn chỉnh là cả một “công trình” nghệ thuật, với một quá trình dày công nuôi dưỡng cây, tỉa cành và uốn thế… rất công phu trong thời gian từ 5 đến 6 năm. “Người chơi cần chú ý về tổng thể, chậu và cây luôn tương xứng, cân đối và hài hòa. Dù là kiểng nhỏ hay kiểng lớn, bonsai hay tiểu cảnh, tác phẩm nào cũng cần phải mang dáng vẻ thật mềm mại, uyển chuyển, không cầu kỳ gượng ép” - ông Lến chia sẻ.

LÊ HOÀNG

Các tin mới:

31/12/2015
31/12/2015
31/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
29/12/2015
29/12/2015
29/12/2015
26/12/2015

 

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang