• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hiệu quả từ Câu lạc bộ chăn nuôi bò thâm canh ở Cam Tuyền

Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 09/07/2015
Ngày cập nhật: 10/7/2015

Cam Tuyền là xã thuộc vùng gò đồi của huyện Cam Lộ (Quảng Trị), có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, kinh tế chưa phát triển nên đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Trước đây, hầu hết người dân trong xã đều chăn nuôi bò theo lối chăn thả tự nhiên, tổng đàn bò khá lớn nhưng hiệu quả thu được không cao do lượng thức ăn tự nhiên không đáp ứng đủ nhu cầu (đàn bò mới được đáp ứng từ khoảng 50% đến 70% nhu cầu dinh dưỡng cần có); khả năng phát triển đồng cỏ hạn chế do không có đất dành riêng cho mục đích chăn nuôi. Điều đáng quan tâm là do chăn nuôi bò theo tập quán thả rông, phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên nên người nuôi không quản lý được tổng đàn, không giám sát được chất lượng vật nuôi và do tác động của thời tiết nên vật nuôi dễ nhiễm dịch bệnh, bùng phát, lây lan ra tổng đàn, rất khó kiểm soát, gây thiệt hại đáng kể cho người nuôi.

Đàn bò của một hộ gia đình ở thôn Bắc Bình, Cam Tuyền, Cam Lộ

Trước tình hình đó, cuối năm 2012 nhóm tác giả Trường Đại học Nông Lâm Huế phối hợp với các Sở Nông nghiệp và PTNT, Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh, chính quyền xã Cam Tuyền cùng nông dân thôn Bắc Bình triển khai đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp bộ: “Lựa chọn các giải pháp kinh tế - kỹ thuật để phát triển chăn nuôi bò đáp ứng yêu cầu phát triển nông thôn mới ở vùng gò đồi Bắc Trung Bộ”. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đã đề xuất giải pháp tổ chức Câu lạc bộ chăn nuôi bò thâm canh ở Cam Tuyền, hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng cỏ cao sản, hỗ trợ 50% chi phí giống cỏ và máy cắt cỏ phục vụ chăn nuôi. Mô hình được thực hiện thí điểm ở thôn Bắc Bình và đang nhân rộng ra các thôn khác như An Thái, An Mỹ, Ba Thung, Đâu Bình…của xã Cam Tuyền.

Câu lạc bộ chăn nuôi bò thâm canh Cam Tuyền (tiếng Anh là Cam Tuyen Cattle Club, viết tắt là CCC) được thành lập vào tháng 11/2012. Đây là câu lạc bộ được thành lập trên cơ sở tự nguyện của những người chăn nuôi bò thâm canh tại xã Cam Tuyền. CCC là nơi chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ sản xuất giữa các hội viên; là đầu mối liên kết giữa các hội viên với các cấp chính quyền, các nhà khoa học, các doanh nghiệp trong tỉnh và trong nước. Câu lạc bộ được thành lập nhằm phát triển nghề chăn nuôi bò của các hội viên và nhân dân trong xã Cam Tuyền theo hướng thâm canh, chuyên canh hàng hóa. Cụ thể, CCC sẽ thực hiện chuyển đất màu sang trồng cỏ nuôi bò, đổi mới phương thức chăn nuôi truyền thống theo hướng thâm canh, trồng cỏ nuôi bò nhốt, bổ sung thêm thức ăn tinh, chú trọng nâng cao chất lượng tổng đàn. Phấn đấu đưa tỷ lệ bò lai trên tổng đàn đến năm 2020 đạt 70%. Câu lạc bộ có trụ sở đặt tại xã Cam Tuyền, do ông Trần Viết Bỉnh làm chủ nhiệm.

Thực hiện mô hình chăn nuôi bò thâm canh, trong hơn 2 năm trở lại đây, người dân thôn Bắc Bình đã triển khai trồng cỏ cao sản tập trung trên cánh đồng lớn; cải tiến nuôi bò sinh sản và chuyển đổi nghề nuôi bò quảng canh sang vỗ béo thâm canh. Các giống cỏ cao sản được áp dụng chăn nuôi bò bao gồm sả TD58, Mulato II và giống cỏ TD06. Theo nghiên cứu của nhóm tác giả Trường Đại học Nông Lâm Huế thì đây là các giống cỏ có hàm lượng dinh dưỡng lớn và cho năng suất cao. Cỏ VA06 đạt 16,4 đến 31,1 tấn VCK/ha/năm, cỏ Mulato II đạt 15,7 đến 25,4 tấn VCK/ha/năm, tương đương với phẩm giống được trồng ở các địa phương khác trong nước. Trung bình một sào cỏ sẽ cung cấp đủ thức ăn cho 1 con bò nuôi nhốt, còn đối với bò nuôi thả có thêm thức ăn phụ gia (ngô, rơm, rau...) thì một sào cỏ sẽ đáp ứng được nhu cầu thức ăn cho 2 con bò.

Hiện nay ở thôn Bắc Bình đã có diện tích trồng cỏ cao sản tăng gần gấp 6 lần so với thời điểm khởi đầu (5,8 ha/1 ha ban đầu) tập trung chủ yếu ở vùng Rào Lấp, vùng ven sông Hiếu chảy qua địa phận thôn Bắc Bình. Số hộ tham gia mô hình tăng từ 21 hộ lên 54 hộ, số lượng bò tăng từ 112 con lên 160 con, trong đó số bò lai chiếm 75%. Chuồng trại được đầu tư xây bằng xi măng, đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát. Dựa vào mô hình trồng cỏ nuôi bò, nhiều hộ gia đình đã tăng số lượng bò lên rất nhiều lần. Một số hộ nuôi bò nhiều nhất ở thôn Bắc Bình đó là hộ các ông Trần Viết Bỉnh, Phạm Luận, Hồ Xuân Lỵ, Phạm Nhơn, Phạm Phúc…nuôi từ 6 đến 8 con và đang cho hiệu quả kinh tế khá cao.

Ông Trần Viết Bỉnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ chăn nuôi bò thâm canh Cam Tuyền cũng là một hộ nuôi bò ở thôn Bắc Bình cho biết: “ Việc triển khai thực hiện đề tài tại đây đã góp phần làm thay đổi căn bản quan niệm và thực hành của người dân nuôi bò. Họ tin vào khoa học, hợp tác sản xuất có lợi hơn so với làm ăn riêng lẻ như lúc trước. Hiện nay, mức thu nhập mà gia đình tôi có được từ nuôi bò thâm canh trung bình là 2 triệu đồng/1 con bò/1 tháng với mức vỗ béo đạt 30kg hơi/1con bò/1 tháng. Lợi tức thu được từ một sào đất của mô hình mới đạt bình quân 3,9 triệu đồng/sào/năm, tăng 4,5 lần so với trồng hoa màu truyền thống. Hơn nữa, việc ứng dụng mô hình chăn nuôi bò theo phương thức nuôi nhốt đem lại lợi ích rất nhiều so với chăn thả. Trước hết là tiết kiệm thời gian chăm sóc vì không phải chăn giữ; tăng lượng phân chuồng thu được để phục vụ trồng trọt; người dân dễ dàng hơn trong việc quản lý, kiểm soát dịch bệnh và chất lượng bò cũng tăng lên rất nhiều so với chăn thả.”

Từ hiệu quả kinh tế đạt được, mô hình trồng cỏ nuôi bò đã nhanh chóng được triển khai trên nhiều địa bàn của huyện Cam Lộ ở các xã như Cam Thủy, Cam Thành, Cam Hiếu… Bên cạnh sự hỗ trợ, hướng dẫn của Trường Đại học Nông Lâm Huế thì người dân cũng đã có ý thức truyền đạt, phổ biến, giúp đỡ nhau trong kỹ thuật chăn nuôi và cây giống để trồng cỏ nuôi bò.

Hiệu quả từ mô hình trồng cỏ nuôi bò thâm canh đã thấy rõ nhưng người nuôi bò vẫn rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương để mô hình tồn tại, phát triển bền vững. Ông Trần Viết Bỉnh cho biết thêm: “Mặc dù hiện nay chất lượng bò nuôi theo lối trồng cỏ nuôi nhốt cho chất lượng cao nhưng đầu ra vẫn không ổn định do bị phụ thuộc vào các thương lái. Bò được bán ra đều qua tay thương lái chứ chưa có một cơ sở nào liên kết với người dân nuôi bò trong việc thu mua cả. Do đó người dân mong muốn các cấp, các ngành và chính quyền địa phương nghiên cứu tìm nơi tiêu thụ phù hợp, ổn định cho người dân, góp phần làm tăng hiệu quả chăn nuôi và thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương.”

TRẦN THỊ TƯỜNG VI

Các tin chăn nuôi khác:

31/12/2015
31/12/2015
31/12/2015
31/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
29/12/2015
29/12/2015
29/12/2015
29/12/2015
28/12/2015
28/12/2015
28/12/2015
28/12/2015
28/12/2015
28/12/2015
28/12/2015
28/12/2015
27/12/2015
27/12/2015
26/12/2015
26/12/2015

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang