• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trang trại trên đỉnh núi

Nguồn tin: Báo Bắc Kạn, 12/02/2015
Ngày cập nhật: 16/2/2015

Được gây dựng trên đỉnh Mu Muộn, thuộc thôn Nà Cọ, xã Đông Viên (Chợ Đồn - Bắc Kạn), trang trại nuôi lợn rừng của anh Chu Quang Phúc, với diện tích rộng hàng chục héc ta, hiện đang là trang trại có quy mô và hiệu quả vào bậc nhất ở Chợ Đồn.

Khách hàng đến mua nhím thương phẩm

Từ thị xã Bắc Kạn, theo tỉnh lộ 257 Bắc Kạn - Chợ Đồn, đến xã Đông Viên, hỏi mô hình nuôi lợn rừng của anh Chu Quang Phúc, ở thôn Nà Cọ thì ai cũng biết. Bà con ở địa phương ai cũng khâm phục ý chí quyết tâm của người thanh niên trẻ này, bởi sau nhiều lần thất bại trong quá trình thực hiện mô hình, thiệt hại kinh tế hàng trăm triệu đồng, tưởng chừng anh sẽ “đầu hàng”. Nhưng không! Chính từ những lần thất bại ban đầu ấy, anh lại càng rút ra cho mình những kinh nghiệm quý giá, để đứng lên một cách mạnh mẽ, gây dựng lại trang trại với những con giống chất lượng cao, tạo ra những sản phẩm uy tín với bạn hàng khắp các tỉnh Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương...

Để lên đến trang trại của anh Phúc trên đỉnh Mu Muộn sẽ phải leo gần 1km đường dốc đứng, uốn lượn, quanh co gấp khúc từ chân núi lên tới đỉnh. Mặc dù đã được chủ trang trại tự bỏ tiền thuê máy móc để mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa xuống, thế nhưng vẫn còn gian nan lắm, nhiều đoạn dốc đất trơn trượt.

Mất vài chục phút cuốc bộ, leo dốc, cuối cùng chúng tôi cũng đến được trang trại của anh Chu Quang Phúc. Ngắm quy mô trang trại rộng trên 15ha, trong đó, được các cấp chính quyền thực hiện quy hoạch 10ha để xây dựng trang trại nuôi lợn rừng, chúng tôi thực sự thán phục nghị lực làm giàu của ông chủ mới ở tuổi ngoài 30 này. Với dáng người nhỏ nhắn, nhưng rất nhanh nhẹn và hoạt bát.

Anh Chu Quang Phúc giới thiệu với khách hàng giống lợn rừng thuần chủng và giống F1 tại trang trại của mình

Rót mời khách chén trà Bằng Phúc thơm ngát hương, anh Chu Quang Phúc bắt đầu câu chuyện cái duyên với những chú lợn rừng và quá trình gây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp của mình. Những năm 2001, chàng thanh niên trẻ Chu Quang Phúc, sinh năm 1978, quê ở Phú Bình (Thái Nguyên) được nhiều người dân tại các xã Đông Viên, Rã Bản, Phương Viên biết đến là một thương lái, chuyên cung cấp các giống lợn con cho người chăn nuôi ở địa phương. Sau nhiều năm lăn lộn với đủ nghề, anh nhận thấy điều kiện khí hậu ở đây rất lý tưởng cho việc xây dựng trang trại chăn nuôi động vật bán hoang dã. Và thế là có bao nhiêu vốn liếng tích cóp được bao năm nay, cộng với số tiền vay mượn từ anh em, bạn bè và các tổ chức tín dụng, anh Phúc đã dồn vào để mua đất đai, vật liệu xây dựng để thực hiện quy hoạch từng vùng chăn thả và nuôi nhốt.

Nhớ lại những ngày đầu, anh Phúc chia sẻ: Sau khi tham khảo nhiều mô hình chăn nuôi ở Bắc Kạn, Thái Nguyên anh được họ cho biết, giống lợn rừng thuần tốt nhất là ở các tỉnh miền Trung nước ta. Và thế là anh khăn gói lên đường, sau nhiều ngày tìm mua con giống với giới chăn nuôi tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, cuối cùng anh có mặt tại một trang trại nuôi lợn rừng ở tỉnh Quảng Trị qua sự giới thiệu của nhiều người. Anh Phúc hớn hở khi đã chọn cho mình bốn con lợn rừng giống ưng ý, để mang về trang trại chăn nuôi của mình với hi vọng sẽ sinh sản ra những lứa lợn con khỏe mạnh.

Thế nhưng, “niềm vui chẳng tày một gang”, đàn lợn rừng được người bán khẳng định là giống thuần 100%, nhưng thực chất đó chỉ là lợn rừng lai ta, đã thế đem về nuôi được một thời gian, bỗng lăn đùng ra chết sạch mà không rõ nguyên nhân. Thất thần ngồi nhìn đống tài sản của mình bỗng chốc tiêu tan, xót của đến ứa nước mắt mà chẳng thể làm được gì, bởi bao nhiêu vốn liếng của vợ chồng anh đã dồn cả cho đợt đi mua giống ở miền Trung này. Sau này khi đã có kinh nghiệm trong chăn nuôi rồi, anh mới biết mình bị lừa một vố đau đớn về kinh tế khi tin vào những lời giới thiệu, quảng bá thiếu tính chính xác nơi đất khách quê người.

Nói về năm tháng chăn nuôi lợn rừng, là cả một khoảng thời gian không bao giờ quên đối với anh, bởi sau ba lần chết đàn lợn giống, thiệt hại vài trăm triệu đồng vào thời điểm những năm 2003 là rất lớn. Tuy nhiên, từ những lần thất bại này anh đã rút ra được rất nhiều kinh nghiệm chăn nuôi giống lợn này cho bản thân. Với ý chí không chịu khuất phục, anh tiếp tục vận động gia đình làm thủ tục thế chấp tài sản với các ngân hàng ở địa phương để vay vốn, tái đầu tư mua giống tốt hơn về chăn nuôi và bước đầu anh đã thành công.

Có mặt ở trang trại anh Chu Quang Phúc những ngày giáp Tết Ất Mùi, chứng kiến cảnh tất bật nghe, gọi điện thoại của anh với các bạn hàng ở Hà Nội, Hải Phòng, rồi lại đưa khách hàng đến xem lợn rừng thương phẩm tại các khu chăn nuôi ở trang trại, sau đó lại cùng các lao động “lăn” vào chăm sóc, cho đàn lợn con mới đẻ… Tuy công việc vất vả, nhưng chúng tôi cảm nhận rõ được niềm vui đang hiển hiện trên khuôn mặt của anh, bởi trang trại đang từng bước đi vào hoạt động ổn định và đã cho những khoản thu nhập đáng kể, mặc dù đây mới chỉ là những bước khởi đầu một dự định lâu dài.

Anh Chu Quang Phúc tâm sự: Sau 10 năm đầu tư, gây dựng với số vốn lên tới vài tỷ đồng và gặp không ít khó khăn và thử thách, đến nay trang trại của tôi đã đi vào hoạt động ổn định với diện tích quy hoạch gần 10ha, thường xuyên có trên 500 con lợn rừng, lợn ta địa phương, nhím, dúi và hàng trăm con gà ta thả đồi. Hằng năm, trừ chi phí đầu tư anh thu về từ 200 - 300 triệu đồng, bên cạnh đó tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động với thu nhập từ 3.000.000 - 4.000.000 đồng/tháng.

Tuy mới chỉ cho thu nhập khoảng 2 năm trở lại đây và còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc mở rộng mô hình, công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh chuồng trại cũng như các quy trình chăm sóc nghiêm ngặt đối với các giống vật nuôi ở trang trại của mình, nhưng anh Chu Quang Phúc luôn có niềm tin mạnh mẽ vào những kinh nghiệm chăn nuôi của mình đã tích lũy bao năm qua. Hơn thế, anh cũng tạo được những mối tiêu thụ hàng ổn định trên thị trường và một đội ngũ lao động nhiệt tình, tâm huyết làm việc ở trang trại. Tin rằng, anh sẽ thành công với những dự định của mình trong tương lai, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở đại phương.

Quý Đôn

Các tin chăn nuôi khác:

31/12/2015
31/12/2015
31/12/2015
31/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
29/12/2015
29/12/2015
29/12/2015
29/12/2015
28/12/2015
28/12/2015
28/12/2015
28/12/2015
28/12/2015
28/12/2015
28/12/2015
28/12/2015
27/12/2015
27/12/2015
26/12/2015
26/12/2015

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang