• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bất cập trong sản xuất, tiêu thụ gà đồi Yên Thế (Bắc Giang)

Nguồn tin: Báo Bắc Giang, 30/01/2015
Ngày cập nhật: 2/2/2015

Hiện nay, gà đồi Yên Thế (Bắc Giang) bán được giá, người chăn nuôi thu lãi cao. Tuy nhiên, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ còn nhiều bất cập, cần các biện pháp tháo gỡ kịp thời.

Chăm sóc gà theo quy trình an toàn sinh học tại xã Canh Nậu.

Chi phí cao, đầu ra bấp bênh

Năm 2014, chăn nuôi gà đồi ở Yên Thế phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát tốt. Thời điểm này, với giá bán 65 - 75 nghìn đồng/kg, cứ 1.000 con gà người chăn nuôi lãi 15 - 20 triệu đồng. Nếu tập trung khắc phục những bất cập trong sản xuất và tiêu thụ thì chăn nuôi gà còn đạt hiệu quả cao hơn.

Con giống là khâu quyết định năng suất, chất lượng gà thương phẩm nhưng hiện nay các hộ chăn nuôi ở Yên Thế mới chủ động được 50% con giống, còn lại vẫn phải mua trôi nổi trên thị trường các tỉnh, TP như: Thái Nguyên, Hải Dương, Hà Nội... Thực tế này khiến dịch bệnh dễ lây lan, khó kiểm soát và làm đội giá thành do chi phí vận chuyển.

Ông Đỗ Danh Hải, thôn Đề Thám, xã Đồng Tâm cho biết: “Các lò ấp nở trên địa bàn huyện không sản xuất đủ con giống nên mỗi khi vào lứa mới, tôi phải mua gà giống ở Thái Nguyên. Cứ mỗi con gà đắt thêm 500 đồng chưa kể công đi lại". Không chỉ gà giống, các chủ lò ấp phải gom nguồn trứng ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh.

Theo số liệu phân tích của ngành nông nghiệp, trong giá thành một con gà xuất chuồng gồm: Giống, thuốc thú y, công chăm sóc, thức ăn và một số chi phí khác thì chi phí thức ăn chiếm tới 70%. Có một thực trạng là nhiều năm nay cứ giá xăng, dầu tăng thì giá thức ăn chăn nuôi, cước vận chuyển tăng theo. Thế nhưng từ tháng 7-2014, giá xăng, dầu giảm 17 lần với tổng mức giảm khoảng 40% mỗi lít mà giá cám, giá cước vận chuyển vẫn chưa giảm nên người chăn nuôi và người tiêu dùng đều chịu thiệt.

Chi phí chăn nuôi cao trong khi đầu ra còn bấp bênh nên người dân nhiều khi bị lỗ, có lứa chỉ hòa vốn. Đối phó với thực tế này, nhiều hộ chăn nuôi chấp nhận tình trạng lứa lãi bù lứa lỗ. Ngoài ra, khâu phòng bệnh còn nhiều kẽ hở, dịch bệnh vẫn có thể bùng phát vì tỷ lệ tiêm vắc-xin cho gia cầm hiện chỉ đạt khoảng 70% tổng đàn, chưa bảo đảm ngưỡng an toàn theo khuyến cáo của cơ quan thú y.

Tương tự trong sản xuất, khâu lưu thông gà thương phẩm còn nhiều bất cập. Bà Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Công ty cổ phần Giang Sơn, xã Đồng Tâm cho biết: “Trước đây, Công ty xuất bán gà thịt sẵn cho 50 cửa hàng, siêu thị ở Hà Nội nhưng nay giảm chỉ còn 20 điểm. Bởi vì cứ mỗi điểm giao hàng, đối tác lại yêu cầu một giấy kiểm dịch gốc, trong khi đó xin cấp giấy này mất 30 nghìn đồng/giấy. Ít hay nhiều gà cũng như vậy, chưa kể phí kiểm soát giết mổ, kiểm dịch sản phẩm động vật mỗi con gà phải chi thêm 350 đồng nữa".

Theo bà Tâm các chi phí trên đã đẩy giá bán lên, do vậy bà đề nghị cơ quan chức năng của tỉnh làm việc với các cơ quan liên quan của TP Hà Nội nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm chi phí trong tiêu thụ gà đồi Yên Thế.

Trao đổi với ông Nguyễn Huy Khánh, Trưởng Trạm Thú y huyện Yên Thế được biết, hiện nay doanh nghiệp và thương nhân đang phải chịu một số loại phí, lệ phí như: Kiểm soát giết mổ, kiểm dịch vận chuyển, kiểm dịch sản phẩm động vật, kẹp chì xe ô tô, dán tem niêm phong, phun thuốc sát trùng xe…Hiện nay có hai loại phí có mức thu khá cao như: phí kiểm dịch 30 nghìn đồng/lần và phun thuốc sát trùng từ 10 - 40 nghìn đồng/lần. Các loại phí, lệ phí này đều thu theo Thông tư 04 năm 2012 của Bộ Tài chính.

Những biện pháp tháo gỡ

Để tháo gỡ những vướng mắc trên, về khâu giống, đầu năm nay UBND tỉnh đã làm việc và ký biên bản ghi nhớ với Cục Chăn nuôi và Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT). Theo đó, từ năm 2015, Cục và Viện Chăn nuôi cung ứng đàn gà bố mẹ chất lượng cao cho các cơ sở sản xuất giống của tỉnh, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu con giống. Đồng thời, tạo giống gà mang nguồn gen bản địa, có đặc điểm riêng của gà Yên Thế gắn với chuẩn hóa quy trình chăn nuôi, ấp nở nhằm giảm chi phí, giá thành sản xuất. Cục Chăn nuôi và Viện Chăn nuôi sẽ giúp tỉnh thực hiện “Đề án nâng cao chất lượng gà đồi Yên Thế giai đoạn 2015 - 2020”.

Liên quan đến nguồn cung con giống, huyện Yên Thế đang tạo điều kiện về mặt bằng tại xã Tam Tiến và thủ tục đầu tư thuận lợi để Công ty cổ phần tập đoàn Dabaco xây dựng Trung tâm sản xuất giống gà ri lai với công suất 8,6 triệu con; hỗ trợ Công ty TNHH gà giống Yên Thế tại xã Hương Vỹ và Trại sản xuất giống tại xã Đồng Tâm.

Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Để nâng cao tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gà, tới đây Sở tiếp tục chỉ đạo Chi cục Thú y và Trạm Thú y huyện tích cực tuyên truyền vận động, tổ chức tốt các cơ chế hỗ trợ cho hộ dân trong việc tiêm vắc-xin. Hướng dẫn người dân tự phối trộn thức ăn để giảm chi phí. Chỉ đạo cán bộ làm công tác kiểm dịch trực 24/24 giờ, đơn giản các thủ tục để thuận lợi cho lưu thông”.

Hiện Sở Công thương cũng đang phối hợp với UBND huyện Yên Thế thực hiện hai mô hình thí điểm chuỗi liên kết “Chăn nuôi - Thu mua - Tiêu thụ” và “Chăn nuôi - Giết mổ - Tiêu thụ” gà đồi Yên Thế. Hiện đã có 80 hộ dân và nhiều thương nhân, doanh nghiệp tham gia. Đây là hai mô hình khép kín, bước đầu khẳng định được hiệu quả đó là hình thành cơ chế liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định, giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Những bất cập trong sản xuất và tiêu thụ gà đồi Yên Thế đã được chính quyền địa phương và cơ quan chức năng nhìn nhận rõ ràng. Vấn đề đặt ra là tiến độ thực hiện các biện pháp khắc phục những bất cập trên như thế nào mà thôi. Đó là điều mà người chăn nuôi và thương nhân tiêu thụ gà đồi Yên Thế đang mong đợi từng ngày.

Đối với kiến nghị của Công ty cổ phần Giang Sơn về đơn giản hóa các thủ tục kiểm dịch để lưu thông hàng hóa thuận lợi ở Hà Nội, Sở Công thương tới đây sẽ làm việc với cơ quan cùng cấp ở Hà Nội tìm hướng giải quyết cho vấn đề này, có thể đề nghị các siêu thị cũng như cơ quan chức năng ở Hà Nội chấp nhận giấy phô tô kiểm dịch có chứng thực để giảm chi phí cho doanh nghiệp”. Ông Phan Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Công thương.

Hải Minh - Việt Anh

Các tin chăn nuôi khác:

31/12/2015
31/12/2015
31/12/2015
31/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
29/12/2015
29/12/2015
29/12/2015
29/12/2015
28/12/2015
28/12/2015
28/12/2015
28/12/2015
28/12/2015
28/12/2015
28/12/2015
28/12/2015
27/12/2015
27/12/2015
26/12/2015
26/12/2015

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang